Sóc Trăng:

Chủ hụi có dấu hiệu chiếm đoạt nhiều tỷ đồng, dân bức xúc vì không khởi tố vụ án

(Dân trí) - Nhiều người dân ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) phản ánh, từ năm 2013, bà Nguyễn Thị Quyết tổ chức mở nhiều dây hụi, sau đó đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt của nhiều người với số tiền trên 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ việc rơi vào im lặng khi cơ quan chức năng của địa phương không khởi tố vụ án khiến người dân đứng trước nguy cơ mất trắng, còn bà Quyết lại bình yên vô sự.

Bà Trần Thị Hiểu (ngụ thị trấn Trần Đề) cho biết, khi được bà Nguyễn Thị Quyết (SN 1967, ngụ ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) rủ tham gia chơi hụi, một phần là chỗ quen biết, một phần cũng vì ham lời, nên đã có nhiều người dân ở địa phương tham gia 4 dây hụi do bà Quyết làm chủ. Khi người dân tham gia chơi hụi được một thời gian, thì bà Quyết đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.

Cụ thể, trong năm 2013-2014, bà Quyết đã có hành vi lừa đảo bằng cách “thông báo” có người muốn bán hụi để mời chào và bán cho nhiều người, thực chất là bán khống vì những người này vẫn tiếp tục chơi. Bằng cách này, chỉ một chân hụi, bà Quyết thu tiền của 2 người.

“Bà Quyết còn tự ý hốt hụi của nhiều con hụi bán cho người khác rồi báo lại với các con hụi khác rằng người đó đã hốt hụi. Đến khi bị phát hiện, bà Quyết mới chịu thừa nhận và làm giấy nhận nợ. Trong năm 2013, bà Quyết đã bán chân hụi của bà Trần Thị Kim Nhị, bà La Kim Hồng và bà Trần Thị Ngữ cho tôi với tổng số tiền 333 triệu đồng. Ngoài ra, bà Quyết còn giật 4 dây hụi tôi đang chơi, tổng cộng là hơn 1,2 tỷ đồng”, bà Hiểu bức xúc.

Còn bà Ngô Thị Kiều Oanh cho biết, bà tham gia 3 dây hụi do bà Quyết làm chủ. Đến khi bà Quyết ôm tiền bỏ trốn ngày 29/4/2014, thì bà phát hiện có 4 chân hụi “ma”. “Sau khi kiểm tra, tôi phát hiện bà Quyết đã lập 4 chân hụi “ma” tên Dương Thị Út, Trần Thị Ngữ để bán cho tôi với số tiền hơn 770 triệu đồng. Đồng thời, bà ấy còn dùng tên hụi “ma” Dương Thị Út để bán cho bà Nguyễn Thị Hương với số tiền trên 160 triệu đồng”, bà Oanh phản ánh.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Ngữ, bà Út đều khẳng định không hề tham gia những dây hụi mà bà Quyết đã bán cho bà Hiểu, bà Oanh, bà Hồng cùng một số người khác. Bà Nhị cũng khẳng định không hề bán chân hụi cho bà Hiểu.

Bà Dương Thị Bông là chị em bạn dì với bà Quyết bức xúc cho biết, bà Quyết đã lợi dụng lòng tin dùng hụi “ma” để hốt hụi và bán hụi khống để chiếm đoạt của bà hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Quyết còn lợi dụng nhiều người để vay mượn tiền rồi sau đó chiếm đoạt tổng cộng khoảng 10 tỷ đồng.

Theo đơn phản ánh, khi bà Quyết bỏ trốn khỏi địa phương, ngày 8/5/2014, các con hụi đã gửi đơn đến Công an thị trấn Trần Đề nhờ can thiệp. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó họ không thấy công an có động thái gì. Quá bức xúc, ngày 25/8/2014, họ đã đồng loạt gửi đơn lên Công an tỉnh Sóc Trăng, thì vụ việc mới được thụ lý. Mặc dù vậy, sau 19 tháng, vụ việc lại được chuyển về Công an huyện Trần Đề.

Theo bà Hồng, trước khi vỡ nợ, bà Quyết đã âm thầm sang tên rất nhiều tài sản có giá trị cho người thân. Khi sự việc bị đổ bể, bà Quyết tiếp tục tìm cách tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh trách nhiệm khắc phục hậu quả. Hiện, bà Quyết vẫn đang “ung dung” sống tại địa phương mà không thấy ai đả động gì đến.

Nhiều người dân có nguy cơ mất trắng nhiều tỷ đồng sau khi bị bà Nguyễn Thị Quyết có dấu hiệu giựt hụi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều người dân có nguy cơ mất trắng nhiều tỷ đồng sau khi bị bà Nguyễn Thị Quyết có dấu hiệu giựt hụi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trung tá Dương Văn Đông - Trưởng Công an thị trấn Trần Đề, cho biết: “Vụ này xảy ra lâu lắm rồi. Lúc tiếp nhận thông tin từ người dân, chúng tôi có hướng dẫn họ làm đơn và báo cáo lãnh đạo rồi chuyển hồ sơ vụ việc. Còn thời gian nhận và chuyển cụ thể ngày nào tôi không nhớ do lâu quá”.

