Cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học ở Bỉ

(Dân trí) - Tổ chức nghiên cứu và phương thức hoạt động khoa học tùy thuộc vào truyền thống lịch sử, cách thức tổ chức xã hội và trình độ phát triển của mỗi nước. Cho nên kinh nghiệm của Bỉ về lĩnh vực này chỉ có ý nghĩa để tham khảo đối với các nước khác.

Cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học ở Bỉ - 1

(Ảnh  minh họa từ ntu.edu.vn)

 

Hơn nữa, trên phương diện giáo dục, Bỉ có thể tự hào là nước duy nhất trên thế giới có giáo dục miễn phí và cưỡng bách cho trẻ em tới năm tròn 18 tuổi. Hệ thống trường mầm non và trung học phổ thông bảo đảm phát triển trí tuệ và học hành rất tốt cho các em, nhưng bên cạnh đó,  nền nghiên cứu khoa học ở Bỉ không hẳn là một mô hình kiểu mẫu.

.

Bức tranh tổng thể qua vài con số

 

  • 60.000 nhân viên làm việc tại các viện khoa học, trong

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

 đó 58% là nhà nghiên cứu – bằng  1,3 % tổng số việc làm của cả nước

  • Ngân quĩ dành cho lĩnh vực này: hơn  1.800 triệu euro mỗi năm, tức là  3% tổng sản lượng quốc nội PIB.
  • Số bài báo khoa học hay số bằng sáng chế chỉ ở mức trung bình (theo chỉ số tính trên 1.000.000 dân : 696,30 bài và 150,43 bằng sáng chế cho  1 triệu dân  năm 2009).
  • Bỉ có 10 người được trao giải thưởng Nobel, trong đó có 4 Nobel Hòa Bình.
  • Ở Bỉ, hiện tượng «chảy máu chất xám» hiện hữu từ gần nửa thế kỷ nay. Những nhà khoa học lớn người Bỉ hay tìm đất dụng võ ở Mỹ hay ra làm việc trong các xí nghiệp tư vì lương bổng cao hơn và môi trường làm việc tốt hơn.
  • Một nghiên cứu sinh bắt đầu với số lương khoảng 3200 euro, trừ bảo hiểm xã hội và thuế xong chỉ còn khoảng 1700€/ tháng - chỉ bằng lợi tức median, (trung tuyến, nghĩa là mức lợi tức của 50% người dân) hay gấp đôi mức nghèo khó.

 

Triết lý nghiên cứu khoa học :

 

« Tự do nghiên cứu - La liberté de chercher » là phương châm của  Quĩ quốc gia nghiên cứu khoa học FNRS và cũng là triết lý của  ngành nghiên cứu khoa học tại Bỉ. Tự do này nằm trong tự do hàn lâm tức là sự vắng mặt hoàn toàn của bất cứ một hình thức kiểm duyệt nào từ bên ngoài dù là từ cơ quan công quyền, chính phủ hay quốc hội.

 

Người dạy đại học có quyền và có trách nhiệm về nội dung của chuyên khoa của mình trong giảng dạy hay trong nghiên cứu. Có quyền đưa ra những gì mà họ nghĩ là đúng và chỉ chịu sự «kiểm soát» của đồng nghiệp. Dĩ nhiên, quyền này đi đôi với trách nhiệm phải tôn trọng luân lý và luật lệ riêng của nghề nghiệp mình.

 

Cơ quan nào lo việc nghiên cứu khoa học ở Bỉ ?

 

Các đại học : 4 đại học toàn phần (có đủ các phân khoa) ở phía Bắc, 3 ở phía Nam,  và gần  20 Đại học không toàn phần cho cả nước Bỉ. Một trong những nhiệm vụ của đại học là nghiên cứu khoa học.

 

Ngoài các đại học, còn có những trung tâm nghiên cứu chuyên môn, tập trung các chuyên viên chuyên ngành của nhiều đại học khác nhau và cả những người đến từ nước ngoài. Các trung tâm này có khi phụ thuộc một đại học, nhưng thông thường thì quản lý độc lập (thí dụ Trung tâm Nghiên cứu không gian, một «chi nhánh» của Trung Tâm châu Âu nghiên cứu về ngành này).

