Thừa Thiên Huế:

Chấm thi 20 phương án cầu vượt sông Hương chỉ mất 2 tiếng?

(Dân trí) - Những ngày vừa qua, dư luận tại Huế và nhiều chuyên gia trong ngành cầu đường đang xôn xao và tỏ ra khá bất bình trước việc Hội đồng chấm thi các phương án cầu vượt sông Hương (TP Huế) chỉ mất hơn 2 tiếng để chấm hết toàn bộ 20 phương án.

Chấm thi chỉ hơn 2 tiếng?

Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh TT-Huế đã giao cuộc thi chọn phương án kiến trúc công trình Cầu vượt sông Hương (Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, TP Huế) cho Ban Đầu tư Xây dựng Giao thông TT-Huế, thuộc sở GTVT TT-Huế làm chủ đầu tư. Qua 1 lần tổ chức nhưng không có phương án nào khả thi, ban tổ chức đã tiếp tục tổ chức lần thứ 2.

Thời gian phát hành hồ sơ đợt 2 từ ngày 17-22/12/2015, thời gian nộp hồ sơ dự thi tuyển trước 9h sáng ngày 22/2/2016. Thời gian mở hồ sơ dự thi tuyển đúng vào 9h sáng ngày 24/2/2016. Ban tổ chức đưa ra yêu cầu các phương án dự thi phải đậm đà bản sắc văn hóa, lịch sử của Huế, kết cấu hiện đại… Tổng cộng, đã có 20 phương án của 13 đơn vị dự thi (có 1 đơn vị nước ngoài) nộp dự thi.

Cầu vượt sông Hương sẽ được xây dựng ở 2 điểm đánh dấu đỏ.
Cầu vượt sông Hương sẽ được xây dựng ở 2 điểm đánh dấu đỏ.

Ban giám khảo có 11 người, gồm ông Ngô Văn Tuân, GĐ Sở GTVT tỉnh TT-Huế; PGS.TS. KTS.Nguyễn Quốc Thông, PCT Hội Kiến trúc sư Việt Nam; TS.Nguyễn Ngọc Long, PCT Hội KHKT Cầu đường Việt Nam; TS.Phan Tiến Dũng, GĐ Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế; TS.KTS.Đặng Minh Nam, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TT-Huế; Ông Nguyễn Việt Tiến, CT Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TT-Huế; KTS.Phan Thế Đạt, PCT Hội Kiến trúc sư TT-Huế; Ông Lê Toàn Thắng, PGĐ Sở Xây dựng TT-Huế; ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Huế; ông Võ Văn Việt, Phó Trưởng phòng XDCB Sở Kế hoạch và Đầu tư TT-Huế và ông Nguyễn Đăng Trường, Giám đốc Ban Đầu tư Xây dựng Giao thông TT-Huế, Sở GTVT tỉnh TT-Huế.

Đến ngày 24/2 thì ban tổ chức mở hồ sơ dự tuyển để chấm. Tuy nhiên, theo nhiều thông tin phản ánh, trong vòng chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ tương ứng với hơn 120 phút, từ 9h đến hơn 11h trưa cùng ngày, ban tổ chức đã chấm xong 20 phương án dự thi, trung bình mỗi phương án chỉ mất vỏn vẹn 6 phút. Rất nhiều công sức, tâm huyết của các đơn vị dự thi đặt vào phương án theo người trong cuộc đã bị ban tổ chức xem nhẹ, không được chấm kỹ càng. Bên cạnh đó, còn có thông tin rất nhiều giám khảo chỉ chấm tổng điểm chung chứ không chấm cụ thể từng mục để cộng điểm lại.

Một chuyên gia đã từng chấm điểm nhiều hội đồng chọn phương án kiến trúc cho hay, do mỗi phương án gồm có thuyết minh, bản vẽ, video hoặc slide trình chiếu nên thời gian chấm được chia như sau: Thời gian xem video/slide, trung bình 1 lượt từ 3-5 phút, để đánh giá được phương án thì hội đồng phải xem ít nhất là từ 2- 3 lượt: trung bình phải mất 10 phút nếu xem nhanh.

