Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp đất kéo dài 10 năm!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Mười năm, 5 đoàn kiểm tra vẫn không giải quyết xong một vụ tranh chấp đất” xảy ra tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu TP Cà Mau khẩn trương xem xét giải quyết dứt điểm.

Theo tài liệu của PV Dân trí, trong tháng 1/2019, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn nhắc nhở Chủ tịch UBND TP Cà Mau liên quan đến khiếu nại (vụ "10 năm chưa giải quyết xong một vụ tranh chấp đất" mà báo Dân trí đã phản ánh) của gia đình bà Lê Thị Khiêm.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, vào tháng 4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã giao Chủ tịch UBND TP Cà Mau khẩn trương xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc của bà Khiêm, báo cáo kết quả giải quyết đến Chủ tịch UBND tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay (cuối tháng 1/2019), Chủ tịch UBND TP Cà Mau vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc và báo cáo kết quả.

“Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Chủ tịch UBND TP Cà Mau khẩn trương giải quyết dứt điểm, báo cáo kết quả giải quyết đến Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 3/2019”, công văn của UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp đất kéo dài 10 năm! - 1
Chù tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Chủ tịch UBND TP Cà Mau khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc của gia đình bà Lê Thị Khiêm.

Liên quan đến khiếu nại của gia đình bà Lê Thị Khiêm, trong tháng 1/2019, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn do Vụ trưởng Vụ I Trần Bích Ngọc, ký gửi UBND tỉnh Cà Mau chuyển vụ việc, yêu cầu UBND tỉnh này kiểm tra, rà soát, xem xét giải quyết theo quy định.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp đất kéo dài 10 năm! - 2
Văn phòng Chính phủ chuyển vụ việc của gia đình bà Lê Thị Khiêm đến UBND tỉnh Cà Mau xem xét giải quyết.

Như Dân trí đã phản ánh, theo đơn trình bày của gia đình bà Lê Thị Khiêm (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), vào năm 2002, bà Khiêm có mua 2 mảnh đất thửa 48 và 134 (tọa lạc tại phường 1, TP Cà Mau) với tổng diện tích hơn 13.000m2. Do tuổi cao nên bà Khiêm cho các con trong gia đình đứng tên.

Vào ngày 16/2/2004, nhà nước có thông báo thu hồi đất phần phía sau hậu (hướng từ đường Ngô Quyền đi vào) từ mét 61 trở về sau để thành lập khu đô thị mới Licogi, trong đó có phần đất của bà Khiêm. Tuy nhiên, lúc này bà Khiêm không đồng thuận với phương án bồi thường mà Công ty Licogi đưa ra.

Vụ việc phát sinh từ chính vào thời điểm trên nhưng chỉ trở nên cao trào vào năm 2010 khi vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Phía Công ty Licogi đã cho máy móc vào san lấp mặt bằng và giao cho các hộ khác thuộc lô 38, 39, 40. Theo bà Khiêm, các lô đất này thuộc thửa 134 của gia đình bà, hiện do anh Giang Văn Trọng đứng tên.

Tại biên bản ghi nhận về việc tranh chấp ranh đất giữa anh Giang Văn Trọng và Công ty Licogi do UBND phường 1 thực hiện ngày 1/11/2010 thể hiện, anh Trọng cho rằng hành động tự ý đưa máy móc vào hủy hoại tài sản của anh khi chưa được đo đạc, bồi thường thỏa đáng là điều không thể chấp nhận, vi phạm pháp luật.

Về phía Công ty Licogi, ông Nguyễn Ngọc Năng (cán bộ kỹ thuật công ty) cho rằng, ngày 28/10/2010, công ty tiến hành bàn giao đất thuộc lô 38, 39, 40 cho chủ đất xây dựng; phần đất này không nằm trong phần đất tranh chấp giữa anh Trọng và công ty.

Không đồng thuận với quan điểm trên, gia đình anh Giang Văn Trọng tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp đất kéo dài 10 năm! - 3
Xảy ra khiếu nại tranh chấp, phần đất của gia đình bà Lê Thị Khiêm bị bỏ hoang trong một thời gian dài.

Vụ việc không dừng lại ở đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa anh Giang Văn Trọng và Công ty Licogi lại phát sinh một vụ tranh chấp mới giữa thửa đất số 48 với các thửa đất lân cận. Diện tích của thửa 48 đã bị “bóp” nhỏ đi rất nhiều so với diện tích hiện hữu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Khiêm.

Liên quan đến vấn đề này, gia đình bà Khiêm đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng, trong đó có cả Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Phía UBND TP Cà Mau từ năm 2010 đến nay cũng đã tiến hành thành lập nhiều đoàn thanh tra để xác minh, xử lý vụ việc và một số đoàn cũng đã có báo cáo kết luận, nhưng cơ quan chức năng chỉ báo cáo rồi lại “để đó” chứ không xử lý dứt điểm, mới dẫn đến vụ việc kéo dài đến tận ngày nay.

Như vậy, hơn 10 năm qua, tiến độ giải quyết vụ việc này của UBND TP Cà Mau vẫn rất chậm chạp, khiến người dân rất bức xúc.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Huỳnh Hải