Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên - Bài 2:

Cán bộ đã "bắt tay" lâm tặc "hút máu" rừng xanh Tây Nguyên như thế nào?

(Dân trí) - Sau khi khai thác gỗ trái phép vận chuyển ra gần trạm quản lý, bảo vệ rừng Ia Dreh, “lâm tặc” dựng xe cách trạm khoảng 100m vào “nói chuyện” với cán bộ. Vài phút sau, xe chở gỗ “nối đuôi” qua trạm.

“Nói chuyện” lâm trường , gỗ lậu “nối đuôi” qua trạm

Trước tình trạng khai thác gỗ trái phép, mở “công trường” trong rừng sâu mà lực lượng chức năng không biết, phóng viên tiếp tục “mật phục” nhiều ngày trước Trạm QLBVR Ia Dreh để xem cán bộ lâm trường có tiến hành bắt giữ khi gỗ đi qua trạm không (?).

Những hộp gỗ lớn đi ngang nhiên qua trạm

Khoảng 15h chiều, từ trong rừng sâu các đối tượng lâm tặc ngừng việc khai thác, đốn hạ gỗ để tập trung đưa gỗ mới xẻ lên những chiếc xe sắt độ chế. Mỗi xe sắt thường chở được khoảng 2 – 3 khúc gỗ xẻ hộp có chiều dài dưới 3m và đường kính 30.30. Tại đây, phóng viên đã tiến sát nắm thông tin thì biết được số gỗ này sẽ chở về trong làng, sát UBND xã Ia Rmok (huyện Krông Pa, Gia Lai).

Cán bộ đã bắt tay lâm tặc hút máu rừng xanh Tây Nguyên như thế nào? - 1
Những xe gỗ được tập kết tạp chân đập Dreh (cách trạm QLBVR khoảng 300m), khi có hiệu lệnh, những xe này sẽ được đi qua trạm

Khoảng 17h chiều, khi 7 xe sắt được chất đầy gỗ, hành trình bắt đầu từ rừng hướng ra xã. Đặc biệt, trên hành trình này, các xe gỗ lậu phải qua Tram QLBVR Ia Dreh. Đoàn xe chở gỗ lậu nối đuôi nhau vượt qua những ngọn đồi dựng đứng, xuống dốc sâu thẳm. Hơn tiếng sau, đoàn xe tập trung tại đập thủy lợi Ia Dreh (cách trạm QLBVR Ia Dreh khoảng 300m), một thanh niên đi bộ vào trạm để “nói chuyện” với các cán bộ trực tại trạm này…10 phút sau, thanh niên này đi ra khỏi trạm và ra hiệu lệnh cho đoàn xe chở gỗ lậu chạy qua trạm một cách “ngang nhiên”.

Cán bộ đã bắt tay lâm tặc hút máu rừng xanh Tây Nguyên như thế nào? - 2

Xe gỗ lậu "ngang nhiên" qua trạm, những hộp gỗ lớn được đưa về làng an toàn

Nhiều ngày, PV tiếp tục “mật phục” trước Trạm QLBVR Ia Dreh để quan sát sự “tiếp tay” của các cán bộ lâm trường trong trạm. Không ngoài dự đoán, mỗi buổi chiều từ 16h30 – 18h có rất nhiều đoàn xe chở gỗ lậu qua trạm. Với hình thức trên, lâm tặc có hai nhánh đường, nhưng tất cả đều để xe gỗ lậu cách trạm từ 100 – 300m. Sau đó, lâm tặc đi bộ vào “nói chuyện” với các cán bộ lâm trường trực tại trạm. 10 phút sau, các đối tượng này quay ra và lấy xe gỗ lậu đi “ngang nhiên” qua trạm. Sau nhiều ngày mật phục, chúng tôi không hề thấy các cán bộ tại trạm này chặn bắt một trường hợp nào khi gỗ đi qua trạm.

Lâm trường “tiếp tay” cho “lâm tặc”, ai bảo vệ rừng (?)

Trước tình trạng, các cán bộ lâm trường trong trạm QLBVR Ia Dreh, phóng viên đã làm việc với một lãnh đạo thuộc BQL RPH Nam Sông Ba. Sau khi xem những hình ảnh chứng minh sự “tiếp tay” của các cán bộ lâm trường, ông Nguyễn Văn Dương (Phó ban BQL RPH Nam Sông Ba) cho biết: “Tôi không ngờ các cán bộ lâm trường lại để cho gỗ lậu đi ngang nhiên qua trạm như vậy. Tại trạm này có 3 cán bộ lâm trường thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần được giao gồm: Ông Nay Ren, Nay Hương, Rô Thức. Quan điểm rõ ràng của ban là xử lý nghiêm các trường hợp “tiếp tay” với lâm tặc để cho gỗ qua trạm. Hiện nay, chúng tôi sẽ xác minh và xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm…”.

Cán bộ đã bắt tay lâm tặc hút máu rừng xanh Tây Nguyên như thế nào? - 3
Cảnh lâm tặc ngồi nói chuyện với lâm trường rồi ung dung đưa gỗ qua trạm mà không bị xử lý...

“Trước đây, ban cũng đã xử lý một cán bộ đã để xe qua trạm trong ca trực. Sau này, cán bộ này cũng đã có đơn xin nghỉ việc. Đối với trường hợp mà phóng viên cung cấp, chúng tôi đã gọi các cán bộ tại trạm lên để hỏi thông tin trên. Qua đó, các cán bộ cũng nhận lỗi đúng như thông tin phóng viên cung cấp cho ban. Cụ thể, khi cho xe đi qua thì có người dân thì thường cho đồ ăn, người thì cho 50 chục – 100 ngàn…Nhưng đa số là các cán bộ là người đồng bào và đã nhận ra lỗi vi phạm…”, ông Dương cho biết thêm.

Cán bộ đã bắt tay lâm tặc hút máu rừng xanh Tây Nguyên như thế nào? - 4
Gỗ lậu ngang nhiên qua trạm (Ảnh cắt từ Clip

Ông Tạ Chí Khanh (Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa) cho biết: “Các cán bộ thuộc BQL RPH Nam Sông Ba đều thuộc quản lý của Sở NN và PTNN. Dựa vào những thông tin báo chí cung cấp, chúng tôi sẽ tiến hành xác minh, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật”.

Cán bộ đã bắt tay lâm tặc hút máu rừng xanh Tây Nguyên như thế nào? - 5
Hồ thủy lợi nơi lâm tặc đi qua Trạm bảo vệ rừng

Khi hỏi về nhiệm vụ của các cán bộ lâm trường trong Trạm QLBVR Dreh, ông Nguyễn Văn Dương (Phó ban BQL RPH Nam Sông Ba) thông tin: “Nhiệm vụ của các cán bộ là tuần qua, quản lý bảo vệ rừng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển khi đi qua trạm…”. Tuy nhiên, với những việc làm của các cán bộ ở trạm đã đi ngược lại với nhiệm vụ mà nhà nước đã giao.

Phạm Hoàng