Lạng Sơn:

Bài 3: “Hung thần” oanh tạc cầu đường tỉnh lộ mang “chiến lợi phẩm” đi đâu?

(Dân trí) - Ngay sau khi “ăn đá” đầy xe tại các mỏ, hàng ngàn lượt xe tải chạy dọc con đường tỉnh lộ 423 hướng ra Quốc lộ 1. Đa số xe chở đá hướng về Bắc Giang để phục vụ cho việc nâng cấp quốc lộ, những xe nhỏ lẻ khác thì toả đi các hướng khác….

 

Vài tháng trở lại đây,  những người dân sinh sống ở tỉnh lộ 243 (huyện Hũu Lũng tỉnh Lạng Sơn) đoạn từ các mỏ đá dẫn ra quốc lộ 1A luôn lo sợ mỗi khi tham gia giao thông qua tỉnh lộ. Đường xá, cầu cuống xuống cấp nếu lái xe không cẩn thận tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Qua nhiều ngày theo dõi hoạt động của xe tải cũng như các mỏ đá, PV Dân trí đã biết nguồn đá từ các mỏ được cánh xe tải đưa đến những công trường để phục vụ thi công nâng cấp làm mới quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận các tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.

Trong vai những người có nhu cầu mua đá để phục vụ quá trình thi công, phóng viên đã tìm đến mỏ đá Nhật Tiến, nơi có địa điểm được coi là thuận lợi nhất cho việc vận chuyển đá vì gần với tỉnh lộ 243.

quatai8-13406

Vừa đi sâu vào trong mỏ, một người đàn ông khoảng 35 tuổi tên Toàn nhanh chóng tiếp cận với mong muốn tìm thêm những nguồn tiêu thụ đá cho mỏ của mình.

“Không chỉ có mỏ đá của mình mà hiện nay những mỏ đá ở đây đang chủ cung cấp vật liệu cho việc thi công mở rộng, nâng cấp tuyến đường quốc lộ 1A đoạn từ Bắc Giang đi Lạng Sơn. Với số lượng đá khai thác lớn khoảng 130 khối/1h và máy chạy thâu ngày đêm thì thoải mái đá để cho các anh (PV) vận chuyển” - ông Toàn nhanh nhảu ra lời.

Theo ông Toàn, ở đây có đầy đủ các loại đá, đá hộc, 1224, mỗi đá loại 46 chưa có. Việc vận chuyển thì rất dễ dàng vì mỏ cách đường quốc lộ chỉ khoảng 2km. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề lo sợ khi vận chuyển thì xe quá tải sẽ gặp khó khăn với cơ quan chức năng, làm hỏng đường xá cầu cống. Ông Toàn đã vội thanh minh: “Cái đấy các anh không phải lo, việc vận chuyển ở đây tôi chưa thấy có vấn đề gỉ cả, hàng ngày biết bao nhiêu xe, bao nhiêu doanh nghiệp họ khai thác rồi vận chuyển mà toàn xe to, xe bốn chân, thậm chí cả đầu kéo còn hoạt động một cách bình thường mà chẳng làm sao, các anh cứ yên tâm đá của chúng tôi là số một rồi, lại tiện cho việc vận chuyển...”

Mỏ đá, cánh xe tải làm ăn hiệu quả bao nhiêu thì những phiền toái mà họ mang đến cho người dân sinh sống quanh tỉnh lộ 243 cũng như xung quanh các mỏ đá lại nhiều lên gấp bội. Dọc theo tuyến đường QL1A, qua tiếp xúc với nhiều người dân sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hầu hết đều rất bức xúc khi trình bày về việc xe quá tải “làm mưa làm gió” cả ngày lẫn đêm.

quatai5-e82bc

Rời mỏ đá ở huyện Hữu Lũng, những chiếc xe “hổ vồ” theo tỉnh lộ 243 để về QL1A, rồi chạy một quãng đường dài đến công trình mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn qua TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Khoảng 18h, các xe “hổ vồ” BKS 98C.83…; 98C.078…; 12C.013…; … vận chuyển từ hướng huyện Hữu Lũng xuôi QL1 về Lạng Giang, mặc dù chở theo một lượng đất, đá rất lớn, thùng xe có dấu hiệu cơi nới, nhưng chốt kiểm tra tải trọng (KTTT) đặt tại gần cầu Lường chỉ đưa mắt nhìn mà không hề có động thái dừng xe cân tải trọng.

