Sóc Trăng:

Bị con đưa ra toà lấy trắng mảnh đất, cha qua đời trong nỗi uất ức!

(Dân trí) - Con gái tự làm sổ đỏ để kiện cha mẹ và anh chị em ra tòa đòi đất, dù đất gốc của cha mẹ đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Điều đáng nói là tòa vẫn tuyên cho con gái thắng kiện, người cha 55 năm tuổi Đảng qua đời trong nỗi uất ức khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Theo trình bày của bà Dương Thị Út (SN 1944, ngụ tại ấp Mỹ Tân, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng): Vợ chồng bà có diện tích đất 8.925m2 và quản lý, sử dụng từ sau năm 1975 cho đến nay.

Năm 1996, một người con của vợ chồng bà Út đã làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho diện tích đất đó, nhưng khai giả tên người khác là ông Nguyễn Ngọc Triều (SN 1969, ngụ tại ấp Mỹ Tân, xã Thiện Mỹ, huyện Mỹ Tú (vào thời điểm đó, xã Thiện Mỹ thuộc huyện Mỹ Tú, sau này thuộc về huyện Châu Thành) và được UBND huyện Mỹ Tú cấp GCNQSDĐ đất ngày 13/3/1996.

Sau đó, người con của vợ chồng bà Út đưa cuốn sổ đỏ cho người con gái khác của ông bà là Nguyễn Thị Chiều (SN 1968) mượn thế chấp vào ngân hàng để vay tiền. Tiếp đó, bà Chiều nài nỉ cha mẹ cho bà mượn 3.000m2 sản xuất và được gia đình cho mượn. Thay vì mượn sản xuất, bà Chiều lại đem số đất mượn đó cầm cố cho 2 người dân ở địa phương với giá 6 chỉ vàng 24K, nhưng không trả nợ ngân hàng và cũng không trả nợ vàng cầm cố đất, nên vợ chồng bà Út phải chạy vạy vay tiền trả nợ chuộc lại đất.

Đầu năm 2011, vợ chồng bà Út kêu bà Chiều trả sổ đỏ lại cho cha mẹ để làm thủ tục chia cho các con một người một phần để sinh sống, thì bà Chiều không trả với lý do đất đó là của bà Chiều đã được UBND huyện Châu Thành cấp sổ đỏ ngày 24/8/2011. Từ đó xảy ra tranh chấp và bà Chiều khởi kiện mọi người trong gia đình yêu cầu trả lại đất cho bà Chiều.

Ngày 14/11/2014, TAND huyện Châu Thành đưa vụ kiện ra xét xử và tuyên gia đình bà Út phải trả lại đất cho bà Chiều. Lý do: Đất tranh chấp là của bà Chiều sử dụng từ năm 1990 và được UBND huyện Châu Thành cấp sổ đỏ năm 1996. Năm 2002, bà Chiều cố đất cho ông Phạm Văn Quận và ông Kha Văn Cấu với giá 6 chỉ vàng 24K. Năm 2003, bà Út và chồng là ông Nguyễn Chí Hoàng (SN 1936) chuộc lại đất để sử dụng. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, việc cầm cố đất là không hợp pháp nên tuyên vô hiệu, buộc bà Chiều trả lại cho cha mẹ 6 chỉ vàng, còn cha mẹ bà Chiều phải giao lại đất cho bà Chiều.

Bản án bị gia đình bà Út và ông Hoàng kháng cáo. Ngày 12/5/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành.


Bà Dương Thị Út bên bàn thờ chồng. Bị con gái kiện ra tòa đòi đất, khiến ông qua đời trong uất nghẹn.

Bà Dương Thị Út bên bàn thờ chồng. Bị con gái kiện ra tòa đòi đất, khiến ông qua đời trong uất nghẹn.

Trong khi đó, chồng bà Chiều là ông Nguyễn Văn Nhanh có văn bản xác nhận ông và bà Chiều sống với nhau từ năm 1990 đến năm 1995 tại ấp Phước An A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú. Các nhân chứng như ông Lý Quốc Thống, Kha Văn Thanh (cùng ngụ ấp Mỹ Tân) đều xác nhận đất gốc của ông Hoàng, bà Út và chính ông Hoàng bà Út chuộc đất, quản lý sử dụng từ trước cho đến nay.

