Bạn đọc viết:

Càng cấm, càng vi phạm

(Dân trí) - Họp chợ, bán hàng quán, câu cá, dựng xe, đỗ xe… ngay cạnh biển cấm. Những hình ảnh đó không chỉ gây mất mỹ quan, văn minh đô thị mà còn đặt một dấu hỏi lớn cho những cơ quan chức năng về hiệu lực của biển cấm.

Biển cấm có cũng như không

Trên khắp các đường phố Hà Nội, từ cổng bệnh viện, trường học đến vỉa hè đến lề đường… biển cấm “đua nhau” mọc lên như đang dự một cuộc thi “văn minh trật tự” ngầm nào đó. Trong khi, trên thực tế, những biển báo này dường như chỉ đóng vai “bù nhìn” trên các con phố.
 
Dạo quanh một loạt các trường học, bệnh viện và thậm chí cả các cơ quan nhà nước giữa thủ đô Hà Nội, những tấm biển cấm tụ tập buôn bán được dựng ngay trước cổng như để làm nhiệm vụ “quan sát” cảnh bán buôn tấp nập của các gánh hàng ăn. Điều này thấy rõ ở cổng Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lao phổi TW,… hay cổng Trường Tiểu học Dịch Vọng, THCS Yên Hòa, THCS Nghĩa Tân, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm...
 
Tại chân cầu Long Biên, quận Long Biên, ngay dưới tấm biển “Khu vực nghiêm cấm tụ tập buôn bán” là các sạp bán hàng nước, dựng xe, chất đồ đạc đủ cả. Hay như tại các đường tàu khu vực phố Lê Duẩn – Khâm Thiên, Trần Phú, Phùng Hưng,… biển cấm dường như càng thu hút nhiều hơn các hàng quán, xe đạp, xe thồ… trụ lại sát cạnh.
“Ung dung” bán hàng ngay dưới biển cấm
“Ung dung” bán hàng ngay dưới biển cấm

Càng cấm, càng làm
Càng cấm, càng làm

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với “Biển cấm câu cá” dựng dọc con đường bao quanh các hồ lớn, nhỏ ở thủ đô khi hàng trăm “cần thủ” vẫn ngang nhiên câu trộm giữa ban ngày.

Vị trí có biển cấm thu hút đông “cần thủ” hơn bình thường
Vị trí có biển cấm thu hút đông “cần thủ” hơn bình thường

Ngoài ra, không ít tấm biển “Cấm đỗ xe” đều vô tác dụng trên nhiều tuyến đường như Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Phố Huế, Hai Bà Trưng, Nhà Chung… khi ô tô, xe máy “vô tư” nối đuôi nhau xếp hàng ở đó.

Phớt lờ lệnh cấm, ô tô, xe máy vẫn hiên ngang đỗ ngay dưới biển cấm trên phố
Phớt lờ lệnh cấm, ô tô, xe máy vẫn hiên ngang đỗ ngay dưới biển cấm trên phố

Phải để Luật thắng “lệ”

Biển cấm với ý nghĩa bắt buộc mọi công dân chấp hành những điều được nêu ra, nhằm thiết lập trật tự xã hội, văn minh đô thị. Nhưng dường như sự xuất hiện của những biển cấm lại càng “kích thích” người dân làm ngược lại? Và tại sao thực trạng đó vẫn ngang nhiên diễn ra mà không phải mới ngày một ngày hai?

Lý do là bởi ý thức người dân chưa cao, hay bởi công tác giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, thật khó để phân định rõ ràng. Trên thực tế, xe cộ, hàng quán… “đỗ” đầy vỉa hè, lòng đường chỉ chạy vội đi nhằm đối phó khi có lực lượng chức năng tới dẹp, khi bóng những chiếc xe Cảnh sát vừa khuất thì đâu lại vào đấy.

Thiết nghĩ chỉ “lấy người quản người” có lẽ sẽ chẳng bao giờ đủ. Hình ảnh những xe Cảnh sát diễu khắp các phố với công an, dân quân ngồi trên xe cầm loa quát nạt các hàng quán bên vỉa hè cũng đem lại ấn tượng không mấy tốt đẹp. Chưa kể, việc một dãy bảng cấm, cấm, cấm… nối dài trên khắp các con phố chỉ khiến mọi người cảm thấy không khí thêm ngột ngạt.

Để những tấm biển cấm thực sự có hiệu lực, hay hơn nữa là để tạo dựng một xã hội văn minh, trật tự không cần giăng biển cấm khắp nơi, đòi hỏi nhiều hơn nữa sự giám sát, xử phạt nghiêm túc của các cơ quan chức năng. Cần phải tuyên truyền cho người dân biết về các quy định cấm, phạt, để pháp luật thực sự đi vào đời sống.

Bài, ảnh: Nguyễn Thu Trang