Kỳ án gia đình mẹ liệt sĩ Trịêu Thị Mão:

Bài 20: “Thi hành đến cùng một bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”

(Dân trí) - “Một bản án không chính xác sẽ dẫn đến việc cơ quan THA không thể tiến hành THA theo đúng quy định pháp luật. Nếu chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì thực hiện đến cùng bản án sai phạm này là vi phạm pháp luật”, luật sư Phan Thị Lam Hồng phân tích.

Theo như báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, bản án dân sự phúc thẩm số 206/2012 của TAND TP Hà Nội đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng cần được xem xét lại, đặc biệt việc tùy tiện đưa ra diện tích thửa đất tranh chấp là 1.022,7m2 trong khi số liệu theo hồ sơ vụ án là 1.020m2 còn diện tích thực tế hiện nay lại chỉ còn 983.7m2 đã khiến cho việc THA không thể tiến hành theo thực tế.


Đặc biệt, theo bản án số 206/2013 thì “phần đất” mà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã tuyên cho mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão được hưởng do “công sức duy trì, tôn tạo và phát triển tài sản” đối với chính phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bà Mão trong suốt hơn nửa thập kỷ qua là 200m2 đất có “hình bậc thang” với chiều ngang thứ nhất rộng 3,32m, chiều ngang thứ hai rộng 14,72m, và chiều dài thứ nhất rộng 20,31m, chiều dài thứ hai rộng 24,4m. Nhưng theo sơ đồ mà bản án đã vẽ thì phần diện tích này lại nằm “chết” ở một góc cuối cùng của thửa đất, không có lối đi ra ngoài, khi mà ba bề bốn bên đều bị bịt kín bởi: kênh thoát nước, nhà hàng xóm và “phần đất” anh Nguyễn Văn Chung được Tòa phân chia. Hơn thế nữa, bản án còn buộc: “Anh Tạo, chị Nhung đại diện cho các thừa kế của bà Mão và chị Bình đại diện cho anh Chung tự mở lối đi trên phần đất của mình”.

Trong công văn trả lời người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Nhung (con gái cụ Triệu Thị Mão) về kiến nghị cơ quan thi hành án tạm dừng việc thi hành án, Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì (Hà Nội) nói: Việc tạm dừng thi hành án là không cần thiết và sẽ làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án.

Bài 20: “Thi hành đến cùng một bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”
Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho rằng việc tạm dừng thi hành án là không cần thiết và sẽ làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án.

Việc thi hành án sẽ tiếp tục được tổ chức thi hành khi VKSND Tối cao (Vụ 10) hoàn trả hồ sơ sau khi thực hiện kiểm sát thi hành án.

Để rộng đường dư luận về sự việc, PV Dân trí có cuộc trao đổi với luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Hồng phân tích: Theo Điều 275 Bộ luật dân sự quy định về Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề thì: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.


Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi”

Như vậy, nếu xác nhận vị trí 200m2 đã được Tòa “chia”, thì căn cứ vào sơ đồ thực tế, những người thừa kế của bà Mão đương nhiên sẽ yêu cầu phía gia đình anh Nguyễn Văn Chung hoặc nhà hàng xóm mở lối đi cho mình. Trường hợp yêu cầu này không được chấp nhận, thì lại phải khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu mở lối đi. Và người bị Tòa án tuyên buộc phải mở lối đi như đã nói trên lại sẽ bị “mất” một phần diện tích đất so với diện tích hiện nay đang được Tòa chia.

Bài 20: “Thi hành đến cùng một bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”
Phòng TNMT huyện Thanh Trì khẳng định việc cấp "sổ đỏ" cho ông Nguyễn Văn Chung có sai sót và không đúng trình tự.

Phần đất mà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã tuyên cho mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão được hưởng do 
Phần đất mà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã tuyên cho mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão được hưởng do “công sức duy trì, tôn tạo và phát triển tài sản” đối với chính phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cụ Mão trong suốt hơn nửa thập kỷ qua không có lối đi.

Căn cứ vào hiện trạng thực tế của thửa đất tranh chấp thì khi tuyên án, HĐXX buộc phải biết rõ nếu “chia đất” theo sơ đồ như thế này lại sẽ đẩy các bên đương sự tiếp tục vào một vòng kiện tụng mới gây tốn kém thời gian, tiền của và công sức của cơ quan nhà nước cũng như các bên đương sự. Đây chính là một trong những sai phạm lớn nhất của bản án số 206/2013 của TAND TP Hà Nội.

Ngày 26/11/2013, những người thừa kế của cụ Triệu Thị Mão bất ngờ nhận được Quyết định THA số 247/QĐ-CCTHA của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Trì. Bất ngờ ở chỗ đây chính là một văn bản khá kỳ lạ, khi đã căn cứ vào một bản án đã bị hủy và không có hiệu lực pháp luật - Bản án số 22/2006/DSST ngày 20/9/2006 của TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội - để ban hành Quyết định THA, bởi theo Điều 2 - Luật THA dân sự năm 2008 thì những bản án được thi hành theo Luật này là những bản án có hiệu lực pháp luật. Vậy không hiểu Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đã áp dụng theo quy định pháp luật nào mà lại đưa ra một “căn cứ” trái quy định pháp luật để ban hành Quyết định thi hành án số 247/QĐ-CCTHA?

