Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu bị truy việc “thẩm phán tuyên nhiều bản án sai quy định”!

(Dân trí) - Đại biểu HĐND truy vấn, hàng năm Tòa án có kiểm tra nghiệp vụ nhưng tại sao không phát hiện nhiều bản án hình sự tuyên sai quy định? Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu phân trần là không phải không kiểm tra mà là có kiểm tra nhưng có sự "lúng túng" nên không phát hiện được.

Kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh Bạc Liêu vừa diễn ra, ngành Tòa án Bạc Liêu bị các đại biểu truy vấn về các bản án tuyên sai quy định.

Lấy hướng dẫn án dân sự ghi vào án hình sự

Tại phiên chất vấn, đại biểu La Văn Viễn (Phó Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bạc Liêu) đặt vấn đề: Người dân phản ánh, thời gian qua có một số bản án tòa án tuyên buộc người chịu án phí còn phải chịu thêm lãi suất đối với án phí phải nộp. Đề nghị Chánh án TAND tỉnh cho biết án tuyên như vậy đúng hay sai và căn cứ quy định pháp luật nào?

Trả lời đại biểu, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu Dương Công Lập thừa nhận, vừa qua, có một số thẩm phán xét xử án hình sự lại ghi ở phần quyết định của bản án thi hành án (THA) chậm trả là "kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan THA có quyền chủ động ra quyết định THA), hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu THA của người được THA đối với các khoản tiền phải THA mà người được THA đã chậm thi hành thì số tiền phải chịu lãi suất theo Khoản 2, Điều 468, Bộ Luật Dân sự năm 2015” là không đúng.

Theo ông Dương Công Lập, thẩm phán xử hình sự đã lấy phần hướng dẫn viết án về dân sự (phần chậm THA) viết vào nên có sự nhầm lẫn trong bản án hình sự. “Cho nên, bản án hình sự ghi phải chịu án phí chủ động THA là không đúng. Qua kiểm tra lại có 24 bản án ghi như thế này, rõ ràng là sai. Do đó, tòa án có văn bản đề nghị Cục THA dân sự tỉnh giải quyết không phải thi hành bản án hình sự về chủ động THA”, ông Lập thông tin.

Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu Dương Công Lập: 24 bản án hình sự ghi phải chịu án phí chủ động thi hành án là sai.
Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu Dương Công Lập: "24 bản án hình sự ghi phải chịu án phí chủ động thi hành án là sai".

Theo đại biểu Bùi Thanh Nguyên (Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bạc Liêu), pháp luật không quy định nhưng các thẩm phán lại áp dụng án hình sự tương tự như án dân sự, tuyên 24 bản án buộc người phải chịu án phí còn nộp lãi suất là không đúng quy định pháp luật. “Vậy, đề nghị Chánh án cho biết vấn đề này diễn ra từ thời gian nào? Viện kiểm sát 2 cấp có phát hiện hay không và có kháng nghị hoặc báo cáo kháng nghị hay không? Lý do gì Tòa án không phát hiện mà để cơ quan THA phát hiện vì hàng năm Tòa án đã tổ chức kiểm tra nghiệp vụ nhưng không phát hiện việc này? Chánh án tỉnh đã phát hành văn bản khắc phục việc sai trái này, đề nghị nói rõ đã phát hành văn bản gì?”, đại biểu Nguyên truy vấn.

Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu Dương Công Lập cho biết, TAND Tối cao có hướng dẫn tính án phí dân sự chậm trả vào ngày 23/5/2017. Sau đó, một số thẩm phán ở Tòa hình sự cũng bắt đầu áp dụng khoảng tháng 6/2017-6/2018 là 24 bản án.

"Viện kiểm sát, kể cả Phòng giám đốc kiểm tra đọc qua rồi cũng không phát hiện. Thẩm tra viên, kiểm sát dự phiên tòa cũng không phát hiện, cho nên không phải không kiểm tra mà là kiểm tra không phát hiện vì từ “chủ động THA” (không có từ án phí) đọc sơ qua còn lúng túng”, ông Lập phân trần.