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Trước đây, PC45 có tiếp nhận hồ sơ vụ việc này. Trong quá trình điều tra, đơn vị phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hình sự, cụ thể là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, số tiền chiếm đoạt chưa đến 500 triệu đồng nên đã chuyển hồ sơ vụ án về Công an huyện Trần Đề để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền”.

Bà Ngô Thị Kiều Qanh nói: “Đến tháng 10/2015, một cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng cho tôi biết vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhưng vì số tiền chiếm đoạt khoảng 350 triệu đồng, không thuộc thẩm quyền xử lý của Công an tỉnh và chuyển hồ sơ về Công an huyện Trần Đề. Trong đó, có công văn không có số gửi cho chúng tôi ngày 7/10/2015. Nhưng tháng 3/2016, Công an huyện Trần Đề cho tôi biết do số tiền bà Quyết có hành vi lừa đảo chiếm đoạt trên 2,2 tỷ đồng, nên không thuộc thẩm quyền xử lý của huyện mà thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh Sóc Trăng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ do Công an huyện Trần Đề chuyển đến, PC45 Sóc Trăng thụ lý vụ việc, phân công điều tra viên Phạm Việt Khởi tiếp tục điều tra xác minh. Tôi và những người bị bà Quyết lừa đảo đều được PC45 mời lên lấy lời khai, đối chất rất nhiều lần và chúng tôi đã khai rất trung thực, đầy đủ, chi tiết, cung cấp đủ hồ sơ, chứng cứ chứng minh bà Quyết có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chúng tôi cho điều tra viên Phạm Việt Khởi”.

Tuy nhiên, ngày 3/10/2016, người dân rất bất ngờ khi nhận được Thông báo số 42 ký ngày 30/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng với nội dung: “Quá trình kiểm tra, xác minh nhận thấy hành vi của bà Nguyễn Thị Quyết không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 2, Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Không đồng ý với quyết định trên của Công an tỉnh Sóc Trăng, người dân tiếp tục khiếu nại đến Viện KSND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 30/3/2017, người dân nhận được Quyết định (ký ngày 28/3/2017) của Viện KSND tỉnh Sóc Trăng với nội dung: “Năm 2005, bà Quyết làm chủ hụi, đến năm 2011 có một số hụi viên đã hốt hụi nhưng không đóng hụi (hụi chết) nên bà Quyết có vay mượn tài sản bên ngoài để tràn lấp hụi. Đến cuối năm 2012, bà Quyết đã nảy sinh ý định mở 4 dây hụi, mục đích mở dây hụi là để tự ý bán, hốt hụi của các hụi viên nhằm tràn lấp cho các dây hụi trước đó. Kết quả, bà Quyết hốt 13 chân lấy số tiền hơn 1,418 tỷ đồng, tự ý bán 1 chân hụi lấy hơn 111 triệu đồng, tổng cộng là trên 1,530 tỷ đồng. Số tiền lấy được tràn lấp hụi hơn 1,183 tỷ đồng, trả lãi vay và chịu tiền lời, đóng hụi chết cho các hụi viên đã tự ý hốt và bán hụi là 346 triệu đồng. Kết luận bà Quyết lấy tiền của các hụi viên để trả nợ và tràn lấp hụi trước đó là không có chiếm đoạt nên không kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 của Bộ luật Hình sự”.

Bà Oanh đặt vấn đề: “Nếu nói bà Quyết gặp khó khăn, thì tại sao trong giai đoạn này, bà Quyết đóng mới ghe cào giá trị trên 1 tỷ đồng, mua và sửa căn nhà lầu 3 tầng trên 2 tỷ đồng ngay trước mặt bà con chúng tôi”.

Căn nhà của bà Quyết mua sau khi bị tố giựt hụi của người dân.
Căn nhà của bà Quyết mua sau khi bị tố giựt hụi của người dân.

Điều đáng nói, trước đó, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Trưởng phòng 2 (Viện KSND tỉnh Sóc Trăng) cho biết, việc giải quyết vụ vỡ hụi ở huyện Trần Đề kéo dài từ năm 2014 đến nay là do tính chất phức tạp, có nhiều người tham gia, khó khăn trong quá trình xác minh. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc liên quan đến tranh chấp hụi, cần làm rõ dấu hiệu tội phạm hình sự hay là tranh chấp dân sự để giải quyết chính xác đúng theo pháp luật, tránh xảy ra hình sự hóa quan hệ dân sự.

Còn ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Vụ vỡ hụi ở huyện Trần Đề, cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý quyết liệt vì vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, thời gian điều tra, xử lý kéo dài. Ban đầu, phía Công an huyện Trần Đề điều tra không xong nên sau đó UBND tỉnh chỉ đạo giao cho Công an tỉnh Sóc Trăng trực tiếp điều tra, xử lý. Qua kết quả điều tra, bà Quyết có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên chuẩn bị khởi tố vụ án, đưa ra xét xử”.

Dư luận người dân ở địa phương đề nghị cơ quan Công an tỉnh Sóc Trăng xử lý sớm vụ việc, tránh để xảy ra tình huống xấu, ảnh hướng đến an ninh trật tự ở địa phương.

D.B