Trở lại nỗi đau mang tên “ao Thước Thợ”:

Câu chuyện đẫm nước mắt của bà giáo về hưu mòn mỏi đi tìm lẽ phải

(Dân trí) - Đã nhiều năm qua, cụ bà Đặng Thị Nhã vẫn sống như vậy. Mỗi ngày, bà chỉ dám tiêu 20 ngàn để chi phí cho thuê nhà, ăn uống và thuốc men. Đây là câu chuyện về cuộc sống của người giáo viên già về hưu và 12 năm đi tìm lại mái nhà.

Chúng tôi gặp bà đang ngồi xâu hạt cườm trong một căn phòng chật hẹp chỉ và mét vuông ở trong một ngõ sâu đường Thái Hà, Hà Nội. Bà kể lại cuộc đời bà và bước ngoặt đẩy gia đình bà đến cảnh tan đàn xẻ nghé như ngày hôm nay. Nghẹn đắng nước mắt bà chia sẻ:

Bà Đặng Thị Nhã co ro trong thời tiết giá lạnh
Bà Đặng Thị Nhã co ro trong thời tiết giá lạnh

"Ngày trước tay tôi chưa run thì nếu chịu khó làm cả ngày, tôi được 40 ngàn, nhưng giờ mắt mũi kèm nhèm lắm rồi, xâu mấy cái hạt cườm này lâu lắm. Từ cái ngày mất nhà, ông nhà tôi uất quá cũng đổ bệnh rồi mất. Giờ một mình, tôi nhiều lúc không muốn sống, chỉ muốn theo chồng nhưng nghĩ lại thương chồng con đã mất duy nhất có một đứa cháu nội nên tôi vẫn phải tiếp tục đấu tranh đến cùng để giành lại công bằng".

Cuộc sống của bà trở nên cơ cực, gia đình bà tan đàn sẻ nghé bắt đầu từ 12 năm trước, khi tai họa trời giáng mang tên "Công viên Đống Đa" đổ xuống gia đình nhỏ của bà. Bỗng chốc mất đi mái nhà, từ đó chồng bà đổ bệnh rồi mất, còn lại một mình bà sống nay đây mai đó. Bà chia sẻ rằng:

"Tôi phải chạy khắp nơi tìm chỗ thuê nhà vì giá ngày một cao, mà tiền lương hưu ít ỏi có hơn 700 ngàn đồng/tháng, tôi không thể sống nổi, cuối cùng tôi lại phải chuyển về đây, tuy hơi đắt nhưng có bà con láng giềng đã sống với tôi từ lâu rồi nên còn được họ giúp đỡ lúc đau bệnh, già rồi mà tôi vẫn không có nổi một chốn dung thân"

Căn nhà trọ của bà Nghiêm Thị Hạt không có nổi một chiếc giường
Căn nhà trọ của bà Nghiêm Thị Hạt không có nổi một chiếc giường

Bà Nhã không còn nhớ mình chuyển nhà bao nhiêu lần, đã biết bao lần bà cất bát hương của chồng vào hòm để chuyển nhà. Mỗi lần như thế, lòng bà đau thắt lại, chồng bà khi mất không có một mái nhà của riêng mình, đến khi chết rồi cũng không có một chốn thờ tự ổn định, nay đây mai đó. Thật may mắn cho bà là còn những người làng giềng tốt bệnh, giúp đỡ bà lúc ốm đau bệnh tật. Họ thương yêu nhau vì họ có cùng hoàn cảnh, họ chính là 132 hộ dân bị giải tỏa để xây dựng công viên Đống Đa.

Đã 12 năm qua, công viên Đống Đa thì không thấy đâu, mà chỉ thấy từng tòa nhà cao tầng cứ thế mọc lên trong khu dự án, trước đây là nhà của 132 hộ dân ao Thước Thợ. Các hộ dân nơi đây đã nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng vẫn không được đền bù thỏa đáng.

Những hộ dân nơi đây còn cho biết, không chỉ bà Nhã, mà còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le khác sau khi mất nhà. Khổ cực nhất phải nhắc đến gia cảnh nhà ông Bình, gia đình ông có 6 người, sau khi mất nhà, gia đình ông phải đi thuê trọ ở nhiều nơi nhưng do tiền thuê nhà quá đắt đỏ nên cả gia đình phải kéo nhau ra đóng bè ở sông Hồng, sống lang thang nay đây mai đó. Họ đóng bè không phải để đánh cá mà chỉ để có một nơi để "chui ra chui vào", cái bè từ đó trở thành mái nhà của gia đình ông Bình. Hàng ngày, họ đi dọc sông Hồng xem có ai thuê thì làm, kiếm tiền ăn từng bữa. Đến khi có bão hay mưa giông, họ lại phải neo đậu lại một nơi rồi lại tiếp tục những chuỗi ngày lang thang.

Căn lều dựng tạm của bà Trọng Thị Thêm - một người mất nhà vì dự án công viên Đống Đa
Căn lều dựng tạm của bà Trọng Thị Thêm - một người mất nhà vì dự án công viên Đống Đa
 
Cuộc đời con người ai cũng chỉ mong có được một mái nhà, một nơi để gia đình con cái xum vầy, nuôi dạy con cái và là nơi để hương hồn người thân đã mất được thờ tự đoàng hoàng, không ai muốn phải sống cảnh lang thang, cơ nhỡ. Thế nhưng cuộc đời vẫn còn rất nhiều éo le, khiến 132 hộ dân khu vực ao Thước Thợ lâm vào cảnh oan trái, không một chốn dung thân.

Ước mong duy nhất của tất cả các họ dân nơi đây là được có một mái nhà, tất cả chỉ còn còn biết khẩn thiết đề nghị Thành phố Hà Nội sớm có biện pháp giải quyết, cứu lấy những người dân nghèo nơi đây.

Nguyễn Vũ