 

Quĩ quốc gia nghiên cứu khoa học (FNRS Fonds National de Recherches Scientifiques) là «linh hồn» hay «biểu tượng» của nghiên cứu khoa học tại Bỉ . Thành lập năm 1928 không phải bởi giới cầm quyền như trường hợp của cơ quan tương đương CNRS ở Pháp, mà bởi ông Emile Franqui, một kĩ sư đi từ kinh doanh, để tài trợ trực tiếp 4 đại học Bỉ lúc đó cho các công tác nghiên cứu khoa học của họ. Truyền thống này được giữ đến giờ. Quĩ này hiện được quản lý bởi hội đồng các Viện trưởng các Đại học trong nước, cứu xét mỗi năm các dự án nghiên cứu cần được tài trợ và  tự do cấp tài trợ cho các nghiên cứu cá nhân và các chương trình phát triển của các trung tâm và phòng thí nghiệm khoa học được thừa nhận, hoàn toàn dựa trên cơ sở giá trị khoa học của dự án và của các ứng viên.

 

Mục đích của quĩ này là tài trợ cho những người trẻ có tài (như trả lương cho các nhà khoa học, trao các giải thưởng khoa học .... ). Đồng thời, tạo nên một chỗ gặp gỡ cho các giáo sư và các nhà khoa học trong nước cũng như ở nước ngoài – trả lời các nhu cầu vừa khoa học vừa nhân bản và xã hội – một quan niệm vừa cổ truyền vừa tân tiến về khoa học (cần có nhiều kết quả nghiên cứu, nhưng đằng sau những kết quả đó là những khoa học gia với những nhu cầu rất «người» của họ cũng cần phải chăm lo, bởi nghiên cứu khoa học vốn là một công việc rất ... cô đơn !)

 

Nếu phải so sánh với những tổ chức khoa học quốc tế tương đương, Quĩ Quốc gia Nghiên cứu khoa học của Bỉ không giống Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp (CNRS), mà gần với Quĩ Nghiên cứu Quốc gia của Mỹ  (National Research Fund) hơn vì nó độc lập với các cơ quan nhà nước.

 

Quĩ này hiện quản lý khoảng 150 triệu euro mỗi năm (không đến một phần mười của ngân quĩ cho nghiên cứu khoa học toàn xứ, nhưng vẫn là cơ quan tinh thần quan trọng nhất)  mà 90% là tài trợ công, nhưng hoàn toàn độc lập với quyền lực công.
 
Cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học ở Bỉ - 2
(Ảnh minh họa từ: ktdoingoai.com)

 

Liên hệ giữa nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ

 

Trên triết lý là độc lập nhưng có tổ chức liên hệ, xin kể điển hình hai hình thức :

 

Hệ thống «giao diện» interface của các đại học :

 

Có vai trò phổ biến ra ngoài các kết quả các công trình nghiên cứu khoa học – không đóng cửa phòng thí nghiệm mà nghiên cứu, hay không giam mình trong «tháp ngà» của đại học.

 

Đồng thời xây dựng những hợp tác có thể để áp dụng các nghiên cứu vào thế giới bên ngoài đại học. Xí nghiệp tư là một đối tác ưu tiên để đại học có thể vừa tiếp tục nghiên cứu, nghiên cứu có ích cho cộng đồng hay cho sản xuất. Đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (các xí nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để «mua» bằng sáng chế chẳng hạn).

 

Cơ cấu giao diện này thuộc đại học nhưng không lệ thuộc xí nghiệp, là một trung gian hỗ trợ cho hai bên gặp nhau và sau đó tìm sự thăng bằng trong quyền lợi của đôi bên.

 

Thông thường, những khoa học gia như những «giáo sư Tournesol Calculus» trong truyện bằng tranh Tintin, chỉ biết nghiên cứu và hoàn toàn mù tịt về thế giới bên ngoài. Ngay cả thủ tục trình tòa các bằng sáng chế họ cũng ngại lo. Hệ thống giao diện Interface bảo đảm các vai trò «hành chính» đó bằng cách tìm đối tác sẵn sàng tài trợ bằng sáng chế. Bù lại, các đối tác sẽ đầu tư để đưa vào sản xuất những phát minh ấy.

 

Thí dụ, giao diện xí nghiệp-đại học Liège (Interface),  thành lập từ hơn 20 năm nay,  có bổn phận :

·      Tạo mối liên hệ hợp tác giữa các xí nghiệp và đại học.

·      Quảng bá các kết quả và thành tựu của các nghiên cứu khoa học mà Đại học Liège «nuôi dưỡng» .

·      Quản lý và bảo vệ bản quyền trí tuệ (PI propriété intellectuelle).

·      Nêu cao vai trò của đại học trong sự phát triển của vùng lãnh thổ.

·      Tổ chức những khóa dạy cập nhật cho các chuyên viên các xí nghiệp, trường học... cho các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.

