Bài 9: Kỳ án oan khuất của gia đình liệt sỹ: Chìm trong “vòng xoáy” của tòa án

(Dân trí) -Trong khi những gia đình liệt sỹ khác đang chuẩn bị đón ngày 27/7, thì gia đình cụ Mão lại sắp phải hầu tòa. Vụ việc của gia đình mẹ liệt sỹ này đã kéo dài 12 năm vì huyện Thanh Trì cấp sổ đỏ trái pháp luật, các cấp tòa xử "tiền hậu bất nhất".

  Sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết: “Gia đình liệt sỹ 12 năm chìm trong đau khổ vì UBND huyện Thanh Trì”, tòa soạn nhận được nhiều bình luận thể hiện sự bất bình của dư luận trước vụ việc trên.

Như thông tin đã phản ánh, trải qua 8 phiên xét xử và kéo dài gần 10 năm, ngày 23/9/2008 TAND TP. Hà Nội mới ra được bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT với nội dung chấp nhận đơn yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của cụ Triệu Thị Mão với ông Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung đối với phần đất 1020m2 mà con trai út Nguyễn Văn Tạo tự ý chia tách, trước khi làm đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) trên phần đất gia đình cụ Triệu Thị Mão sử dụng hơn 60 năm.

Thực hiện bản án số 58/2008/DSPT ngày 23/9/2008 của TAND TP. Hà Nội, ngày 14/1/2009, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội ký Quyết định số 632/QĐ -THA về việc thực thi bản án số 58/2008/DSPT, tiến hành cắm mốc giới trả lại cho cụ Mão 850m2đất và tài sản trên đất. Cắm mốc giới cho ông Nguyễn Văn Chung sử dụng 170m2.

Những tưởng mọi việc đã “êm ả” nhưng sau khi cụ Mão qua đời tháng 4/2010, các thành viên trong gia đình lại nhận cú “sốc” khi ông Từ Văn Nhũ, Phó Chánh án TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT ngày 23/9/2008 của TAND TP. Hà Nội, đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm.

Quyết định kháng nghị bản án số 58/2008/DSPT mà TAND Tối cao đưa ra với lý do nhận được lời khai của một số nhân chứng. Nhưng sự vô lý “lạ đời” là có đến 2/4 nhân chứng sinh vào các năm năm 1968 (ông Nguyễn Văn Khải) và năm 1971 (bà Nguyễn Thị Mai) được TAND Tối cao ghi lời khai về cuộc họp phân chia tài sản vào năm 1968. Thử hỏi, một người vừa chào đời và một người chưa sinh ra có đủ điều kiện coi là nhân chứng thuyết phục liên quan đến cuộc họp bàn phân chia tài sản diễn ra năm 1968?.

Nhận được Quyết định kháng nghị ngày 9/6/2010 của Tòa tối cao đối với bản án số 58/2008/DSPT, gia đình cụ Triệu Thị Mão đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại gửi đến TAND Tối cao và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại Quyết định kháng nghị ngày 9/6/2010, nhưng không được giải quyết.

Mới đây, gia đình cụ Mão đã nhận được thông báo ngày 31/7/2013, TAND Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử lại theo trình tự phúc thẩm. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay gia đình cụ Mão đã có đơn đề nghị tòa án đình chỉ vụ án trên, để UBND huyện Thanh Trì tiến hành các thủ tục thu hồi và hủy bỏ 2 cuốn sổ đỏ cấp trái pháp luật trên.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nhung (con gái mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão) chia sẻ: “Tôi yêu cầu chính quyền huyện thu hồi và hủy 2 quyển sổ đỏ trả lại khuân viên đất cho gia đình tôi để tôi sửa sang gian nhà, thắp hương cho anh tôi là liệt sỹ. Khi anh tôi đi bộ đội là năm 1965, mảnh đất vẫn nguyên, đến năm 1968, ông hy sinh. Bây giờ tôi mong vụ việc sớm được giải quyết để mẹ tôi, anh tôi và các cụ ở nơi chín suối được chứng nhận khuân viên đất vẫn là một thửa và nguyên vẹn”.

Hiện dư luận cả nước đang trông đợi sự khẩn trương vào cuộc khắc phục các thiếu sót trong việc cấp sổ đỏ trái pháp luật của UBND huyện Thanh Trì theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội; đồng thời đề nghị ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao xem xét xử lý các thẩm phán vì sao một vụ án dân sự đơn giản mà phải trải qua 12 năm xét xử với gần chục phiên tòa diễn ra theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" gây bức xúc dư luận, tốn kém tiền bạc của Nhà nước?.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục đưa thông tin về “kỳ án” oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão đến bạn đọc.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy