Bình Định:

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ?

(Dân trí) - Thương con tần tảo nuôi cháu, bà Đinh Thị Thiệt đưa con gái và cháu ngoại Huỳnh Thành Công về ở cùng mái nhà vách đất. Sau ngày giải phóng đất nước, bà Thiệt qua đời. Lợi dụng 2 người dì (con ruột bà Thiệt) ở riêng, ông Công ngang nhiên chiếm dụng 1.126m2 đất và được UBND huyện Phù Mỹ cấp sổ đỏ.

Bức xúc trước hành động chiếm đất của cha mẹ, cụ Lê Thị Thiện (SN 1937, ngụ xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) gửi đơn kêu cứu đến Báo điện tử Dân trí. Cụ Thiện tố cáo hành vi chiếm đất của người cháu Huỳnh Thành Công (SN 1966), việc cấp sổ đỏ của UBND huyện Phù Mỹ sai trái và những phiên tòa đẫm nước mắt.

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 1.

  

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 2.

Đơn cụ Thiện gửi đến báo điện tử Dân trí.

“Cha tôi mất trước giải phóng, đến năm 1977 thì mẹ qua đời. Chừng ấy năm mà không có nơi thờ cha mẹ đàng hoàng. Muốn xây dựng nơi thờ thì bị thằng cháu Công đe dọa, không cho đụng đến đất nó chiếm của cha mẹ tôi. Cha mẹ ở trên trời, hãy phù hộ cho con đi tìm công lý, mong lấy lại một phần đất để làm nơi thờ tránh “dãi nắng dầm mưa”. Già đã 80 tuổi rồi, còn hơi thở ngày nào, già cũng vẫn còn gõ cửa các cơ quan chức năng cầu cứu”, cụ Thiện rưng rưng nước mắt bày tỏ.

Cháu ngoại chiếm đất, đẩy bàn thờ ông bà “dãi nắng dầm mưa”!

Giữa thời chiến tranh khói lửa, ông Lê Khi và bà Đinh Thị Thiệt kết duyên và hạ sinh 5 người con. Bao gồm con trai lớn Lê Dầy (SN 1922, đã chết) cùng 3 con gái Lê Thị Tuôi (SN 1926), Lê Thị My (SN 1928), Lê Thị Thiện (SN 1937) và con trai Lê Thái Mỹ (đã chết, có con trai Lê Thái Minh - cháu đích tôn).

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 3.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Thiện vẫn miệt mài ô đơn đi gõ cửa khắp nơi đòi lại công lý.

Lớn lên cùng thời chiến, cả gia đình mưu sinh và an cư dưới mái nhà tranh vách đất tại thửa đất số 683, tờ bản đồ số 17, diện tích 1.126m2 tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ). Đến tuổi cưới vợ và gả chồng, các con của ông Khi lần lượt ra ngoài ở riêng.

Những năm 1954, ông Lê Khi qua đời, sau đó bà Đinh Thị Thiệt cho con gái Lê Thị My cùng cháu ngoại Huỳnh Thành Công về ở. Đến năm 1977, bà Đinh Thị Thiệt về dưới suối vàng và không để lại di chúc. Vài năm sau, người cháu Huỳnh Thành Công trưởng thành và lập gia đình. Trước khó khăn những năm sau giải phóng, cậu cùng dì (ông Lê Dầy, bà Tuôi và bà Thiện) tạm thời cho cháu Công xây nhà cấp 4 bên phía Đông mảnh vườn, phần còn lại cùng ngôi nhà cũ để làm nơi thờ phụng.

Cuộc sống bình yên nơi vùng quê nghèo “dậy sóng”, vào năm 1993, Huỳnh Thành Công ngang nhiên chiếm dụng toàn bộ mảnh đất của ông bà ngoại. Kể từ đó, ông Lê Dầy (đại diện gia đình) lên tiếng khiếu kiện, yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp. Trong khi sự việc chưa “thấu tình, đạt lý”, bất ngờ vào ngày 16/1/2003, UBND huyện Phù Mỹ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 03231 tại thửa đất số 683, tờ bản đồ số 17 và diện tích 1.126m2 đất.

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 4.

Mảnh đất cả ngàn mét vuông nhưng đứa cháu ngoại bất hiếu chỉ cho dựng tạm túp liều làm nơi thờ.

 

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 5.

Những lúc khỏe, cụ Thiện đến thắp nén hương cho cha mẹ dưới túp liều cháy nắng và mưa dột.

Cụ Lê Thị Thiện bức xúc: “Qua mấy mùa mưa bão, ngôi nhà tranh vách đất bị ngã đổ. Tôi cùng chị Tuôi dựng lại nhà để làm nơi thời cha mẹ, vậy mà thằng cháu vô nhân tính đó không cho chúng tôi làm, còn dọa đánh hai bà dì từng nuôi nó lúc nhỏ. Tôi quỳ lạy và van xin, nó mới cho dựng căn lều xiêu vẹo để đặt bàn thờ trên mảnh đất cha mẹ tạo dựng. Gần đây, nó đòi dỡ lều, phá bàn thờ cha mẹ và cấm chúng tôi bước vào mảnh đất này”, cụ đau đớn òa khóc ở cái tuổi cạn nước mắt.

Tòa chấp nhận đứa trẻ 9 tuổi khai hoang đất và làm nhà?

Bức xúc trước sự việc trên, cụ Lê Thị Thiện gửi đơn kiện yêu cầu Tòa án nhân dân địa phương làm rõ quyền sở hữu và đòi lại diện tích đất của cha mẹ. Tại bản án số 106/2007/DS-ST ngày 17/9/2007, TAND huyện Phù Mỹ bác toàn bộ yêu cầu của bà Lê Thị Thiện. Đồng thời, công nhận ông Huỳnh Thành Công sở hữu 1.126m2 của cha mẹ bà Thiện.

Thế nhưng, kết quả bản án 106/2007/DS-ST lại “nghịch lý” với lời khai của bà Lê Thị My và ông Huỳnh Thành Công (con bà My). Bà Lê Thị My khai nhận cha mẹ bà là ông Lê Khi và bà Thiệt tạo lập, để lại mảnh đất với 1.126m2 tại thửa đất số 683, tờ bản đồ số 17.

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 6.

Lời khai của ông Công tự khai hoang đất, xây dựng nhà lúc 9 tuổi đối ngược với lời khai của bà My - mẹ ông Công.

Ông Huỳnh Thành Công khai nhận vào năm 1975, ông Công khai hoang đất, cất 1 ngôi nhà tranh, trồng cây lưu niên trên thửa đất số 683, tờ bản đồ số 17, diện tích 1.126m2 và sinh sống ổn định cho đến nay.

Như lời khai trên của ông Huỳnh Thành Công, thời điểm năm 1975 thì ông Công chỉ mới 9 tuổi, vì ông Công sinh năm 1966. Do đó, khả năng ông Công tự khai hoang đất, xây nhà là bất hợp lý. Thế nhưng, TAND huyện Phù Mỹ lại chấp nhận lời khai của đứa trẻ mới 9 tuổi và bác toàn bộ đơn yêu cầu của bà Thiện.

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 7.

Tòa án xác định ông Huỳnh Thành Công sinh năm 1966.

Sau khi kháng cáo, TAND tỉnh Bình Định đã chấp nhận đơn kháng cáo của bà Lê Thị Thiện tại bản án số 66/2008/DS-PT ngày 25/4/2008. Qua kết quả xét xử, tòa phúc thẩm yêu cầu UBND huyện Phù Mỹ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 03231 ngày 16/1/2003 đã cấp cho ông Huỳnh Thành Công. Đồng thời, chấp nhận giao cho ông Huỳnh Thành Công với diện tích 461m2 mà ông Công đã xây dựng nhà ở hiện tại.

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 8.

TAND tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm lần đầu yêu cầu huyện Phù Mỹ thu hồi sổ đỏ đã cấp cho ông Công.

Diện tích còn lại giao cho bà Lê Thị Thiện 276m2 (gồm 66,7m2 đất ở và 209,3m2 đất vườn); giao bà Lê Thị Tuôi 269m2 (gồm 66,7m2 đất ở và 202,3m2 đất vườn).

Đến ngày 15/7/2014, TAND huyện Phù Mỹ xét xử sơ thẩm lại vụ việc trên. Lần này, ông Huỳnh Thành Công thay đổi lời khai: “Ông Công thừa nhận thửa đất số 683, tờ bản đồ số 17, diện tích 1.126m2 nguồn gốc là của ông bà ngoại (cụ Khi và cụ Thiệt) nhưng đất bỏ hoang. Năm 1975, bà Lê Thị My cùng ông Công đến khai hoang, dựng lên căn nhà tranh vách đất, trồng cây ăn trái. Ông Công cùng bà Lê Thị Mỹ và bà ngoại Đinh Thị Thiệt ở trên mảnh đất này từ năm 1975”.

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 9.

Ông Công khai lại đất của ông bà ngoại nhưng bỏ hoang.

