Chính quyền tắc trách, đẩy anh em ruột vào bước đường kiện nhau

(Dân trí) - Ông Mai Văn Sáu được giao đất và ký hợp đồng giao khoán trồng, chăm sóc rừng theo dự án 661. Tuy nhiên, khi thành quả đến kỳ thu hoạch thì một phần diện tích rừng của gia đình ông được chính quyền “bật đèn xanh” cho người khác vào khai thác…

Rừng của em bị anh trai khai thác trắng

Theo đơn cầu cứu của ông Mai Văn Sáu (sinh năm 1964), ở thôn 2 Cẩm Sơn, xã Hà Tiến, huỵện Hà Trung, năm 2000, gia đình ông được UBND huyện Hà Trung giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại Quyết định số 281/QĐ-UBND với diện tích 9,14ha, gồm 4 thửa đất.

Ông Sáu bức xúc trước việc làm của chính quyền địa phương.
Ông Sáu bức xúc trước việc làm của chính quyền địa phương.

Trong đó có 3 ha tại lô 84 trên bản đồ thiết kế trồng rừng dự án 661 năm 2000 xã Hà Tiến, trùng với thửa đất số 140 diện tích 6,6 ha. Gia đình ông Sáu có hợp đồng khoán hộ trồng rừng, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng năm 2000 với bên giao khoán là Ban quản lý dự án cơ sở - Lâm trường Hà Trung, giao khoán hộ ông Sáu trồng rừng trên diện tích 5,8 ha tại các lô 84 và 85.

Ngày 28/3/2002, Lâm trường Hà Trung tiếp tục giao khoán cho hộ ông Sáu chăm sóc rừng, trồng dặm tại các lô 84 và 85. Tuy nhiên, đến giữa năm 2013, ông Mai Văn Múc, thôn Đồng Bồng, xã Hà Tiến, là anh trai ông Sáu đã làm hồ sơ và được các cấp chính quyền và ngành chức năng thẩm định cho khai thác trên diện tích 3 ha cây Keo tại vị trí lô 84, thửa 140 của gia đình ông Mai Văn Sáu đứng tên.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Sáu.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Sáu.

Khi đã có trong tay thủ tục giấy tờ, ông Múc đã tiến hành khai thác trắng các loại cây, chỉ còn lại khu vực trồng cây Lát phía dưới chân đồi chưa khai thác. Tại vị trí đã khai thác hết cây, hiện cả hai hộ là ông Mai Văn Múc và ông Niệm (em vợ ông Múc) đã trồng lại cây Keo xem kẽ, lẫn lộn nhau, chưa xác định được ranh giới, diện tích đã trồng của từng hộ.

Chính quyền tắc trách, "xui" dân ra tòa

Sau khi phát hiện ông Múc khai thác gỗ trên phần đất của gia đình mình đã được hợp đồng giao khoán, ông Sáu làm đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền và ngành chức năng để được giải quyết.

Tuy nhiên, khi được cấp trên yêu cầu, UBND xã Hà Tiến không cung cấp được hồ sơ gì liên quan đến việc sử dụng đất, trồng rừng, chăm sóc rừng của hộ ông Mai Văn Múc trên diện tích 03 ha, tại lô 84.

Tuy nhiên, đất rừng của ông bị anh trai khai thác trái phép.
Tuy nhiên, đất rừng của ông bị anh trai khai thác trái phép.

Trong hồ sơ thiết kế trồng rừng, chăm sóc rừng từ năm 1998 đến năm 2002 của Lâm trường Hà Trung, ông Múc không có hợp đồng, không có trong danh sách nhận giao khoán trồng rừng, chăm sóc rừng với Lâm trường.

Về phía mình, ông Sáu có khẳng định, gia đình ông có đồng ý cho ông Múc được quyền chăm sóc và khai thác 01 ha đất rừng thuộc thửa 140 khi đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, ông Múc đã khai thác trắng cả 03 ha đất rừng do ông Sáu trồng và chăm sóc bao năm nay.