Theo ông Dương Công Lập, với các bản án trên, Chánh án tỉnh đã làm công văn để giải thích và yêu cầu cơ quan THA dân sự không thi hành bản án hình sự về chủ động THA. “Xét thấy nhà nước không quy định việc án phí của hình sự phải chịu lãi, cho nên không thi hành thì nhà nước và bị cáo cũng không bị thiệt, không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước và người bị thi hành án. Vì thế, việc báo cáo xin giám đốc thẩm bản án cũng không có ý nghĩa gì, vì giám đốc thẩm lại hủy thì cũng không cho thi hành”, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu lý giải.

Đại biểu Bùi Thanh Nguyên truy vấn Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu.
Đại biểu Bùi Thanh Nguyên truy vấn Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu.

Đề nghị tập huấn nghiệp vụ cho thẩm phán và trao đổi thêm với cấp Trung ương

Đại biểu Bùi Thanh Nguyên nêu rõ, Hiến pháp quy định, bản án của Tòa án là bản án có hiệu lực pháp luật, phải được mọi người, mọi tổ chức thi hành nghiêm. Như vậy, 24 bản án nói trên có hiệu lực pháp luật, nguyên tắc phải được thực hiện nghiêm túc. “Tuy nhiên, ở đây có sai là buộc người ta phải chịu lãi nhưng giờ không chịu lãi thì chúng ta không thể đính chính được. Nếu làm văn bản gửi THA thì liệu cơ quan THA có chấp nhận hay không?”, đại biểu Nguyên trao đổi.

Chánh án Dương Công Lập cho rằng, theo quy định pháp luật thì không được ra quyết định đính chính. “ Việc này cũng chưa ra quyết định thi hành, chưa thu của người phải THA. Cơ quan THA đã phát hiện các bản án câu đó còn lúng túng (ý nói: chủ động THA chứ không phải bị cáo phải THA), không biết đường luôn nên trao đổi lại với tòa án. Ở đây, tôi ra công văn giải thích bản án chứ không phải đính chính”, ông Lập khẳng định.

Trước trả lời của Chánh án Lập, bà Lê Thị Ái Nam- Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu băn khoăn: “Chánh án nói Tòa án dùng hình thức có công văn giải thích bản án là đúng. Vậy theo Viện trưởng Viện kiểm sát thấy việc này có đúng chưa?”, bà Nam "nhá" qua lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh Bạc Liêu.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bạc Liêu cũng "lừng chừng": “Theo tôi nghĩ, các bản án đó Chánh án đã xác nhận sai rồi. Nhưng mà sai theo tôi nghĩ mức độ của sai đó khắc phục thế nào trong thực tế. Việc cơ quan THA không thực hiện cái sai đó, không gây hậu quả thì không cần kiến nghị lên cấp trên. Sắp tới, tòa án không xét xử giống như vậy nữa thì là tốt”.

Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bạc Liêu: Sắp tới, tòa án không xét xử, tuyên như vậy nữa thì tốt.
Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bạc Liêu: "Sắp tới, tòa án không xét xử, tuyên như vậy nữa thì tốt".

Chốt lại phần giải trình của lãnh đạo TAND tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Ái Nam nêu quan điểm, việc nhận thức pháp luật và vận dụng thi hành luật như Chánh án nói sẽ có khác nhau. Do đó, bà Nam đề nghị nếu có khác nhau đề nghị Tòa án và Viện kiểm sát trao đổi thêm với cấp Trung ương xem việc này thế nào.

“Tòa án cũng cần tiếp tục tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho thẩm phán, để phát hiện vấn đề gì chưa rõ thì chưa nên tuyên, chứ tuyên rồi, lỡ thi hành mà sai sẽ khó khắc phục. Đề nghị Tòa án tỉnh trao đổi nghiệp vụ với Tòa án tối cao, để thời gian tới trong việc xét xử và tuyên án cho chính xác, đúng quy định pháp luật”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu.

Huỳnh Hải