Trên thực tế, từ ngày cụ Đinh Thị Thiệt cùng chồng tạo lập mảnh đất trên, hạ sinh 5 người con và sinh sống cố định, chưa di chuyển chỗ ở đi nơi khác cho đến lúc cụ Thiệt mất (năm 1977). Đối chiếu với lời khai của ông Công, cho rằng đất của ông bà ngoại nhưng bỏ hoang. Từ chứng cứ này, TAND huyện Phù Mỹ bác toàn bộ yêu cầu của bà Lê Thị Thiện và bà Lê Thị Tuôi tại bản án số 59/2014/DSST.

Trải qua nhiều lần xét xử, những người con của ông bà ngoại ông Công đều công nhận đất do ông Lê Khi và bà Đinh Thị Thiệt tạo lập. Điều nghịch lý tại các bản án, tòa án lại chấp nhận lời khai “vô lý” trên, bỏ qua quyền lợi hợp pháp của thế hệ dì và cậu đối với ông Công. Mặc dù, cố chiếm đoạt đất của tổ tiên, ông Công lại cố đẩy nơi thờ ông bà ngoại ra ngoài đường!

Nỗi đau xé lòng của cụ bà “gần đất xa trời”!

Gần bước qua cái tuổi 80, sức khỏe cụ Lê Thị Thiện ngày càng yếu dần ở vùng quê nghèo Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ). Không cam chịu đơn vị tòa án xét xử trái công lý, cụ Thiện vẫn miệt mài gửi đơn kháng cáo đến TAND tỉnh Bình Định.

Rưng rưng dòng lệ, cụ Lê Thị Thiện cho biết: “Từ cuối năm 2014, tôi phát bệnh nặng với triệu chứng bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, thoái hóa khớp, chấn thương vai,... Tôi được các con đưa vào TPHCM và nằm điều trị dài ngày. Trong thời gian tôi điều trị bệnh, TAND tỉnh Bình Định lại tổ chức mở phiên tòa phúc thẩm, tôi lại điều trị ở bệnh viện thì làm sao đến dự phiên tòa được hả trời”.

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 10.

Giấy xác nhận nằm viện điều trị các bệnh cho bà Thiện.

 

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 11.

TAND tỉnh Bình Đình đình chỉ xét xử phúc thẩm sau 5 lần bà Thiện vắng mặt vì nằm viện.

Từ tháng 11/2014 đến tháng 3/2015, TAND tỉnh Bình Định tổ chức mở 5 phiên xét xử, vì cụ Thiện bị bệnh nặng nên cả 5 lần đều vắng mặt (có lý do). Vào ngày 24/3/2015, TAND tỉnh Bình Định ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự theo số 06/QĐPT-TA và bản án sơ thẩm số 59/2014/DSST ngày 15/7/2014 của TAND huyện Phù Mỹ có hiệu lực.

“Giờ họ đình chỉ xét xử phúc thẩm, rồi tòa án từ huyện đến tỉnh đều bao che cho thằng Công. Tôi thì đã già, sức yếu và thấp cổ bé hỏng, còn các anh chị tôi đã chết cả. Đau đớn nhất, nơi thờ cha mẹ tôi lại phải chịu cảnh “dầm mưa, dãi nắng” trên chính mảnh đất do cha mẹ tạo lập. Chưa tìm được công lý ngày nào, tôi chết cũng không thể nhắm mắt. Xuống dưới suối vàng đoàn tụ với gia đình, tôi đành tạ tội với cha mẹ và anh chị. Già này bất lực quá chú ơi...”, cụ Thiện òa khóc cay đắng và tủi nhục khi còn sống trên cõi trần gian.

Cháu ngoại chiếm đất tổ tiên, huyện “âm thầm” cấp sổ đỏ? - Ảnh 12.

Cụ Thiện đau đớn òa khóc khi chứng kiến bàn thờ cha mẹ lạnh lẽo bên đường.

Gượng dậy sau cơn bạo bệnh, hàng ngày, cụ Lê Thị Thiện lê từng bước chân già cỗi cả trăm mét đến túp liều trên mảnh đất của cha mẹ, thắp nén hương và cầu mong cha mẹ tha thứ vì con bất lực, không thể đòi lại đất để xây dựng nơi thờ đàng hoàng trước lúc cụ Thiện nhắm mắt lìa trần.

“Cả nửa cuộc đời tôi sống và chống giặc ngoại xâm, tôi không sợ giặc bắn, hành hạ để bảo vệ từng tất đất quê hương. Trong thời bình và dân chủ, tôi lại thấy đau đớn khi bị thế hệ con cháu chiếm đất của cha mẹ. Mong những con người bảo vệ công lý, hãy hành động và làm đúng công lý”, cụ Thiện đau đớn nói.

Doãn Công - Hồng Long