Vụ cô thủ quỹ làm mất hơn 600.000 đồng bị cho nghỉ việc:

Bài 7: Lá đơn kêu cứu "đẫm nước mắt" gửi đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang

(Dân trí) - Sau hàng loạt bài phản ánh của báo Dân trí về những khuất tất trong vụ việc Sở GD - ĐT Kiên Giang cho cô Lê Thị Mỹ Chi nghỉ việc, vì làm mất quỹ hơn 600.000đồng, đến nay chưa cơ quan nào của Kiên Giang xem xét lại vụ việc. Mới đây, cô Chi tiếp tục có đơn kêu cứu gửi đến Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Kiên Giang.

PV Dân trí xin được trích nguyên đơn “kêu cứu” của cô Lê Thị Mỹ Chi - nguyên kế toán Trung tâm giáo dục thường xuyên Kiên Giang:

Tôi làm đơn này gởi đến Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Kiên Giang kêu oan về việc UBND tỉnh Kiên Giang, Giám đốc Sở giáo dục & đào tạo tỉnh và Ban giam đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang có hành vi trù dập tôi bằng việc kết luận tôi làm mất quỹ 70 triệu và ra Quyết định số 2095/QĐ-SGD&ĐT ngày 01-11-2010 buộc tôi phải thôi việc với nội dung như sau:

Nguyên trước đây, Ban giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang có nhiều dấu hiệu tiêu cực trong việc quản lý thu chi tài chính, nên tôi đã làm đơn tố cáo với các cơ quan có chức năng đề nghị làm rõ.

Bài 7: Lá đơn kêu cứu đẫm nước mắt gửi đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - 1

Đơn kếu cứu của cô Lê  Thị Mỹ Chi gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang

Bài 7: Lá đơn kêu cứu đẫm nước mắt gửi đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - 2

Tại Kết luận thanh tra số 18/KL-STC ngày 01-04-2010, Đoàn thanh tra xác định Ban giám đốc đã thu chi sai nguyên tắc với tổng số tiền 692.958.000đ buộc trách nhiệm cá nhân Giám đốc Vũ Đức Nhâm và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Ngọc Phượng phải chịu trách nhiệm thu hồi 450.935.080đ. Riêng đối với tôi, Kết luận xác định có hành vi rút tiền mặt về không nhập vào sổ quỹ 70 triệu đồng và làm mất tiền mặt 609.258 đồng. 

Về sai phạm của tôi: Do tại thời điểm năm 2006, lúc đó tôi nhận nhiệm vụ thủ quỹ mới được 10 tháng, chưa có kinh nghiệm, hơn nữa số tiền đó đem về trả lương giảng dạy và các chi phí xong tại thời điểm sau khi rút tiền; mặt khác, kế toán không ra phiếu thu, nên tôi không có cơ sở để ghi vào sổ quỹ, chứ không phải mất quỹ tiền mặt đối với 70 triệu nói trên, đây là lỗi nghiệp vụ chứ hoàn toàn không có mục đích cá nhân và cũng không có ý thức cùng với những cán bộ khác sai phạm trong vụ việc nói trên.

Tại bản “Trích biên bản” họp Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng lần thứ 17 ngày 02-03-2010, kết luận tôi làm mất quỹ 70 triệu đồng buộc tôi phải bồi thường và xử lý buộc thôi việc, trong khi bản Kết luận số 18/KL-STC ngày 01-04-2010, kết luận tôi chỉ mất quỹ có 609.258 đồng và nghĩa vụ bồi thường là ông Giám đốc Vũ Đức Nhâm và bà Kế toán trưởng Nguyễn Thị Ngọc Phượng. 

Xét thấy kết luận của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là chưa đúng, gây thiệt hại quyền lợi cho tôi, nên tôi đã gởi đơn khiếu nại đến Sở tài chính nhưng sở tài chính vẫn không thay đổi kết luận. Ngày 04-06-2010, tôi tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, yêu cầu rút lại kết luận tôi làm mất 70 triệu đồng và buộc thôi việc đối với tôi của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Sau đó Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh ra Quyết định số 06/2010-QĐ ngày 14-06-2010 thu hồi quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với tôi.

Thế nhưng tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 2344/QĐ-UBND ngày 21-10-2010 UBND tỉnh Kiên Giang vẫn kết luận tôi làm mất 70 triệu đồng và Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tỉnh đã ra Quyết định số 2095/QĐ-SGD&ĐT ngày 01-11-2010 buộc tôi phải thôi việc.

Do khiếu nại của tôi không được giải quyết thỏa đáng, Giám đốc sở Giáo dục đào tạo tỉnh Kiên Giang không xem xét thấu đáo, mà cố tình áp đặt khuyết điểm và ra quyết định kỷ luật, nên buộc tôi khởi kiện  ra Tòa an. Tại hai cấp xét xử, Tòa án thành phố Rạch Giá và Tòa án tỉnh Kiên Giang không xem xét một cách khách quan bác yêu cầu khởi kiện của tôi. 

Bài 7: Lá đơn kêu cứu đẫm nước mắt gửi đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - 3

Hơn 10 năm đội đơn kêu oan khắp nơi, đến nay Cô Mỹ Chi rất trông chờ vào TAND cấp cao sớm ra quyết định xem xét lại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang theo thủ tục giám đốc thẩm

Thưa Quí cơ quan.

Lẽ ra với những sai phạm nghiêm trọng của Kế toán và Ban lãnh đạo Trung tâm, thì những người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng họ không hề bị xử lý, những người này vẫn tại vị bình thường, ngược lại dựa vào sự việc tôi không ghi vào cột thu 70 triệu như đã nói ở trên, những người có quyền lực ở Kiên Giang đã ra quyết định buộc tôi thôi việc.

Tôi nhận thấy, việc Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh cũng như trong Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Kiên Giang, kết luận tôi làm mất quỹ 70 triệu đồng và thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với tôi là hành vi trù dập tôi trong vụ tôi đã làm đơn tố cáo lãnh dạo Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh có sai phạm tiêu cực.

Về thời hiệu xử lý: Tại khoản 1 điều 80 Luật cán bộ công chức qui định: “Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm”. Nếu tôi có hành vi sai phạm đi nữa, thì tính từ tháng 11 năm 2006 đến nay là gần tròn 04 năm, đã quá thời hiệu, việc ra quyết định thi hành kỷ luật nói trên không chỉ thể hiện sự trù dập đối với tôi mà còn trái với qui định của pháp luật cán bộ công chức.

Vậy tôi làm đơn này, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Kiên Giang tiến hành giám sát vụ xử lý việc tố cáo của tôi và sự việc kỷ luật tôi của Giám đốc sở Giao dục đào tạo Kiên Giang, đồng thời có biện pháp can thiệp phục hồi Công chức cũng như các quyền lợi hợp pháp khác cho tôi theo qui định của pháp luật.

Hơn 10 năm cô Lê Thị Mỹ Chi đội đơn kêu cứu khắp nơi để chứng minh bản thân không tư túi số tiền 70 triệu đồng đến nay cô trông chờ vào quyết định của Tòa án cấp cao tại Hà Nội, xem xét thủ tục giám đốc thẩm và kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang mà cô vừa gửi đơn kêu cứu xem xét vụ việc để có ý kiến với các ngành chức năng.

Nguyễn Hành