Có bắt buộc phải gánh nợ của người thân theo quy định pháp luật?

(Dân trí) - Theo quy định của pháp luật, có bắt buộc gánh nợ thay cho người thân của mình hay không?

Việc yêu thương, chăm sóc nhau của người thân trong gia đình là điều hiển nhiên trong cuộc sống, đặc biệt là vợ chồng hoặc cha mẹ, con cái. 

Mỗi khi có khó khăn xảy ra, giúp đỡ và bảo vệ nhau là điều cần làm nhưng theo quy định của pháp luật việc giúp đỡ này có phải là bắt buộc? Mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Khi người thân phải gánh nợ dùm con nợ và hậu quả

Trong trường hợp một cá nhân mắc nợ (nợ tiền hoặc tài sản) thì những người thân thiết trong gia đình, cụ thể là vợ chồng, cha mẹ hoặc con cái có bắt buộc phải “gánh” nợ theo quy định của pháp luật hay không thưa luật sư? 

L.s Nguyễn Đức Chánh: Theo khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu không có việc bảo lãnh khoản vay thì người thân không có ràng buộc gì về mặt pháp lý, và họ có thể từ chối yêu cầu trả nợ từ phía bên cho vay.

Có bắt buộc phải gánh nợ của người thân theo quy định pháp luật? - 1

Nếu người mượn nợ vẫn còn khả năng lao động nhưng lại trốn nợ thì chủ nợ có quyền đòi nợ từ người thân của người đó hay không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ tự xác lập và tự chịu trách nhiệm về giao dịch dân sự của mình với người khác.

Còn đối với người chưa thành niên thì theo quy định tại khoản 4 Điều 21 BLDS 2015: “… Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Tóm lại, nếu người mượn nợ không trả thì chủ nợ không có quyền đòi nợ từ người thân của họ.

Có bắt buộc phải gánh nợ của người thân theo quy định pháp luật? - 2

Trường hợp người mượn nợ đã mất, người thân nào sẽ có nhiệm vụ trả số nợ người đó đã mượn thưa luật sư? Là chồng/vợ hay cha mẹ, con cái?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Theo quy định tại Điều 615BLDS 2015 về  thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lạị.

Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang