Bài 12:

Chồng mang dao ép vợ cũ nhận nợ 2,5 tỷ vẫn thắng kiện: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”?

(Dân trí) - “Nghề nào cũng có khi gặp tai nạn khi thực thi công việc. Nhưng nếu là vì động cơ không trong sáng mà cố ý làm không đúng nhiệm vụ thì đó là điều đáng trách nhất. Nghề xét xử liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản, danh dự con người, mà sai lầm do động cơ không trong sáng thì tốt nhất là nên làm nghề khác. Với những quan tòa không liêm chính thì không thể Nhân danh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được”, quan điểm của bạn đọc Dân trí.

TAND cấp cao đã quyết định hủy 2 bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và phúc thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên trong vụ chồng dùng dao ép vợ cũ nhận nợ 2,5 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm trái quy định của pháp luật

Bản án dân sự sơ thẩm số 205/2015/DSST ngày 12/5/2015 của TAND quận Gò Vấp về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” với thành phần Hội đồng xét xử gồm: Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là bà Lê Minh Loan (hiện bà Loan đã được bổ nhiệm là Phó Chánh án TAND quận Gò Vấp); Hội thẩm nhân dân là ông Võ Thành Viên, ông Phan Tấn Trung; đại diện VKSND quận Gò Vấp tham gia phiên tòa là ông Tạ Đức Toàn - Kiểm sát viên.


Thành phần HĐXX trong phiên toà sơ thẩm đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng trong hồ sơ, tuyên buộc và Lụa phải trả chồng cũ 2,5 tỷ đồng.

Thành phần HĐXX trong phiên toà sơ thẩm đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng trong hồ sơ, tuyên buộc và Lụa phải trả chồng cũ 2,5 tỷ đồng.

Trong phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã không xem xét nhiều chứng cứ, tài liệu quan trọng hồ sơ vụ án mà chỉ căn cứ vào mảnh giấy nhận nợ để tuyên buộc và Lụa phải trả 2,5 tỷ đồng cho chồng cũ.

Sau khi bản án được được ban hành, bà Lụa có đơn kháng cáo và Viện KSND quận Gò Vấp đã ra quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp vì nhiều tình tiết quan trọng chưa được bản án xem xét. Quyết định số 39/QĐ-KNPT-DS của Viện KSND quận Gò Vấp nhận định, bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp là không chính xác, không phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ.

Dù Viện KSND quận Gò Vấp xét thấy bản án sơ thẩm không nhận định về những tài liệu, chứng cứ trên là không đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được chính xác, công minh và các nhân chứng đã khai báo rất rõ với cơ quan Công an nhưng tại phiên tòa phúc thẩm tại TAND TP.HCM với thành phần HĐXX gồm: Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Minh Quang, các thẩm phán gồm bà Phạm Thị Nhung, Đỗ Thị Thu Hương, đại diện Viện KSND TP.HCM bà Đào Thị Xuân Hồng, HĐXX cũng “lãng quên” nhiều tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và kháng nghị của Viện KSND quận Gò Vấp để ban hành bản án số 1179/2015/DSPT ngày 17/9/2015 tuyên buộc bà Đỗ Hồng Lụa phải trả ông Long số tiền 2,5 tỷ đồng.


Thành phần HĐXX phiên toà phúc thẩm cũng bỏ qua kháng nghị của Viện KSDN quận Gò Vấp và tài liệu, chứng cứ quan trọng trong hồ sơ mà chỉ căn cứ mảnh giấy nhận nợ (bà Lụa cho rằng bị chồng cũ dùng dao khống chế ép viết) để tuyên buộc bà Lụa phải trả cho chồng cũ 2,5 tỷ đồng.

Thành phần HĐXX phiên toà phúc thẩm cũng bỏ qua kháng nghị của Viện KSDN quận Gò Vấp và tài liệu, chứng cứ quan trọng trong hồ sơ mà chỉ căn cứ mảnh giấy nhận nợ (bà Lụa cho rằng bị chồng cũ dùng dao khống chế ép viết) để tuyên buộc bà Lụa phải trả cho chồng cũ 2,5 tỷ đồng.

Cho rằng, hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm tuyên với mình có nhiều dấu hiệu vi phạm, oan sai, bà Đỗ Hồng Lụa đã có đơn kiến nghị gửi đến Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM.

Sau khi xem xét hồ sơ toàn bộ vụ án, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên đối với bà Đỗ Hồng Lụa. VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, có đủ cơ sở để xác định giấy nhận nợ ngày 2/11/2011 được bà Lụa viết tại nhà riêng trong điều kiện bị ông Long dùng vũ lực đe doạ. Mặc dù không đủ căn cứ để khởi tố ông Long về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" nhưng cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp đã chứng minh rõ ông Long có hành vi uy hiếp, khống chế, ép buộc bà lụa viết và ký giấy nhận nợ.

Chuyên môn kém hay cố tình vi tố tụng?

“Bức xúc” là tâm trạng của bất cứ ai khi đọc thông tin trên, bạn đọc có thể cảm nhận ngay được sự thiếu công tâm, không trong sáng của các “vị quan tòa”. Những câu hỏi và những điều mong mỏi của bạn đọc Dân trí đều là: “Cần truy tố những người cố ý làm sai trong việc xét xử trong vụ án này”, như ý kiến của bạn đọc có nickname Thường Dân.

Hay bạn đọc Xaluan: “Vấn đề ở đây là xử lý như thế nào với các "vị quan tòa" này?. Không riêng gì vụ này mà rất nhiều các vụ khác vì không xử nghiêm các "bao công không trong sáng" ở các vụ sơ thẩm, phúc thẩm khi phán quyết "oan sai cho kẻ yếu", làm phức tạp sự việc, mất công bằng xã hội và cuối cùng nhà nước đã mất tiền đào tạo các vị quan này, lại phải bỏ tiền đền oan sai cho các quan?”

Quan toà là phải chí công vô tư, cầm cân nảy mực phải công bằng, sáng suốt nhưng nếu xử án theo kiểu vu vơ, cảm tính, thiên lệch thì “Đề nghị pháp luật Việt Nam xử lý nghiêm minh những quan tòa sử sai để lấy lại niềm tin của nhân dân. Nếu đã làm thẩm phán mà làm sai thì tội còn nặng hơn người dân thường, như vậy mới là công lý và công bằng”, bạn đọc Trúc Mai.

Bạn đọc DavitTa: “Vụ này nói đến đứa trẻ con nó cũng chẳng tin, đời ai trước lúc xử ly hôn hai bên đều công nhận không còn ai nợ ai, thế mà sau ly hôn ông chồng tốt bụng đến mang tiền cho vợ cũ vay khoản tiền tỷ vậy; Mặt khác nơi nhận tiền lại ở một quán, không ai làm chứng thì chỉ có người thần kinh không bình thường. Tòa cần xem lại một số tình tiết, cụ thể người giúp việc, bà con dân làng chứng kiến vụ cãi nhau ngay hôm vay tiền, chẳng lẽ đang cãi nhau đến không ở được với nhau, ông chồng khuân tiền cho vay, hơn nữa xem khoản tiền 2,5 tỷ ông chồng lấy ở đâu ra? cũng xem kỹ các quan hệ ngầm của ông chồng với các quan tòa đã xử án như vậy.”

Bạn đọc MinhNguyen: “Nếu Tòa án cố tình xử ép bị cáo như vậy thì trách nhiệm của tòa án sẽ như thế nào? ai sẽ xét xử những người kết tội oan cho bị cáo? Tại sao những người được giao trọng trách cầm cân nảy mực có trình độ thấp và suy thoái đạo đức như vậy lại được bổ nhiệm? CHẳng trách có những vụ án dù đơn giản nhưng vì những quan tòa thiếu trách nhiệm, tư lợi cá nhân, quan liêu... mà đã kéo dài hàng chục năm, thậm chí kết tội tử hình oan cho nhiệu người. Bên cạnh đó cũng cần xử nghiêm những thẩm phán vô trách nhiệm, xét xử oan sai.”

“Đề nghị xem xét trách nhiệm, kỷ luật Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nếu có dấu hiệu bao che, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây oan sai trong tố tụng”, bạn đọc Võ Anh Trung

Bạn đọc Lê Tuấn Anh: “Dù do trình độ năng lực hay cố ý (nhưng với người dân bình thường còn hiểu được thì không phải do năng lực) thì cũng cần phải xử lý những quan tòa này theo pháp luật của nhà nước”.

Bạn đọc Bui Thanh: “Phía sau bản án là gì, đố ai biết được. Cần xử nghiêm những thẩm phán xử không đúng để tránh oan sai”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Khả Vân