Việc làm bất chấp quyền lợi của công dân cũng như thiếu sự minh bạch của chính quyền xã Hà Tiến chỉ được làm rõ khi Thanh tra huyện Hà Trung vào cuộc xác minh. Theo đó, kiểm tra hồ sơ xin khai thác gỗ của ông Mai Văn Múc phát hiện, đơn xin khai thác ngày 2/5/2013 của ông Múc làm không đúng mẫu Bản đăng ký sản phẩm khai thác. Ông Múc không kê khai được nội dung liên quan đến quyền sử dụng đất, trồng rừng, chăm sóc rừng của ông Múc như quy định trong mẫu đơn.


Ông Múc làm đề cương thuyết minh thiết kế khai thác trên diện tích 3 ha, tại lô 84, thuộc đất và rừng cây của hội ông Sáu, trong khi chưa có ý kiến thỏa thuận của gia đình ông Sáu.

Điều đáng nói là UBND xã Hà Tiến xác nhận cho ông Múc có diện tích rừng 3 ha, tại lô 84 đủ điều kiện để lập hồ sơ xin khác thác. Tiếp đó, UBND xã Hà Tiến còn làm Tờ trình đề nghị cho ông Múc được khai thác gỗ trên diện tích của gia đình ông Sáu.

Hồ sơ xin khai thác của ông Múc còn qua bước thẩm định của Phòng NN&PTNT huyện Hà Trung. Mặc dù hồ sơ xin khai thác gỗ của hộ ông Mai Văn Múc không đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Thông tư 35/2011 của Bộ NN&PTNT, nhưng Phòng NN&PTNT vẫn thẩm định hồ sơ trên.

Ông Mai Văn Sáu bức xúc: “Xã làm thủ tục khống, giờ đây đất của gia đình tôi ông Niệm đang chiếm giữ, mỗi lần gia đình tôi lên trồng cây, chăm sóc rừng thì ông Niệm tìm cách gây gổ, thậm chí đánh lại. Tôi đã gửi đơn đến nhiều cấp ngành nhưng hơn một năm nay chưa được giải quyết. Xã còn ép chúng tôi phải ra tòa, trong khi chúng tôi đã có đơn đề nghị hòa giải. Hiện ông Múc đã bỏ vào miền Nam sống rồi”.

Trước sự việc trên, chúng tôi có buổi làm việc với ông Vũ Văn Được - Chủ tịch UBND xã Hà Tiến, tuy nhiên, ông Được tỏ thái độ làm việc hời hợt khi hết đứng rồi ngồi và chỉ ngắn gọn rằng: “Đối tượng tranh nhau không có ở nhà, ông Múc đang ở Sài Gòn chữa bệnh. Đã làm văn bản đề nghị gia đình đến tòa giải quyết. Hình thức tiếp theo chúng tôi chưa làm được. Giao cho đồng chí Đoàn (Phó chủ tịch UBND xã Hà Tiến-PV) kiểm điểm trách nhiệm”.

Vụ việc của ông đã được kiến nghị nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Vụ việc của ông đã được kiến nghị nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Sau đó, ông Được đẩy trách nhiệm sang cho ông Tống Văn Đoàn - Phó chủ tịch UBND xã, theo ông Đoàn cho biết: “Xã có hai nhiệm vụ là kiểm điểm cán bộ, việc này đã kiểm điểm khiến trách đồng chí chủ tịch; thứ hai là mời gia đình ông Múc đến giải quyết nhưng ông Múc không ở nhà, chúng tôi giới thiệu đến tòa án nhân dân để giải quyết. Khẳng định đây là đất của ông Sáu rồi. Đến lúc khai thác sơ suất của đồng chí chủ tịch”.

Đã hơn một năm kể từ khi vụ việc xảy ra, công dân đã đến gõ cửa nhiều nơi nhưng vẫn chưa được chính quyền huyện Hà Trung giải quyết khiến quyền lợi của người dân bị xâm hại nhưng đành bất lực...

Duy Tuyên