Khoảng 30 phút sau các xe “hổ vồ” Anh Đào, Công ty Hưng Thịnh cũng có dấu hiệu vi phạm rất rõ ràng, nhưng vẫn lưu thông trót lọt qua trạm. Tương tự, các xe 98C.07975; 98C.085.09; 98C.06310; 98C.083.00… chở đất, đá cùng thời điểm này vượt qua trạm cân một cách dễ dàng.

Theo quan sát của phóng viên tại thời điểm này, lực lượng chức năng vẫn có mặt tại đây nhưng tuyệt nhiên họ không có bất kì động thái dừng đỗ xe hay kiểm tra các xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải đi qua đây.

quatai1-11bc6

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND huyện Hữu Lũng cho biết, về phía huyện cũng đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể, nhưng việc kiểm tra chất lượng cầu đường; xử phạt về vi phạm cũng như an toàn giao thông, chủ yếu là trách nhiệm của Sở giao thông Vận tải.

Theo thông báo từ lãnh đạo địa phương, thì tuyến đường tỉnh lộ 243, người dân cũng phản ánh nhiều và đã có nhiều phương tiện báo chí cũng đã đăng tải về các phương tiện vận chuyển vật liệu chạy trên đường, tuy nhiên hàng tháng phía công an huyện đều có những báo cáo về việc tiến hành xử phạt xe quá tải.

“Năm 2012 các doanh nghiệp khai thác đá đều gặp khó khăn nên họ cũng đã phải dừng hoạt động trong một thời gian khá dài. Vài tháng trở lại đây các doanh nghiệp mới hoạt động có hiệu quả trở lại, nên việc cải tạo nâng cấp đường cũng đang được tính đến” - lãnh đạo huyện cho biết.

Trong khi đó Chủ tịch xã Yên Vượng, nơi các doanh nghiệp đang ngày đêm khai thác đá cũng xác nhận thực trạng này như sau: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Hữu Lũng và các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn khắc phục tình trạng mặt đường bị băm nát và tu sửa, làm mới 3 chiếc cầu có nguy cơ đổ sập sớm. Tuy nhiên, tới thời điểm này các đơn vị trên vẫn “án binh bất động.”

quatai6-5051d

Theo bản báo cáo đếm xe trên tỉnh lộ 243 của Sở giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn thì trung bình trong vòng một tháng số lượng xe tải hạng nặng trên 30 tấn  trở lên lưu thông lên đến gần 1500 đầu xe chưa tính các loại phương tiện khác.

PV Dân trí đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở GTVT tỉnh Lang Sơn để đề nghị cung cấp thông tin về kết quả xử lý, xử phạt xe quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 và tại đường tỉnh lộ 423. Đại diện cơ quan Thanh tra cho biết, cơ quan này vẫn thực hiện việc kiểm tra kiểm soát trọng tải theo qui định và kế hoạch tại Quốc lộ 1 và các tuyến đường tỉnh lộ 242,243,244.

“Thực tế, việc xe tải chở đá và những xe quá tải lợi dụng thời điểm thanh tra và chức năng nghỉ ngơi hoặc lợi dụng sơ hở, nhiều phương tiện vận tải đã nhanh chóng “qua mặt” để vận chuyển hàng hoá lọt qua trạm cân là có thật. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng và phải trải dài trên nhiều tuyến đường nên anh em cán bộ phải thay nhau làm việc. Chúng tôi đang đề nghị tăng cường lực lượng để sớm phát hiện, xử lý theo qui định đối với các phương tiện vi phạm” - ông Vũ Văn Nhiên, Trạm trưởng trạm cân tỉnh Lạng Sơn cho biết.

(còn nữa).

Q.Cường - T.Trinh