Để thực hiện các trách nhiệm ấy, giao diện xí nghiệp-đại học Liège dựa trên cách làm và kinh nghiệm của một nhóm đa ngành, gồm nhiều nhà khoa học hiểu biết nhiều về thế giới kỹ nghệ và sự chuyển giao kỹ thuật công nghệ.

Spin off  hay «Công ty được thai nghén từ Đại học» hay  «xí nghiệp mới nổi»

 

Đó là những công ty được đại học «Mẹ» thành lập, nâng niu. Những nhân viên ở đây vốn trước là nghiên cứu sinh hay nghiên cứu gia, như thế họ có việc làm mà không mất công tìm kiếm khi hoàn thành xong luận án tiến sĩ chẳng hạn. Lại có cơ hội mang vào ứng dụng những khám phá tìm tòi của chính bản thân.

 

Nhưng những  spin-offs công ty này có tính pháp lý hoàn toàn độc lập với đại học «Mẹ» và bao giờ đủ lông đủ cánh thì sẽ tung bay với những thành tựu kinh tế của mình  (những năm đầu thì đại học «Mẹ» cho vay). 

 

Các spin offs  thường được thành lập cho kỹ nghệ nano, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin ...

 

Tổng cộng, hiện  Đại học Liège đang «đỡ đầu» cho hơn 70 xí nghiệp loại này và hơn 30 spin offs khác đã rời sự giúp đỡ của đại học Mẹ và hoàn toàn tự lập.

 

Nhiều hình thức mới hơn nhưng tầm vóc nhỏ hơn cũng lo về liên hệ nghiên cứu-kỹ nghệ, trong đó có thể kể :

 

Hợp tác Công-Tư (partenariat Public-Privé) theo chính sách của vùng lãnh thổ miền Nam nước Bỉ nhằm khuyến khích các xí nghiệp đến kinh doanh tại đây. Lại bảo đảm việc làm cho một số nhà khoa học, vừa tiếp tục khuyến khích và phát triển nghiên cứu khoa học của các đại học trong vùng.

 

Cụm xuất sắc (pôle d'excellence) được tài trợ bởi chính phủ nhưng quản lý bởi đại học và xí nghiệp – đem lý thuyết vào ứng dụng để tạo chuyên ngành cao cho một vùng lãnh thổ.

 

Thông thường, các lĩnh vực như khoa học về không gian, y khoa, sinh học, kỹ thuật áp dụng vào sinh học và vào y khoa, thú y ... thì dễ có liên hệ với kỹ nghệ – trong một liên hệ hai bên đều có lợi.

 

Các nghiên cứu nặng về cơ bản (fondamentales) chỉ có thể cậy trên các quĩ nghiên cứu của quốc gia, của các đại học hay các học bổng tư .

 

Kết luận

 

Trong chiều hướng hợp tác về nghiên cứu khoa học càng ngày càng lan rộng giữa các nước ở châu Âu, và khuynh hướng hợp lý hóa các ngân quĩ dành cho nghiên cứu giữa các cực chuyên môn, hệ thống tổ chức  nghiên cứu khoa học Bỉ sẽ còn thay đổi trong tương lai.  

 

                                                               Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                      Liège, Bỉ 

(Thư mục tham khảo :

Fallon C., 2009, La politique de recherche en Belgique francophone:
la difficile refonte stratégique d’une tradition libérale. Actes du Congrès AFSP.

Halleux R. et Xhayet G., 2007, La liberté de chercher. Histoire du Fonds National de la recherche Scientifique, Editions de l’Université de Liège.

Truffin C, 2006, L'université déchiffrée. Le financement des universités en Communauté française de Belgique,  Editions de l'Université Libre de Bruxelles.

Vincent A, 2009, Les acteurs de la recherche en Wallonie et à Bruxelles, Courrier Hebdomadaire du CRISP, N° 2016 – 2017 và các trang nhà của các đại học Bỉ).

 

LTS Dân trí -Qua bài viết, ta thấy các trường đại học ở Bỉ giữ vai trò rất quan trọng trong hệ thống nghiên cứu và chuyển giao những sáng chế cũng như kết quả nghiên cứu nói chung vào thực tiễn đời sống xã hội.

 

Hơn nữa, các trường đại học còn là nơi « thai nghén » và « đỡ đầu » cho sự ra đời của nhiều công ty, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ mới. Điều này thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn sản xuất. Đấy là cơ sở và cũng là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

 

Nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở đây cũng được « xã hội hóa » thu hút nhiều nguồn đầu tư của cả tư nhân, doanh nghiệp và Nhà nước.

 

Dù ở trình độ phát triển khác nhau, song chúng ta cũng có thể tham khảo những kinh nghiệm của Bỉ về cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học ở các trường đại học cũng như việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học.