Kiên Giang - Bài 3:

Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, dân suýt ngồi tù: Hội đồng định giá... trên giấy!

(Dân trí) - Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản huyện Kiên Lương cho biết, căn cứ vào hồ sơ của cơ quan điều tra cung cấp rồi cử cán bộ đi khảo sát hai đơn vị kinh doanh cây kiểng trên địa bàn huyện để ra Kết luận định giá tài sản. Hội đồng không đến hiện trường và đây là thiếu sót của Hội đồng định giá.

Hội đồng chỉ định giá… trên giấy?

Mới đây,  PV Dân trí có buổi làm việc trực tiếp với bà Lâm Thị Xinh – Trưởng phòng Tài Chính  - Kế hoạch huyện Kiên Lương, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong vụ án “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” mà CQĐT công an huyện Kiên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Thị Gương vào 13/8/2018.

Bà Xinh cho biết, ngày 18/7/2018, Cơ quan điều tra công an huyện Kiên Lương có văn bản yêu cầu Hội đồng định giá cây sộp đường kính mặt gốc bị cắt kích thước 93cm x 52cm; Cây sộp bị cưa đổ 1 nhánh có kích thước 20cm x 30cm; cây me bị cưa nhiều nhánh; cây sanh cưa nhiều nhánh; cây bằng lăng cưa nhiều nhánh.

Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, dân suýt ngồi tù: Hội đồng định giá... trên giấy! - 1

Đơn khiếu nại của bà Lê Thị Gương

Từ văn bản yêu cầu này, UBND huyện lập Hội đồng định giá tài sản. Hội đồng do bà Xinh làm Chủ tịch, ngoài ra còn có ông Lê Tấn Thành – Chánh thanh tra huyện, Thành viên Hội đồng, bà Dương Ngọc Kiều – Trưởng phòng Tư pháp, Thành viên Hội đồng và ông Doãn Kỳ Trọng – Chuyên viên phòng Tài Chính  - Kế hoạch, Thành viên hội đồng.

PV Dân trí đặt câu hỏi vì sao trong Hội đồng định giá tài sản không có thành viên nào có chuyên môn về cây xanh, cây kiểng? Bà Xinh khẳng định luật không quy định việc này. Tuy nhiên, theo Điểm c, Khoản 1, Điều 8, Nghị Định 30/ND-CP về việc thành lập và hoạt động Hội đồng định giá tài sản ban hành vào ngày 7/3/2018 thì Hội đồng phải có thành viên am hiểu về tài sản cần định giá.

Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, dân suýt ngồi tù: Hội đồng định giá... trên giấy! - 2

Chủ tịch Hội định giá tài sản Lâm Thị Xinh thừa nhận, Hội đồng chỉ căn cứ vào hồ sơ của CQĐT cung cấp để định giá là chính

Bà Xinh cho biết, Hội đồng định giá tài sản không đến hiện trường nhưng có phân công một cán bộ đến hiện trường. Cán bộ này đến quan sát, không gặp gia đình bà Gương và không lập biên bản gì khi đến hiện trường.

Bà Xinh nói: “Luật không bắt buộc Hội đồng phải đến hiện trường. Hội đồng chủ yếu căn cứ vào hồ sơ mà CQĐT huyện Kiên Lương cung cấp để thực hiện việc định giá tái sản. Đây là thiếu sót của Hội đồng và cũng là bài học kinh nghiệm cho tôi trong vụ việc này”.

CQĐT khảo sát giá trước… Hội đồng nối bước theo sau?

Để định giá số cây, nhánh cây bị chặt nêu trên, Hội đồng định giá tài sản huyện Kiên Lương chỉ lấy 02 phiếu khảo sát giá (trên tổng số 5 loại tài sản cần định giá) tại 2 đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện Kiên Lương. Bà Xinh giải thích theo quy định là 3 đơn vị nhưng tại địa phương chỉ có 2 đơn vị đủ điều kiện lấy phiếu khảo sát giá.

Tuy nhiên, theo Điểm D2, Khoản 2, Điều 4 Thông tư 43/2018/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 30/2018/NĐ-CP, ngày 7/3/2018 về việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thì nêu rõ: “Việc khảo sát, thu thập các mức giá phải được thực hiện ít nhất là 03 phiếu khảo sát cho mỗi một tài sản yêu cầu định giá theo những nội dung được xác định”. 

Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, dân suýt ngồi tù: Hội đồng định giá... trên giấy! - 3

Phiếu khảo sát của Hội đồng định giá tại đơn vị DN tư nhân Công trình Xanh

 

Hai đơn vị được lấy phiếu khảo sát giá là DN tư nhân Công trình xanh và cây kiểng Nguyễn Trường Giang. Điều đáng nói là mức giá hai đơn vị này đưa ra hoàn toàn giống nhau, không chênh lệch một đồng nào. Cụ thể: cây sộp bị cưa tận gốc có giá 11 triệu đồng, cây sộp bị cưa một nhánh là 6 triệu đồng, cây me bị cưa nhiều nhánh 2 triệu đồng, cây Xanh bị cưa nhiều nhánh 1,5 triệu đồng và cây Bằng Lăng bị cưa nhiều nhánh giá 1,5 triệu đồng. Tổng giá trị 22 triệu đồng.

Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, dân suýt ngồi tù: Hội đồng định giá... trên giấy! - 4

Phiếu khảo sát giá tại đơn vị cây kiểng Nguyễn Trường Giang. Cà hai đơn vị này đều báo giá 5 loại tài sản cần định giá đều giống nhau, không sai một đồng

Thêm một điều bất ngờ nữa là trước đó vào ngày 16/7/2018, cán bộ cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kiên Lương đã đến  hai đơn vị nêu trên khảo sát giá. Giá trị từng nhánh cây bị chặt và cây sộp bị cưa tận gốc được hai đơn vị này cung cấp cho cơ quan điều tra cũng không sai một đồng nào so với mức giá mà hai đơn vị này báo giá cho Hội đồng định giá huyện Kiên Lương.

Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, dân suýt ngồi tù: Hội đồng định giá... trên giấy! - 5

Đáng nói, trước đó, cán bộ cơ quan điều tra đã đến hai đơn vị Cây kiểng Nguyễn Trường Giang và DN tư nhân Công trình Xanh khảo sát giá

Như vậy, Cơ quan điều tra đến DN tư nhân Công trình xanh và Cây Kiểng Nguyễn Trường Giang khảo sát giá và sau đó Hội đồng định giá tài sản huyện Kiên Lương cũng đến hai đơn vị này khảo sát, định giá số nhánh cây bà Gương thuê người chặt liệu có khách quan?

Một chuyên gia về cây kiểng cho rằng, Hội đồng định giá không đưa loại tài sản bị hủy hoại (các nhánh cây bị cắt) vào nhóm có khả năng phục hồi (mọc ra nhánh khác) là chưa khách quan. Ngoài ra cần có cơ quan chuyên môn thẩm định số cây, nhánh cây bị cắt thuộc cây trồng tự nhiên hay cây kiểng, từ đó việc khảo sát giá, định giá mới đúng với giá trị các cây bị cắt.

Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, dân suýt ngồi tù: Hội đồng định giá... trên giấy! - 6

Việc cơ quan điều tra, Hội đồng định giá tài sản huyện Kiên Lương đến DN tư nhân Công trình Xanh và Cây kiểng Nguyễn Trường Giang khảo sát giá liệu có khách quan?

“Rõ ràng Hội đồng đình giá tài sản huyện Kiên Lương chỉ định giá số nhánh cây bị chặt trên giấy. Cách làm việc tắc trách, qua loa như thế thì làm sao tôi chấp nhận được. Tôi sẽ khiếu nại đến cùng vụ việc này, vì đây cũng là yếu tố đẩy tôi vào tù tội”. Bà Gương bức xúc cho biết.

Như Dân trí đã thông tin, ngày 26/5/2018 bà Lê Thị Gương (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương) thuê người chặt cây sộp quắn quanh cây Thốt Nốt đã chết nằm trên phần đất của bà. Ngoài ra, bà Gương còn thuê người cắt các nhánh cây sộp, cây sanh, cây me và cây Bằng Lăng của gia đình ông Nguyễn Chí Dũng (Trưởng phòng quản lí đô thị huyện Kiên Lương) khi các nhánh cây này chìa sang mái nhà của bà.

Bi hài vụ chặt cây trên đất đã mua, dân suýt ngồi tù: Hội đồng định giá... trên giấy! - 7

Quyết định tạm đình chỉ vụ án của VKS huyện Kiên Lương

Gia đình ông Dũng làm đơn tố giác tội phạm và yêu cầu xử lí hình sự. Sau thời gian điều tra, ngày 13/8/2018, cơ quan điều tra huyện Kiên Lương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Lê Thị Gương về tội “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Thấy bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Công an huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) và Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kiên Lương chưa đúng bản chất sự việc nên bà Gương có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang.

Đến 14/01/2019, ông Vũ Hữu Dự - Phó viện trưởng VKS huyện Kiên Lương đã ký Quyết định tạm đình chỉ vụ án “Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra vào 6/6/2018 đối với bị can Lê Thị Gương”.

Lí do VKS huyện Kiên Lương tạm đình chỉ vụ án là do cơ quan này đã có yêu cầu Sở Tài Chính định giá lại tài sản nhưng chưa có kết quả, tuy nhiên đã hết thời hạn quyết định truy tố.

Nguyễn Hành