Án phạt nào dành cho nhóm đối tượng đánh hội đồng, lột đồ nữ sinh

(Dân trí) - Nhóm đối tượng 3 cô gái tham gia vụ việc đánh hội đồng và lột quần áo nữ sinh sẽ phải đối mặt với án phạt nghiêm khắc khi sự việc được làm sáng tỏ. Luật sư cũng bày tỏ quan điểm về giáo dục đối với thanh thiếu niên trong trường học

Như Dân trí đã đưa tin trước đó về việc Công an thị xã Sầm Sơn đã xác minh rõ những người có liên quan trong clip nữ sinh bị đánh hội đồng và bị lột quần áo giữa đường.

Nạn nhân được xác định tên là L. (15 tuổi), ở phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn. L. đang là học sinh lớp 10 của một trường THPT trên địa bàn thị xã Sầm Sơn.

Nhóm cô gái tham gia đánh nữ sinh L. gồm: Lê T.T. (16 tuổi, ở phường Trường Sơn), Lê T.Y. (16 tuổi, ở phường Bắc Sơn) và Cao T.K.X. (14 tuổi, ở phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn). Cả 3 em này đều đã bỏ học

Theo lời kể của L, sự việc bắt nguồn từ việc nhóm 3 cô gái T, Y, X cho rằng L. đã xúi giục em họ mình và một người bạn của nhóm T, Y, X đánh nhau. Vì thế, T đã đi xe đạp điện đến nhà đón L rồi đưa ra khu vực đường bãi rác để giải quyết mâu thuẫn.

Tại đây, cả 3 cô gái lao vào đấm đá, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu khiến L. bị thương tích. Chưa dừng lại, nhóm này còn cố lột quần áo của L. trước khi rời đi. Lúc này, có hai bạn trai đứng xem, không hề vào can thiệp mà còn dùng điện thoại ghi lại cảnh trên và đưa lên mạng.


3 cô gái lao vào đánh nữ sinh

3 cô gái lao vào đánh nữ sinh

Nhận định sự việc dưới góc độ pháp lý TS. Luật sư Nguyễn An, Hãng luật Cộng đồng phân tích: Cần xác định chính xác độ tuổi của nhóm 3 cô gái tham gia vào vụ việc này và giám định thương tích của em L để xác định nhóm 3 cô gái trên có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình hay không.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Theo đó, nếu T và Y đủ 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” (Điều 104 BLHS – khoản 1 điểm e và tỷ lệ thương tật dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; khoản 2 tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 30% thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm) và tội “làm nhục người khác” (Điều 121 BLHS khoản 1 thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm).

Nếu T và Y chưa đủ 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, bởi đây là tội phạm ít nghiệm trọng và người chưa đủ 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng. Đối với tội cố ý gây thương tích, tùy theo mức độ thương tật của em L để xác định có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Nếu thương tích của em L từ 61% trở lên thì đây là tội phạm rất nghiêm trọng thì T và Y bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với X, nếu chưa đủ 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về cả 2 tội. Luật sư cho biết thêm, yếu tố quan trọng quyết định hành vi của T, Y và X có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự, đối với những vụ án về tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 104 (Tội cố ý gây thương tích mà tỉ lệ thương tật không quá 30%), Điều 121 (Tội làm nhục người khác) Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Trường hợp 3 em T, Y và X không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích và tội làm nhục người khác thì hành vi đấm đá, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu và lột quần áo của L sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức xử phạt cao nhất 3 triệu đồng.

Với hành vi lột quần áo của L thì X, Y và T sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 của Nghị định:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác"

Nhận xét ở khía cạnh tâm lý luật sư An cho rằng, đây là một dạng bạo lực học đường, việc một nhóm các em gái tổ chức đánh hội đồng hay tham gia vào đánh hội đồng - chứng tỏ tâm lý a dua, hiếu chiến manh nha trong học trò từ rất sớm.

“Do áp lực cuộc sống đô thị ngày nay nhiều gia đình đã thiếu đi sự quan tâm cần thiết đến con cái và phó mặc cho nhà trường. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến những lỗi lầm của không ít thanh thiếu niên đang tuổi phát triển. Cùng đó, áp lực học nhiều từ phía chương trình của nhà trường quá dập khuôn, quá nhàm chán, ít biến đổi cộng thêm việc thiếu sự quan tâm của người lớn trong gia đình (nhưng Bố Mẹ vẫn đòi hỏi và mong muốn con có kết quả cao) là nguyên nhân chính khiến các em dễ rơi vào trạng thái tâm lý đè nén, ức chế và dễ bùng phát thành bạo lực.

Trước tình trạng này nên chăng các thầy cô ở trường học hãy tổ chức nhiều hơn các buổi học ngoại khóa, sinh hoạt tập thể giúp các em chia sẻ kiến thức của xã hội đồng thời gắn kết hiểu nhau hơn, sống nhân văn với nhau hơn”- Luật sư An chia sẻ.

Thanh Trầm (ghi)