Ông Huỳnh Văn Nghệ (61 tuổi, cháu ruột ông Nguyễn Chí Hoàng) nói: “Bản án của tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên không đúng quy định của pháp luật. Cậu mợ tôi là người quản lý và sử dụng đất, vậy mà khi làm sổ đỏ cho bà Chiều, chính quyền không hề xuống địa phương kiểm tra xem ai là người đang quản lý sử dụng đất. Còn bà Chiều nói cha mẹ cho bà ta đất thì phải kiểm tra xem hồ sơ cho đất ở đâu, trong khi cha mẹ bà Chiều còn sống. Tôi phản đối quyết định của tòa án vì làm thiệt thòi quyền lợi của gia đình cậu mợ tôi”.

Bà Nguyễn Thị Hào (79 tuổi, em ruột ông Hoàng) nói: “Tôi cực lực phản đối phán quyết của tòa án vì không đúng sự thật, cố tình tuyên án khiến anh chị tôi mất đất một cách oan uổng”.

Bà Trần Thị Hạnh (hàng xóm) nói: “Tôi năm nay 80 tuổi, chưa bao giờ ở xứ thuần nông này có chuyện con gái kiện cha mẹ, anh chị em ra tòa để đòi đất cả. Đất là của vợ chồng ông Hoàng bà Út chứ không phải của bà Chiều. Bà Chiều không quản lý, sử dụng và cũng không ở địa phương này”.

Nói về chuyện con gái kiện cha mẹ, anh chị em trong nhà, bà Dương Thị Út ngậm ngùi: “Nó (bà Chiều) mượn sổ đỏ đi vay ngân hàng không trả, vợ chồng tôi phải trả. Nó mượn đất để làm ai dè lại cầm cố cho người khác, chúng tôi cũng phải chuộc lại. Vậy mà cuối cùng nó lại đi làm sổ đỏ đứng tên nó và kiện cha mẹ, anh chị em trong nhà ra tòa đòi đất. Ông nhà tôi chết uất ức một cách đau đớn. Gia đình tôi có mẹ là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chồng tôi 55 năm tuổi Đảng, là thương binh hạng 2/4 mà cuối cùng bị tòa tiếp sức cho con gái bất hiếu chiếm hết tài sản”.

Điều đáng nói, theo bà Út, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành khi tiến hành thi hành án đã cho người dán Thông báo thi hành án và Quyết định cưỡng chế thi hành án ngay trước cửa nhà bà. Bà Út nói: “Quá uất ức, tháng 11/2016 chồng tôi chết. Ông chết chưa được mấy bữa thì người cơ quan thi hành án mời gia đình lên thi hành án. Bàn thờ chồng tôi còn nguyên, hương khói còn nghi ngút mà họ cũng kiên quyết thi hành án. Tôi rất bất bình khi họ lại dán Thông báo thi hành án và quyết định cưỡng chế thi hành án ngay trước cửa nhà tôi. Làm như vậy là quá đáng”.


Cơ quan thi hành án huyện Châu Thành cho dán hẳn Thông báo thi hành án ngay trước cửa nhà của gia đình bà Út, khiến chồng bà qua đời trong uất nghẹn.

Cơ quan thi hành án huyện Châu Thành cho dán hẳn Thông báo thi hành án ngay trước cửa nhà của gia đình bà Út, khiến chồng bà qua đời trong uất nghẹn.

Thứ hai, theo hồ sơ PV có trong tay và xác nhận của gia đình bà Út, cùng ngày 13/3/1996, UBND huyện Mỹ Tú cấp nhiều sổ đỏ trên cùng một thửa đất đang tranh chấp, trong đó, ngoài sổ đỏ đứng tên hộ ông Nguyễn Ngọc Triều (diện tích 8.925m2), còn có các sổ đỏ đứng tên hộ ông Nguyễn Ngọc Thanh (diện tích 8.000m2), hộ ông Nguyễn Hoàng Khởi (diện tích 8.000m2), hộ ông Nguyễn Hoàng Điệp (diện tích 8.000m2).

Như vậy, bản án mà tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên đã bỏ qua việc thẩm tra, xác minh sự cố này khiến cho gia đình ông Nguyễn Chí Hoàng bức xúc vì bị mất đất vô lý.

Sau bản án phúc thẩm, gia đình bà Dương Thị Út đã làm đơn xin giám đốc thẩm và được TAND Tối cao nhận hồ sơ, chuyển cho TAND Cấp cao tại TPHCM xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Bạch Dương