Bạn đọc viết:

Cầu bền vững và cung cạnh tranh

Các vấn đề về kinh tế vĩ mô đều phải đối mặt trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hóa, như cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, lãi suất, tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng,… đều đi từ cái gốc là sự cân bằng tổng thể của hai yếu tố cung và cầu.

Cầu bền vững và cung cạnh tranh - 1

Tư duy vận hành kinh tế vĩ mô dựa trên kích cầu tiêu dùng thái quá và lạm dụng các công cụ tài chính phát sinh là căn nguyên tạo ra khủng hoảng kinh tế, từ đó góp phần tạo ra và cộng hưởng với các cuộc khủng hoảng về an ninh, chính trị, năng lượng, môi trường, lương thực,… trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh và bền vững khi dịch chuyển tư duy và mô hình kinh tế vĩ mô theo phương châm chiến lược: Động lực phát triển chung từ đó tạo ra và duy trì cầu bền vững và cung cạnh tranh.

Không có khao khát làm giàu thì quốc gia không thể thịnh vượng và tiến lên, mà chỉ có thể thụt lùi và lệ thuộc. Việt Nam phải đua tranh với các quốc gia hàng đầu trong khu vực và thế giới, phải so sánh với các quốc gia đó chứ không phải là với chính quá khứ của chúng ta, với tư duy tốt hơn ngày hôm qua đã là một thành công lớn. Động lực này phải được đồng lòng và cộng hưởng của toàn xã hội, tạo ra sức vươn, sức bật cho Việt Nam.

Cầu bền vững bao gồm toàn bộ các hoạt động về chính sách, văn hóa, giáo dục,… nhằm tạo ra các nhu cầu có hướng bền vững cho Việt Nam nói riêng và cũng là cho thế giới nói chung. Bao gồm các kích cầu quan trọng sau: ưu tiên hàng nội địa hơn hàng ngoại nhập, ưu tiên các hàng thiết yếu hơn là xa xỉ phẩm; công nghệ bền vững và cạnh tranh hơn là rẻ mà lạc hậu; ưu tiên các hàng hóa có xuất xứ từ thiên nhiên, tiết kiệm nhiên liệu, có khả năng tái chế,... hay nói gọn là các hàng hóa xanh hơn là các hàng hóa của nền kinh tế nâu. 

Cung cạnh tranh là xác lập năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, cần chọn ra một số lượng nhất định các ngành mũi nhọn; lấy đó làm tâm, tập trung tối đa mọi nguồn lực và chính sách để tạo ra ngành, lĩnh vực này có sức cạnh tranh hàng đầu thế giới. Sự cạnh tranh này bao gồm từ việc chọn lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh sẵn có, cạnh tranh về hiệu quả trên cơ sở nội lực và liên kết của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh về thị trường bao gồm các gói giải pháp sản phẩm và dịch vụ tổng thể; cao nhất là tạo ra lợi thế cạnh tranh về tư tưởng, văn hóa, tạo ra sức ảnh hưởng để trở thành quyền lực mềm Việt Nam.

Để tạo ra cung cạnh tranh thì công thức cần thiết là động lực cạnh tranh quốc gia + tài nguyên chiến lược quốc gia + liên kết công nghệ và mạng lưới hàng đầu thế giới + tạo và phục vụ cầu bền vững. Tài nguyên quốc gia phải được hiểu theo nghĩa tổng thể theo xu hướng tất yếu của khái niệm phát triển bền vững. Nó không đơn giản chỉ là đất đai, tài nguyên khoáng sản, lao động phổ thông rẻ mạt, thị trường tiêu dùng sính ngoại như Việt Nam chúng ta đang bị đánh giá.

Các ngành, lĩnh vực quan trọng phải tạo ra giá trị gia tăng thực sự (sản xuất công-nông nghiệp), dịch vụ gia tăng (dựa trên nền tảng thực lực sản xuất), không phải là giá trị tài chính phái sinh như thời gian vừa qua, khi mà nguồn nhân lực và vật lực bị đổ vào thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường đầu cơ hàng hóa cơ bản (thị trường kỳ hạn của vàng, dầu mỏ, nông sản). Cần phải xây nhà từ móng và đón hứng những xu hướng mới. Do đó, nông sản, lương thực, ẩm thực, du lịch; và kinh tế tri thức là các ngành trung tâm mà Việt Nam cần phải đặt trọng tâm tạo ra cung cạnh tranh. Các bài học về dầu cọ Malaysia, công nghệ thông tin Ấn Độ, nông nghiệp và tài chính của Isarel,… cần được nghiên cứu một cách triệt để, để áp dụng một cách nhanh chóng và sáng tạo. 

Do vậy, không phải cứ thu hút được đầu tư nước ngoài là tốt. Cần phải chọn lọc kỹ càng, thông minh nhận diện và cương quyết từ chối các cái bẫy của toàn cầu hóa, của các nhóm sát thủ kinh tế, của các tập đoàn đa quốc gia, các định chế khác tại các quốc gia đã phát triển, các quốc gia có xu hướng bá quyền nhằm hướng đến các món nợ khi xây dựng cơ sở hạ tầng, ràng buộc về tài chính, trao đổi công nghệ bất bình đẳng từ đó tạo ra sự lệ thuộc về nợ quốc gia, dần dần phải bán đi các tài nguyên quốc gia, các tập đoàn kinh tế quan trọng cho bên ngoài.

Kịch bản đó đã diễn ra ngay bên cạnh chúng ta vào năm 1998 tại Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á khác, và không gì đảm bảo rằng nó không xảy ra ở Việt Nam nếu ta không có được tính thông minh và bền vững trong cân bằng kinh tế vĩ mô, trong chính sách mở cửa đầu tư cho lĩnh vực nào và đóng cửa với lĩnh vực nào.

Tóm lại, cung và cầu hợp lý vừa là gốc, vừa là các giải pháp cần thiết để bình ổn và phát triển một cách bền vững nền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, và an ninh của Việt Nam.

Đặng Lê Nguyên Vũ