Thời gian xem bản vẽ, nếu nhanh khi chỉ xem qua và đánh giá phải mất hơn 5 phút; Đọc thuyết minh các phương án (11 thành viên hội đồng chỉ có 5 bộ thuyết minh) thì các thành viên hội đồng phải chuyển cho nhau và đánh giá mất khoảng 15 phút; Thời gian viết phiếu đánh giá chưa tính.

Như vậy tính tối thiểu thì phải mất 30 phút cho 1 phương án. Tổng cộng 20 phương án thì phải mất khoảng 600 phút tương đương 10 tiếng đồng hồ, tính ra phải mất gần đến 2 ngày. Nên chỉ vỏn vẹn hơn 2 tiếng không thể nào thực hiện chấm đầy đủ được. Liệu việc chấm nhanh như vậy có đảm bảo chất lượng chuyên môn hay không?

20 phương án dự thi được trưng bày tại Ban Đầu tư Xây dựng Giao thông, Sở GTVT tỉnh TT-Huế
20 phương án dự thi được trưng bày tại Ban Đầu tư Xây dựng Giao thông, Sở GTVT tỉnh TT-Huế

Chiều 2/3, PV đã đặt câu hỏi trên với ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Xây dựng Giao thông TT-Huế, Sở GTVT tỉnh TT-Huế. Ông Quyền trao đổi, về thời gian chấm thì ban giám khảo chấm từ 7h30’ đến gần 12h trưa ngày 24/2, nghĩa là hơn 4 tiếng đồng hồ chứ không phải chỉ chấm 2 tiếng.

“Chúng tôi có gửi giấy mời các thành viên ban giám khảo đến từ 7h30’ sáng đó để bắt đầu chấm thi. Do đã có kinh nghiệm từ lần thi thứ nhất nên mọi thành viên đều đã quen với các tiêu chí, cách chấm. Để nói chấm nhanh hay chậm thì mình không thể đánh giá được vì đó là quyền của hội đồng chấm và tùy thuộc vào cách chấm của từng người” - ông Quyền nói.

Tuy nhiên, cách lý giải của ông Quyền đã bị một số chuyên gia liên quan “phản pháo” thông qua PV. Vì nếu Ban tổ chức giải thích thời gian chấm thi từ 7h30’ là sai quy chế. Lý do: Giấy mời là mời 7h30’ để triệu tập hội đồng và phổ biến quy chế chấm thi, chứ không phải thời gian bắt đầu chấm thi.

Đặc biệt quan trọng nhất, thời gian bắt đầu chấm thi của hội đồng là phải sau 9h vì theo hồ sơ mời thi tuyển của Ban Đầu tư Xây dựng Giao thông TT-Huế, Sở GTVT tỉnh TT-Huế đã ghi rõ ở trang 4, trang 8, thời gian mở hồ sơ dự thi là 9h ngày 24/2/2016, do đó phải đúng 9h mới được mở để đảm bảo tính bảo mật cho các phương án.

Thời gian mở hồ sơ thi tuyển được ghi là từ 9h sáng 24/2. Nếu ban giám khảo chấm trước từ 7h30 liệu có vi phạm quy chế?
Thời gian mở hồ sơ thi tuyển được ghi là từ 9h sáng 24/2. Nếu ban giám khảo chấm trước từ 7h30' liệu có vi phạm quy chế?

9/11 phiếu chấm điểm không chấm chi tiết

Cũng qua tham khảo các phiếu chấm điểm của 11 thành viên ban giám khảo, thì đúng như dư luận phản ánh, chỉ có 2/11 phiếu là chấm chi tiết từng mục, còn lại chỉ chấm điểm tổng. Trong số 11 phiếu thì cũng chỉ có 4 phiếu là có ghi nhận xét phía dưới, còn lại 7 phiếu không có nhận xét gì.

Trong phiếu này, tổng điểm là 100 dựa trên 6 tiêu chí là: Quan điểm và ý tưởng thiết kế (10 điểm); Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tổng thể (15 điểm); Phương án kiến trúc tổng thể của công trình cầu (20 điểm); Chi tiết kiến trúc của các hạng mục chính: mố cầu, trụ cầu, lan can, đường hai đầu cầu, chiếu sáng… (20 điểm); Giải pháp kết cấu sử dụng vật liệu tiên tiến và tính khả thi cao (20 điểm); Ý tưởng kiến trúc độc đáo (5 điểm).

