Bài 3: Kỳ án oan khuất của gia đình liệt sỹ: Công dân gửi “tâm thư” đến Chánh án TANDTC

(Dân trí) - Bị đẩy vào vòng xoáy kiện tụng khi bản án đã thực thi, còn mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão có quyền lợi liên quan đã qua đời vào năm 2010, những người con của cụ Mão quyết định viết “tâm thư” gửi Chánh án TAND Tối cao với mong muốn tìm được công lý.

Sau loạt bài về vụ tranh chấp đất kéo dài ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, trong đó có những quyết định mâu thuẫn cùng xuất phát từ TAND Tối cao đăng trên báo Dân trí, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc trong và ngoài nước đối với nỗi đau mà người thân của mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão đang phải trải qua.

Trong nỗi đau bị xô đẩy vào vòng xoáy kiện tụng hao tiền, tốn sức kéo dài suốt hơn một thập kỷ, ông Nguyễn Hữu Xưởng, con rể mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão quyết định gửi bức tâm thư đến Chánh án TAND Tối cao chỉ với mong muốn vụ án này sẽ được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử công tâm, đúng pháp luật theo quyết định Giám đốc thẩm.
 
Bức tâm thư ông Xưởng gửi Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình
Bức tâm thư ông Xưởng gửi Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình

Tâm thư của ông Nguyễn Hữu Xưởng viết: “Vụ án dân sự của nguyên đơn mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão ở thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã kéo dài đến nay trên 12 năm với 3 lần kháng nghị, 3 bản án Giám đốc thẩm, 3 bản án phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội, 2 bản án sơ thẩm của TAND huyện Thanh Trì.

Bản án phúc thẩm lần thứ 3 số 58 ngày 23/9/2008 của Tòa án Hà Nội xét xử theo án Giám đốc thẩm. Bản án dựa trên kết quả xét xử nhiều năm của nhiều bản án và nhiều cấp xét xử trước đó. Bản án đạt lý thấu tình được dư luận và công chúng ủng hộ, án đã thi hành xong từ tháng 1/2009, đã báo cáo TAND Tối cao và các cơ quan Nhà Nước.

Các cơ quan có thẩm quyền đã cắm mốc giới trả lại đất, nhà cửa, các công trình tọa lạc trên diện tích 850m2 cho cụ Mão. Cụ Mão đã cho Nguyễn Văn Chung (bị đơn) do Nguyễn Thị Binh đại diện 170m2 nơi đẹp nhất.

Về pháp lý là như vậy, nhưng thực tế cụ Mão đã toàn quyền sở hữu, quản lý, sử dụng khuôn viên đất 1020m2 trên 65 năm, từ trước năm 1945 cho đến khi từ trần tháng 4/2010 (100 tuổi). Sau khi cụ Mão qua đời được 2 tháng, đến tháng 6/2010 ông Từ Văn Nhũ - Phó Chánh án TAND Tối cao lại kháng nghị bản án đã được thi hành 2 năm.
 
Thật đau lòng khi người mẹ liệt sỹ gần 100 tuổi còn phải đi kiện, thắng kiện được 2 năm thì qua đời và chết cũng không được yên vì bản kháng nghị vô căn cứ.

Nhiều công văn của các cơ quan có thẩm quyền, báo chí, công luận, dư luận yêu cầu Tòa án Tối cao rút kháng nghị, nhưng sau 2 năm Tòa án Tối cao vẫn xét xử Giám đốc thẩm số 212 ngày 8/5/2012.

Từ tháng 7/2012 đến nay, qua 3 lần hòa giải, gia đình vẫn giữ nguyên ý chỉ của cụ Mão cho Chung (bị đơn) 170m2 đã được các cơ quan thi hành cắm mốc giới và cho thêm 100 triệu đồng tiền mặt. Vụ án xét xử theo chiều hướng của Giám đốc thẩm thì có nguồn tin Tòa án Tối cao lại mời lên chỉ đạo yêu cầu xét xử giữ nguyên 2 Sổ đỏ và bồi thường công sức cho mẹ liệt sĩ - cụ Triệu Thị Mão.

Con cháu cụ Mão đang thu thập chứng cứ thấy có dấu hiệu của một đường dây “chạy án” cao cấp. Cụ Mão yêu cầu hủy sổ đỏ trái pháp luật, 2 sổ đỏ trái pháp luật đã rõ ràng mà vụ án lại kéo trên 12 năm. Các con cháu Cụ Mão sẽ tố cáo trước cơ quan bảo vệ pháp luật.

Kết quả xét xử tất cả các bản án, kể cả 3 bản Giám đốc thẩm đều tuyên, 2 Sổ đỏ cấp trái pháp luật cả về nội dung lẫn quy trình, chính quyền địa phương, UBND xã đã công nhận không đủ thủ tục cấp sổ đỏ cho Tạo và Chung( bút lục 163, 164 trong Hồ sơ vụ án).

Ngày 25/3/2013, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì cũng khẳng định việc cấp 2 sổ đỏ cho Tạo và Chung là sai pháp luật từ thời 1993-1994. Báo Bảo vệ pháp luật của Viện KSND Tối cao ngày 3/4/2013 cũng khẳng định 2 sổ đỏ cấp cho Tạo và Chung là trái pháp luật cả về nội dung và quy trình.

Nếu Tòa án Hà Nội có thể bị chỉ đạo ép xử giữ nguyên 2 sổ đỏ thì vừa bất công, vừa phi lý, vừa tước đi bao nhiêu công sức điều tra tâm huyết của nhiều Thẩm phán giỏi, nhiều cấp xét xử trên 10 năm nay”.
 
Trong bức “tâm thư” gửi Chánh án TAND Tối cao, gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão kiến nghị ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo, giám sát TAND TP. Hà Nội tiến hành xét xử vụ án trên thấu tình đạt lý theo đúng quy định pháp luật.
 
Liên quan đến “kỳ án” kéo dài hơn 10 năm ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, trong thời gian qua, hàng loạt các cơ quan báo chí đã phản ánh rõ ràng vụ án này: “Cần trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình mẹ liệt sỹ!” - Báo Bảo vệ pháp luật; “Công dân hoang mang vì quyết định mâu thuẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao” - Báo Dân trí; “Chưa sinh ra đã phải làm...nhân chứng” - Báo Gia đình & Xã hội; “Một vụ án giữ kỷ lục về số lần xét xử” - Báo Đời sống & Pháp luật. “Bản án kháng nghị không thuyết phục” - Báo Lao động; “Vì sao “tiền hậu bất nhất”?” - Báo Quân đội nhân dân; “Liệu công lý có được thực thi” - Báo Thanh tra...

 

Ban Bạn đọc