Hiện tượng nứt, lún đại lộ Đông Tây:

Câu trả lời muôn thủa: tại khách quan!

(Dân trí) - Câu trả lời của Sở GT-VT TPHCM về hiện tượng lún, nứt trên đại lộ Đông – Tây sau khi được đưa vào sử dụng vài tháng nay là “do xe chạy nhiều” đã không nhận được sự đồng tình của bạn đọc, bởi với họ đó là lời giải thích hết sức vô lý...

Rất nhiều độc giả đã đưa ra những phân tích với dẫn chứng hợp lý để phản biện lại câu trả lời bị cho là “ngô nghê” của Sở GT-VT TPHCM về việc lún, nứt đường.

 

Chúng ta biết rằng nguồn vốn từ tiền đóng thuế của nhân dân bỏ vào đại lộ Đông tây là không nhỏ. Dự án đại lộ này không phải làm mang tính thời vụ như những bờ vùng bờ thủa ở những cánh đồng, mà đây là công trình có tính chất vĩnh cửu (dùng lâu năm). Nghĩa là mọi tính toàn về độ lún, trọng lượng mà mặt đường phải gánh chịu là đều có thông số khoa học trước khi tiến hành thi công. Vậy tại sao chỉ sau một thời gian sử dụng mặt đường đã có sự lún và nứt toác như thế?
 
Đại lô Đông Tây này mới chỉ là một minh chứng. Nếu ai có thời gian chạy qua cầu Cần Thơ, đoạn đường hướng từ phía cầu Cần Thơ về Hậu Giang có những đoạn đường mấp mô, những cống cao hơn mặt đường làm cho những người ngồi trên xe bị những cú thót tim do đoạn dốc từ trên cầu Cần Thơ đổ xuống xe chạy nhanh. Tôi hay đi công tác xuống khu vực này và thấy ban đầu chưa có hiện tượng này, nhưng chỉ được một thời gian ngắn đã thấy hiện tương trên. Rất mong báo Dân trí cử PV xuống xem xét để phản ánh trước dư luận” -  Đào Cảnh Xuân: xuanchinhti05@yahoo.com  

Câu trả lời muôn thủa: tại khách quan! - 1

Câu giải thích hiện tượng nứt, lún trên đại lộ Đông Tây của Sở GT-VT TPHCM gây nhiều tranh cãi (ảnh Tùng Nguyên).

 

Tôi đồng tình với các ý kiến nhận xét của các bạn. Bản thân tôi đã nhiều năm làm trong nghề kiểm định chất lượng công trình, tôi thấy Đại lộ Đông Tây nứt lún nhiều khi mới đưa vào sử dụng là do rất nhiều nguyên nhân. Ở đây tôi xin nêu một vài nguyên nhân sau.

 

1- Công tác quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư và quản lý dư án còn lỏng lẻo.

 

2- Công tác thi công còn cẩu thả như: lu lèn chưa đạt yêu cầu Kđ =(98%), thành phần cấp phối hạt của lớp móng đường, mặt đường chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhiệt độ của bê tông nhựa lúc thi công chưa đạt yêu cầu kỹ thuật... Bên cạnh đó là công tác xử lý móng ban đầu chưa tốt. Tóm lại thi công đường đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất nghiệm ngặt, phải tuyết đối tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong suốt quá trình thi công và công tác thí nghiệm hiện trường” - Nguyễn Công Đoàn: congdoan2288@yahoo.com  

 

“Lý do xe chạy nhiều gây lún nứt ư, nghe có vẻ “hợp lý” nhỉ! Ừ, nhưng nghĩ lại thấy kỳ kỳ sao đó. Làm đường xong, cần phải quy định mỗi ngày được bao nhiêu xe lưu thông thôi sao. Nếu quy định như vậy, phải cử cán bộ hoặc phương tiện kỹ thuật để ngồi đếm xe...?” - Nguyen Minh Tri: nmtri232@yahoo.com