Một điều đáng nói nữa là Quyết định THA nói trên cũng như Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án số 01/QĐ-CCTHA ngày 06/01/2014 đã “buộc anh Tạo, chị Nhung đại diện cho các thừa kế của bà Mão trả anh Chung do chị Bình là người thừa kế của anh Chung sẽ nhận 310m2 đất và toàn bộ cây cối, công trình gắn liền với đất...” Như vậy, với quyết định THA này thì việc số liệu thực tế bị thiếu hụt so với số liệu của bản án gần 40m2 đất đương nhiên anh Tạo, chị Nhung sẽ phải là người gánh chịu, còn anh Chung vẫn được Tòa án và cơ quan Thi hành án “đảm bảo” cho nhận đủ 310m2 như đã tuyên.

Chưa nói về những sai phạm nghiêm trọng trong nội dung bản án số 206/2013, chỉ nói riêng về vấn đề cố tình “ép” những người thừa kế hợp pháp của mẹ lệt sĩ Triệu Thị Mão phải gánh chịu tất cả hậu quả của những sai phạm do bản án này gây ra, cũng đủ thấy rằng Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đang cố tình tiến hành THA bằng được một bản án sai về cả nội dung lẫn hình thức. Giả sử cơ quan THA cố tình cưỡng chế THA, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm nêu trên?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: “Thi hành án đến cùng bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”
Luật sư Phan Thị Lam Hồng: “Thi hành án đến cùng bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”

Luật sư Phan Thị Lam Hồng cho biết thêm, do không đồng ý với phán quyết của Tòa án cũng như hai Quyết định THA nêu trên, căn cứ vào Điều 140 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về Quyền khiếu nại về thi hành án, những người thừa kế của cụ Mão đã liên tiếp gửi đơn khiếu nại và đơn kêu cứu đến Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì và các cơ quan chức năng, đặc biệt trong đơn có nêu rõ vấn đề diện tích đất thực tế có sự chênh lệch khá lớn so với diện tích đất trong hồ sơ vụ án cũng như trong Bản án số 206/2013.

Tuy nhiên cho đến nay gia đình vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, cũng như chưa một lần Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì xuống thửa đất tranh chấp này để đo thực trạng theo quy định tại Điều 29 Luật Khiếu nại về việc tiến hành xác minh nội dung khiếu nại, cũng chưa một tổ chức đối thoại giữa các bên đương sự theo quy định tại Điều 30 Luật Khiếu nại.

Theo Điều 179 Luật THA dân sự năm 2008 quy định về Trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án là phải “Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế”. Theo như thông tin báo Điện tử Dân trí đã đưa trong các kỳ báo trước, do những sai phạm của bản án không thuộc trường hợp giải thích bản án được quy định tại Điều 1 Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, nên thủ trưởng cơ quan THA cần “Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật” (theo điểm d, khoản 1 Điều 23 Luật thi hành án dân sự năm 2008)

Ngày 10/03/2014, đại diện cho những người thừa kế có gửi đơn đề nghị tạm dừng việc thi hành án đến Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì, để làm rõ những vấn đề liên quan việc THA như: diện tích thửa đất thực tế có sự vênh nhau so với trong hồ sơ và bản án, bản án tuyên chia đất nhưng không tuyên về lối đi khiến cho phần đất được “chia” cho mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão bị bịt kín không lối thoát ra ngoài... Đặc biệt là các đương sự hiện đang có đơn khiếu nại về 02 Quyết định THA của chính Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì và cho đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào về việc giải quyết khiếu nại.

Thế nhưng trong công văn trả lời số 80/CCTHADS ngày 19/3/2014 của Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì lại khẳng định: “việc tạm dừng THA là không cần thiết và sẽ làm ảnh hưởng đến việc tổ chức THA bởi việc THA đang trong giai đoạn đôn đốc tự nguyện THA, chưa áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA”.

Theo luật sư Hồng thì việc cố tình không giải quyết hoặc giải quyết sai quy định pháp luật mà gây hậu quả thiệt hại cho đương sự thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể theo Điều 67 Luật khiếu nại năm 2011: “Người giải quyết khiếu nại có một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.” Và theo Điều 144 Luật THA dân sự năm 2008 thì: “Bồi thường, bồi hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật”

“Tôi được biết, hồ sơ vụ án này đã được Vụ 10 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao rút lên để nghiên cứu do có đơn thư khiếu nại của các đương sự và Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì cho biết: “Việc THA sẽ tiếp tục được tổ chức thi hành khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) hoàn trả hồ sơ, bản chính sau khi thực hiện kiểm sát THA””, luật sư Phan Thị Lam Hồng nói.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Anh Thế