Kiên Giang:

Canh tác trên đất sổ đỏ, bị truy tố tội phá rừng: Tạm hoãn phiên tòa, kiểm tra thực địa!

(Dân trí) - Sau hơn một ngày xét xử vụ án vợ chồng bị cáo Trần Kiều Hưng - nguyên Phó Bí thư xã Cửa Cạn bị truy tố tội “hủy hoại rừng”, HĐXX cho tạm hoãn phiên tòa để kiểm tra lại thực địa.

Liên quan vụ án ông Trần Kiều Hưng - nguyên Phó Bí thư xã Cửa Cạn và bà Huỳnh Thị Bích Phượng – vợ ông Trần Kiều Hưng bị VKS truy tố tội hủy hoại rừng từ năm 2012 được TAND huyện Phú Quốc đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 4 vào ngày 11/6.

Tại phần thẩm vấn, HĐXX tiếp tục làm rõ nguồn gốc đất của hai bị cáo Hưng và Phượng có từ khi nào, quá trình được cấp giấy đỏ và canh tác trên mảnh đất này… Đặc biệt, HĐXX hỏi rõ việc hai bị cáo thuê người phát dọn cây dẫn đến kiểm lâm lập biên bản và sau đó bị VKS tuy tố tội hủy hoại rừng…

Trình bày với HĐXX, bị cáo Trần Kiều Hưng cho rằng, diện tích trên 4.000m2 mà VKS truy tố hai vợ chồng bị cáo tội hủy hoại rừng là khống. Vì bị cáo Hưng chỉ thuê người phát dọn cây trên mảnh đất đã được UBND huyện cấp giấy đỏ 6.750,5m2/ tổng diện tích đất 17.440m2 mà cha vợ cho từ năm 1987. Bị cáo Hưng cũng thừa nhận trong quá trình phát dọn, có người nào đó đã đốt nên cháy lan lên rừng với diện tích trên 900m2…

Sau hơn một ngày xét xử, HĐXX phiên tòa sơ thẩm lần 4 cho tạm hoãn phiên tòa để kiểm tra lại thực địa
Sau hơn một ngày xét xử, HĐXX phiên tòa sơ thẩm lần 4 cho tạm hoãn phiên tòa để kiểm tra lại thực địa

Ngoài ra, tại phiên tòa, bị cáo Hưng còn trình bày: Căn cứ vào tọa độ mà VKS làm cơ sở xác định diện tích đất rừng bị phá trên 4.000m2, bị cáo Hưng đã thuê một công ty đo đạc ở Phú Quốc thực hiện đo lại theo tọa độ này thì chỉ có trên 1.000m2 lọt vào rừng quốc gia; phần lớn diện tích còn lại nằm trên suối, đất một hộ dân liên kề và đất bị cáo Hưng.

Đại diện VKS Phú Quốc, cho rằng: căn cứ vào biên bản hiện trường và những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ căn cứ chứng minh hành vi hủy hoại rừng của bị cáo Trần Kiều Hưng và Huỳnh Thị Bích Phượng. Ngoài ra, VKS Phú Quốc còn nêu quan điểm: Những cột mốc tại hiện trường là những cột xi măng, không phải cột mốc ranh rừng quốc gia vì cột mốc thực tế đã bị thay đổi… Do đó, ngành chức năng căn cứ vào tọa độ xác định diện tích rừng mà vợ chồng bị cáo Trần Kiều Hưng hủy hoại là trên 4.000m2.

Sơ đồ do cán bộ kỹ thuật thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang trình bày tại phiên tòa. Nếu theo cột mốc 103,104 và 105 có tại thực địa thì diện tích bị chặt phá chỉ 915m2 (phần dạ quang); còn theo tọa độ cột mốc 109,110 và 111 mà cơ quan điều tra làm cơ sở truy tố vợ chồng bị cáo Trần Kiều Hưng lên đến 4.042m2
Sơ đồ do cán bộ kỹ thuật thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang trình bày tại phiên tòa. Nếu theo cột mốc 103,104 và 105 có tại thực địa thì diện tích bị chặt phá chỉ 915m2 (phần dạ quang); còn theo tọa độ cột mốc 109,110 và 111 mà cơ quan điều tra làm cơ sở truy tố vợ chồng bị cáo Trần Kiều Hưng lên đến 4.042m2

Tại phiên tòa, ông Lý Văn Tuôl và ông Đào Hữu Phước (những người làm chứng) khẳng định với HĐXX, các cột mốc từ 101, 102 đến 110 (cột 104 cắm trên đất bị cáo Hưng) đang căm tại hiện trường chỉ có cột mốc 109 bị người dân dịch chuyển, các cột mốc còn lại đúng vị trí như ban đầu đã cắm. Được biết, ông Đào Hữu Phước nguyên là Phó Chủ tịch xã Cửa Cạn từ năm 1983 đến 1990. Còn ông ông Lý Văn Tuôl là trưởng ấp và là thành viên trong hội đồng cắm mốc ranh rừng quốc gia thời điểm đó.

Tại phần thẩm vấn, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - luật sư bào chữa cho bị cáo Hưng và bị cáo Phường hỏi đại diện rừng quốc gia Phú quốc: Khi VKS cho rằng các cột mốc có tại thực địa là cột xi măng, không phải cột mốc ranh rừng quốc gia. Vậy, nếu không có cột mốc rảnh rừng, ông có xử lí vi phạm phá rừng của người dân được hay không? Vị đại diện này xin không trả lời.

Sau hơn một ngày xét xử (11-12/6), HĐXX cho tạm hoãn phiên tòa để đi thực địa để xác định lại phần đất rừng bị phá trên 4.000m2 có nằm cùng vị trí với mảnh đất mà vợ chồng bị cáo Hưng được UBND huyện cấp sổ đỏ hay nằm ở một vị trí nào khác? Sau khi có kết quả kiểm tra thực tế, HĐXX sẽ thông báo thời gian xét xử.

Nguyễn Hành