 

Vậy mấy ông kỹ sư làm đường để làm gì. Làm đường là để xe chạy chứ đâu phải làm đường rồi để nhìn cho đẹp? Theo tôi, nên buộc trách nhiệm cho mấy vị làm đường đó phải bồi thường và không đấu thầu nữa. Cũng vì bị ăn hối lộ nhiều quá, nên đến tay người làm đường thì đâu còn đủ tiền nữa mà làm. Có câu nói: “Làm đường thì ăn xi măng, xây nhà thì ăn sắt, thợ may thì ăn vải... cho nên, theo tôi, bây giờ các cơ quan chức năng nên làm thẳng tay với những người làm ăn vô trách nhiệm, chứ cứ để vậy làm sao coi được” -  phamthanhlam: phamthanhlam@yahoo.com.vn   

 

Thanh Hải: mrcan215@hotmail.com bức xúc: “Chuyện như... truyện cười. Một con đường khi mới xây đã tính đến lưu lượng lưu thông tăng sau khoảng bao nhiêu năm, có nghĩa là con đường đó đáp ứng đủ hiện tại và cả tương lai ít nhất là gần. Vậy mà nói "đường hỏng do xe chạy nhiều?", thế thì cần gì trả lương cao ngất ngưởng để có thiết kế, để cho những nghiên cứu... Một con đường được xây dựng tốn không biết bao nhiều tiền của dân mà lại lạc hậu (nếu nói như mấy ông ở sở GT), không đáp ứng kịp cả nhu cầu hiện tại”.

 

nguyen van hong: dinhgv77@yahoo.com.vn viết: “Công trình giao thông mới đưa vào sử dụng vài tháng mà đã có tình trạng như vậy thì quả là một điều khó hiểu. Không thể đổ cho lý do xe chạy nhiều được, vì có đoạn còn chưa đưa vào sử dụng đã bị lún rồi. Mà cứ vừa làm xong lại sửa ngay thì Nhà nước lấy đâu ra tiền, còn bao công trình phúc lợi khác đang chờ “đến lượt” mà cứ để xảy ra tình trạng này thì dân đen chúng em khổ quá”.   

 

Nhiều độc giả còn vạch rõ bệnh thoái thác trách nhiệm đã trở thành "nan y" của khá nhiều viên chức, nhất là ở cấp quản lý:
 
 “Mình rất đồng tình với nhận định của mọi người, làm đường để đi chứ không phải để ngắm. Nếu chỉ sử dụng vài bữa lại hư thì cần mấy ông kỹ sư làm gì? mấy ông giám sát công trình ở đâu? còn mấy ông nghiệm thu nữa! Các quan trên có 1 đức tính là khi chuyện gì xảy ra là luôn tìm 1 lý do để đổ thừa thoái thác trách nhiệm” – mtaburo: mtaburo@yahoo.com   
 
Câu trả lời muôn thủa: tại khách quan! - 2

Trên mặt đường cầu Thanh Trì, Hà Nội cũng xảy ra hiện tượng lún ngay khi mới đưa vào sửa dụng được một thời gian (ảnh internet).

 

Đây không phải lần đầu hiện tượng nứt, lún xuất hiện trên bề mặt các đoạn đường giao thông mới được đưa vào sử dụng. Còn nhớ hồi tháng 7/2010 hiện tượng lún cũng xảy ra khá nghiêm trọng trên mặt cầu Thanh Trì, Hà Nội. Vậy nếu trả lời theo cách của Sở GT-VT TPHCM, thì cầu Thanh Trì có hiện tượng này cũng do xe chạy quá nhiều???

 

Có một điều mà tất cả bạn đọc đều cho rằng "ai cũng biết, chỉ những người liên quan... không biết", đó là chuyện "trích phần trăm" dẫn tới nhiều công trình bị rút ruột, khiến chất lượng không thể đảm bảo.