“Chỉ có 2/11 thành viên chấm chi tiết các tiêu chí và thang điểm của từng tiêu chí theo bảng đánh giá hội đồng quy định ở trang 9 hồ sơ mời thi tuyển kiến trúc, điều này phát sinh rất nhiều vấn đề: Các thành viên chỉ đánh giá chung chung và mang tính cảm tính, không cụ thể, dẫn đến chưa đánh giá đúng yêu cầu của từng phương án.

Nếu không đánh giá chi tiết thì không thể hiện được phương án nào có quan điểm và ý tưởng thiết kế tốt và độc đáo nhất được. Từ đó sẽ không có cơ sở để lưja chọn phương án mong muốn. Và họ không có sự so sánh giữa các phương án khác nhau để cân nhắc ưu - nhược điểm của từng phương án” – một thành viên của 1 đơn vị dự thi bày tỏ quan điểm.

Rất nhiều phiếu chấm điểm rất sơ sài, chỉ chấm điểm tống chứ không ghi điểm chi tiết từng mục cũng như nhận xét. Liệu cách chấm cảm tính này có thuyết phục được dư luận đang đặt dấu hỏi trước kiểu chấm thi quá nhanh, không chặt chẽ ở cuộc thi chọn phương án kiến trúc cầu vượt sông Hương?
Rất nhiều phiếu chấm điểm rất sơ sài, chỉ chấm điểm tống chứ không ghi điểm chi tiết từng mục cũng như nhận xét. Liệu cách chấm "cảm tính" này có thuyết phục được dư luận đang đặt dấu hỏi trước kiểu chấm thi quá nhanh, không chặt chẽ ở cuộc thi chọn phương án kiến trúc cầu vượt sông Hương?

PV cũng trao đổi với ông Quyền về vấn đề này thì được ông Quyền cho biết “Về các thành viên ban giám khảo chỉ chấm điểm tổng chứ không chấm chi tiết, họ có nói là nếu muốn có điểm chi tiết thì cứ chia tỷ lệ phần trăm tương ứng từ điểm tổng là ra (?!)”.

Không biết, liệu với sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận về cách chấm điểm 20 phương án cầu vượt sông Hương trong một khoảng thời gian quá ngắn và cách chấm điểm không chi tiết cộng với cách giải thích “không thuyết phục” từ chủ đầu tư, thì liệu những phương án được lựa chọn có đáp ứng được kỳ vọng của người dân về một cây cầu quan trọng sắp thành hình tại Huế hay không?

Cuộc thi chọn phương án kiến trúc công trình Cầu vượt sông Hương lần 1 có 12 phương án (5 đơn vị) tham gia. Kết quả chỉ có giải Ba chứ không có giải Nhất, Nhì. Ở lần thi 2, có 20 phương án (13 đơn vị) dự thi, trong đó có 1 phương án đã đạt giải Ba ở lần thi trước tiếp tục dự thi nhưng có phát triển ý tưởng thêm, còn lại 19 phương án đều là mới hoàn toàn.

3 tác phẩm đoạt giải ở lần thi thứ 2 này là: giải Nhất thuộc về phương án “Chiếc nón” (Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải CTCP) với 84 điểm; giải Nhì là phương án “Trăng sông Hương” (Liên danh Trung tâm Khoa học công nghệ và Tư vấn đầu tư – Công ty CP Xây dựng A.S.D) với 74,2 điểm; phương án “Núi Ngự Bình” (Công ty CP Tư vấn Thiết kế Kiến Châu) đạt giải Ba với 72,8 điểm.

Trị giá giải Nhất là 150 triệu đồng, giải Nhì là 110 triệu đồng và giải Ba là 75 triệu đồng. Sau khi các phương án này được trao giải, Ban Tổ chức sẽ báo cáo UBND tỉnh TT-Huế để duyệt chọn phương án cuối cùng.

Công trình cầu vượt sông Hương thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng, TP Huế từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Cầu vượt có chiều dài dự kiến 385m, rộng 40,5m với 6 làn xe.

Phương án Cái nón được giải Nhất
Phương án "Cái nón" được giải Nhất

Đại Dương