Có hay không dấu hiệu “bất thường” một cuộc thi viết về văn hóa ở Sóc Trăng?

(Dân trí) - Vừa qua, báo Dân trí nhận được thông tin từ bạn đọc ở tỉnh Sóc Trăng phản ánh về những vấn đề được cho là “bất thường” của một cuộc thi viết về lĩnh vực văn hóa của tỉnh Sóc Trăng.

Theo thông tin từ bạn đọc, đầu tháng 1/2019, tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND thị xã Vĩnh Châu tổ chức trao giải thưởng cuộc thi mang tính học thuật viết về “Tín ngưỡng dân gian người Hoa ở Sóc Trăng” năm 2018. Đây là cuộc thi lớn mang tính học thuật của tỉnh, có mời các trường Đại học, các Trung tâm nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh tham gia nhưng được tổ chức và trao giải được cho là "bất thường".

Theo bạn đọc phản ánh, cuộc thi được Ban tổ chức gia hạn tổ chức và trao giải vài lần. Lễ trao giải được tổ chức tại thị xã Vĩnh Châu, một đơn vị cấp huyện khá xa trung tâm tỉnh Sóc Trăng. Nhiều tác giả được nhận giải do bức xúc đã không đến dự.

Đáng chú ý, tác giả Trần Tú Trinh là người nhận cả 3 giải nhất, nhì, ba, với tổng số tiền thưởng 23 triệu đồng cũng là một vấn đề đáng ngờ, khi thí sinh này là sinh viên mới ra trường và có thời gian thực tập, làm việc tại TTVH tỉnh Sóc Trăng (đơn vị tổ chức cuộc thi). Người ký các chứng nhận giải thưởng là ông Lâm Hoàng Viên- Giám đốc TTVH tỉnh Sóc Trăng, không phải do cấp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hay cấp UBND tỉnh ký. Hội đồng Giám khảo gồm một số Giáo sư, giảng viên tại các trường Đại học và một số công chức, cán bộ của TTVH tỉnh Sóc Trăng.

Từ đó, bạn đọc mong muốn báo chí tìm hiểu để “đưa ra trước công chúng, trả lại sự nghiêm túc cho nghiên cứu khoa học tỉnh Sóc Trăng, cũng như những người làm khoa học, làm văn hóa tại Tây Nam Bộ”.

Có hay không dấu hiệu “bất thường” một cuộc thi viết về văn hóa ở Sóc Trăng? - Ảnh 1.

Trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi.

Trao đổi với PV về những phản ánh trên, ông Lâm Hoàng Viên - Giám đốc TTVH tỉnh Sóc Trăng cho biết: Cuộc thi này do TTVH tỉnh tổ chức, kinh phí do TTVH tỉnh chi chứ không phải do UBND tỉnh hay Sở VH-TT-DL, nên Giám đốc TTVH ký giấy chứng nhận là đúng quy định.

Theo ông Viên, đúng là cuộc thi có gia hạn 2 lần là vì số lượng tác giả, tác phẩm dự thi quá ít. Dự kiến của Ban tổ chức là có khoảng 50 tác phẩm, nhưng hết thời gian quy định ban đầu chỉ có 10 tác phẩm. Do đó, Ban tổ chức gia hạn lần 2 và kết thúc cuộc thi có 53 tác phẩm, đúng như kế hoạch đề ra.

Về Ban giám khảo cuộc thi, ông Lâm Hoàng Viên khẳng định: “Ban giám khảo có 5 người, trong đó có 4 người được mời từ các trường Đại học, các địa phương khác, chỉ có 1 giám khảo là của tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, 4 giám khảo được mời từ nơi khác về gồm GS-TS. Trần Hồng Liên (Trưởng BGK), TS. Đặng Hoàng Lan (trường ĐH Văn hóa TPHCM), TS. Nguyễn Đệ (trường ĐH Văn hóa TPHCM), TS. Nguyễn Thị Nguyệt (Hội VHNT tỉnh Đồng Nai); còn giám khảo duy nhất ở Sóc Trăng là ông Hồ Sáu (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, Phó Trưởng BGK). Vì thế, nói giám khảo là cán bộ, công chức của TTVH tỉnh là không đúng”.

Theo ông Lâm Hoàng Viên, các tác phẩm dự thi đuợc cắt phách, mã hóa; các giám khảo chấm độc lập. Sau khi có kết quả của các giám khảo, Tổ thư ký tập hợp điểm, từ đó xét chọn trao giải theo quy định. Điều lệ cuộc thi quy định mỗi thí sinh có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi, đồng thời không có quy định khống chế về số lượng giải thưởng cho mỗi thí sinh nên việc thí sinh Trần Tú Trinh đoạt cả 3 giải nhất, nhì, ba (người có nhiều tác phẩm dự thi nhất) là bình thường, không vi phạm điều lệ cuộc thi. Thí sinh Tú Trinh là người ở thị xã Vĩnh Châu, trước đây có thực tập khoảng một tháng tại TTVH tỉnh Sóc Trăng và hiện nay đang công tác tại một đơn vị du lịch ở TPHCM.

“Sở dĩ chúng tôi chọn thị xã Vĩnh Châu làm nơi tổng kết, trao giải thưởng vì đây là địa phương có đồng bào dân tộc Hoa sinh sống đông nhất so với các địa phương khác trong tỉnh Sóc Trăng. Theo tôi, cuộc thi có ban hành điều lệ rõ ràng, công khai và thực hiện đúng theo điều lệ, không có gì bất bình thường”, ông Viên nhấn mạnh.

C.X.L