 

Pham kien: chuahuong03@yahoo.com nêu rõ:
 
 “Tôi đọc rất nhiều bài báo tương tự, có rất nhiều lý do được lãnh đạo của các công ty thi công nêu ra như : do địa chất kém, thời tiết, rồi nhiều xe lưu thông vv... nhưng không hề thấy nhắc đến vấn đề về chất lượng thi công.

 

Các lý do mà các công ty đưa ra chỉ là cái cớ và qua mắt được những người không hiểu biết, trên thực tế các bạn cũng biết để thi công các công trình giao thông thì các yếu tố về địa chất, thời tiết tải trọng cho phép đều phải được các chuyên gia tính toán kỹ, được phê duyệt rồi mới thi công.

 

Nhưng hầu hết các công trình thi công chỉ sau 1 vài tháng là có thể thấy ngay được các hiện tượng liên quan đến chất lượng thi công như nứt, lún gãy, vỡ...

 

Trên thực tế trên khắp cả nước ở đâu đâu ta cũng gặp tình trạng như vậy gây bức xúc cho người dân và thất thoát rất nhiều tài sản của quốc gia. Đồng thời còn ảnh hưởng đến một chuỗi sự việc khác như: tai nạn giao thông, môi trường... cả tới bộ mặt của cả nước.

 

Các vấn đề này nhà nước ta cần phải có một chế tài riêng, cần mạnh tay như sử phạt nặng, bắt thi công lại, tước giấy phép nếu làm không đúng với quy cách thiết kế. Rất mong các cơ quan chức năng liên quan có những biện pháp cần thiết và kịp thời”.
 
Nguyễn Ngọc Hân miencattrang.2006@yahoo.com đưa ra những con số cụ thể phần trăm bị "chiết khấu" và cách thức đề bù đắp lại (chắc là đã khá phổ biến):
 
"Chi phí xin dự án từ 10 - 15%. Chi phí tư vấn giám sát ít nhất 5%. Chi phí thanh toán (Kho bạc) ít nhất 1%. Tất cả các chi phí này nhà thầu phải chi và đương nhiên nó phải được tính vào chi phí xây dựng công trình (!????). Mà những chi phí này phải được cân đối lại bằng cách cắt giảm vật liệu, cắt giảm ca máy, cắt giảm nhân công!!!
 
Thử hỏi 1 công trình đã bị cắt hơn 20% vốn cho các chi phí mà người ta vẫn gọi là tham nhũng, thì còn lấy đâu ra chất lượng tốt mà chẳng lún với nứt. Nghe những lời lẽ chống chế của các vị có trách nhiệm thật quá buồn cười, có vẻ như họ không hiểu gì về giao thông thì phải. "Lún với nứt là do xe đi nhiều" (????) - nghe như đứa trẻ lên 3 trả lời cô giáo vậy, thật quá "ngây thơ"!!"

 

Quỳnh Anh: ho_danghoa@yahoo.com tổng kết:
 
Tôi thấy, hạ tầng cơ sở là một lĩnh vực đầu tư nhiều thất thoát và lãng phí nhất. Những câu chuyện về các tuyến đường như Pháp Vân-Cầu Giẽ, Đại lộ Thăng Long, Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, cầu Thăng Long vẫn còn đó. Nhưng các nhà chuyên môn và dư luận nói chung hình như vẫn còn "tránh né" chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
 
Ngoài chuyện bớt xén, thi công ẩu còn có chuyện chậm đưa công trình vào sử dụng. Với tình hình kinh tế tài chính khó khăn hiện nay, đầu tư công bị cắt giảm, sẽ còn nhiều công trình không biết bao giờ mới phát huy tác dụng phục vụ quốc kế dân sinh. Rõ ràng cần có sự nghiêm túc sửa đổi trong cung cách quản lý. Nếu thực sự có trách nhiệm thì không làm việc kiểu như vậy...”.  

 

Bách Linh