Tự sự số 45:

Cẩn thận

(Dân trí) - Muôn vàn hiểm nguy là cuộc sống phố phường. Chỉ có một cách để bình yên tồn tại! Tôi hỏi bạn, cách gì? Bạn bảo, rất đơn giản thôi, cẩn thận!

Tưởng có phát hiện gì mới mẻ. Hoá ra không! Cẩn thận là bài học ai cũng từng học qua kể từ ngày đầu tiên bước chân vào lớp mẫu giáo. Cô giáo dạy để guốc dép vào đúng vị trí của mình. Trẻ con học mãi cũng nhớ. Nhưng người lớn vẫn buộc lòng phải đánh dấu vào giày dép con mình. Chẳng ai có thể cấm đứa trẻ khác đi đôi dép giống hệt như vậy.

Bắt đầu từ chuyện ăn. Có bao nhiêu hàng quán trên phố là có thể vào ăn được? Chẳng ai dám chắc. Hàng đông nghịt khách chưa chắc đã phải là ngon. Có khi chỉ rẻ hơn hàng bên cạnh chút đỉnh. Bản tính con người là ham rẻ. Tốt nhất là mua thực phẩm về nhà tự nấu.

Thực phẩm chia làm hai loại. Sạch và bình thường. Cũng rất phân vân. Không thể biết ngọn rau mớ cá như thế nào là sạch bằng mắt thường. Nuôi trồng có thể như nhau, chỉ lúc bán mới chia làm hai loại? Lại còn những con cá từ mạn biển mang lên thành phố được bày trong tủ đông lạnh hiện đại. Rất tin cậy. Nhưng đã có lần tôi thấy chính những con cá ấy được chở bằng xe máy nghễu nghện ngoài đường, thò cả những cái đuôi nhọn hoắt ra ngoài thùng sắt. Dĩ nhiên là chẳng có máy móc ướp lạnh gì cả. Chỉ đến nơi bày bán mới được cho vào tủ đá. Đó là chưa kể đến nước tương đen, bánh phở hàn the, thịt lợn có thuốc tăng trọng, rau muống phun thuốc trừ sâu và mới nhất là kẹo bột đá, sữa có melamin... Cẩn thận mấy cũng chẳng thể tự mình tránh được!

Dù đã qua cái thời mỗi gia đình có một chiếc xe đạp để tối tối cho đám thanh niên mới lớn mượn đi diễu phố. Người thành thị vẫn có thói quen ra đường. Đơn giản vì nhà cửa nói chung là chật chội bức bách. Ra đường với muôn vàn hiểm nguy. Ngày nào cũng gặp. Tác phong giao thông đã suy thoái từ vài chục năm nay. Khi mà những con đường được làm ra chỉ đủ phục vụ vài chục vạn dân thì nay đã phải oằn mình chống chọi với gấp nhiều lần dân số ấy. Vẫn còn chưa kể đến tâm lí hướng về trung tâm của một bộ phận người rất lớn ở phía ngoại thành.

Bạn bảo cứ nên chạy xe chầm chậm. Nhường đường. Nhưng cũng mới chỉ an toàn được một nửa. Là cái nửa đảm bảo mình không đâm vào ai. Nửa còn lại là số đông. Chẳng biết ai sẽ là người đâm vào mình?

Nhìn chung là cẩn thận cũng không hơn gì. Đi shop mua quần áo cố gắng chọn loại có nhãn hiệu nổi tiếng cũng vẫn mua phải hàng Tàu như chơi. Đơn giản vì ngoài nó ra cấm thấy ai buôn hàng tử tế về bán. Giá cao, ế chỏng. Và cũng không riêng gì quần áo giày dép. Đồ điện tử gia dụng, ôtô, xe máy cho đến tận giấy ăn, tăm xỉa răng cũng thế!

Bạn là người nổi tiếng cẩn thận từ nhỏ. Không ai lạ gì tác phong sinh hoạt khiêm nhường kín kẽ mà an toàn ấy. Xỏ dây giày, thắt cravate đều mất khoảng nửa giờ. Quần áo ra đường lúc nào cũng là lượt phẳng phiu. Điện thoại di động dù đã để trong túi quần vẫn có bao da tránh xước. Ở trên đường không lúc nào chạy xe quá ba mươi cây số giờ. Ngồi trong quán nhậu ăn uống rất điềm đạm. Chẳng ai thấy bạn say bao giờ. Những người như bạn bây giờ ở thành phố đã thuộc vào loại hiếm. Chẳng biết là do thành phố đông lên hay người cẩn thận ít đi? Ngồi cạnh bạn trong các cuộc rượu nói chung là an tâm thư thái. Chỉ phải cái mỗi lần rủ bạn đi nhậu, tất cả cái đám xô bồ chúng tôi phải chờ hơi lâu. Chờ lâu đâm uống hơi nhiều trước khi bạn đến. Và dĩ nhiên say. Dù đã nhắc nhau cẩn thận ngay từ lúc nhập cuộc...

Tháng 10/2008.

Hòa Phong