Ai muốn tôn vinh tiến sỹ kiểu ấy?

Mặc dù Diễn đàn Dân trí và những báo khác đã đăng nhiều bài đóng góp ý kiến xung quanh câu chuyện muốn dựng bia tôn vinh các tiến sĩ thời hiện đại, nhưng tôi vẫn muốn nói thêm đôi điều cho rõ hơn.

1/ Tiến sỹ - anh là ai?

Tiến sỹ thời nay (tạm gọi là được đào tạo từ chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến nay) là sản phẩm được đào tạo từ nhiều nguồn với những chuẩn mực khác nhau, vì vậy chất lượng rất khác nhau. Lấy một quy chuẩn chất lượng đào tạo nào để đối chiếu đánh giá đều không ổn.

Thí dụ một tiến sỹ khoa học đào tạo tại các nước tư bản biết đâu sẽ không đạt yêu cầu chất lượng chính trị, không “Hồng” theo tiêu chuẩn Việt Nam. Một Phó tiến sỹ đào tạo ở Liên Xô hay Đông Âu (trước đây) biết đâu sẽ không đạt yêu cầu tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp)!

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Gần đây khi Việt Nam tự đào tạo tiến sỹ thì số lượng tăng lên ào ạt. Đúng là ai có đủ kiên trì làm tiến sỹ thì đến 99% là sẽ qua nếu anh không bỏ cuộc, kể cả những người có mức thông minh sáng tạo dưới trung bình.

Tại sao vậy? Có người cho rằng tại Phó tiến sỹ (ngày xưa) đang là “thày” dạy Tiến sỹ ngày nay! Chúng ta cần thạc sỹ, tiến sỹ để làm những công việc nghiên cứu, giảng dạy (đại học, cao đẳng); nếu chỉ là kỹ sư, cử nhân thì trình độ chưa tương xứng với nhiệm vụ! Những thạc sĩ, tiến sĩ còn là nguồn để cất nhắc, đề bạt, hoặc để “tiêu chuẩn hóa”, để tạo “thế” cho những quan chức đã được đề bạt. Mặt khác, các cơ sở đào tạo cũng cần tăng số lượng tiến sỹ vì đấy là điều kiện cần thiết để nhận đề tài nghiên cúu, để tăng số lượng sinh viên, để được đào tạo thạc sỹ (nhất là ở các trường Đại học mở, đại học các tỉnh).

Các đơn vị nghiên cứu khoa học cũng cần tăng số lượng tiến sỹ, coi đó là lợi thế để cạnh tranh đấu thầu các đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách. Vì vậy, nhu cầu đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ rất lớn, thậm chí cần phổ cập thạc sỹ và tiến tới phổ cập tiến sỹ trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học, mà đã phổ cập thì đâu cần phải thi thố chọn lựa nhân tài cho đầu vào? Các cơ quan thiếu người để cử đi học, ép người ta đi học, đây là chỉ tiêu thi đua! Các cơ sở đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ thời nay cũng cạnh tranh nhau dữ lắm. Mình khó thì thí sinh chuyển sang cơ sở đào tạo khác dễ hơn. Cơ sở mình càng có đông thí sinh đào tạo thì thương hiệu càng cao, thày càng có cơ hội để hướng dẫn thí sinh, một trong các tiêu chuẩn lấy chức danh Phó giáo sư, Giáo sư.

Ngày nay thí sinh trở thành “thượng đế”! Các cơ sở đào tạo chỉ mong có thí sinh nạp đơn xin vào học, việc tuyển chọn đầu vào chỉ còn là hình thức. Mai ngày có ai viết luận văn tốt nghiệp không được thì có thày hướng dẫn giúp đỡ. Nghiên cứu sinh nào chậm bảo vệ luận văn hoặc bảo vệ không đạt thì thày hướng dẫn bị áp lực rất lớn từ nhiều phía, nào là gây khó dễ, nào là không giúp đỡ học viên nhiệt tình, làm ảnh hưởng đến uy tín cơ sở đào tạo. Các thày thì cũng chẳng muốn phiền toái đến mình, mình khó thì có người khác dễ, đằng nào thí sinh chẳng qua, khó khăn làm gì cho mang tiếng!

Thế là đến kì hạn thí sinh nạp bài, chưa đạt thì Hội đồng góp ý, thày trò cùng sửa. Sửa 1 lần chưa xong thì sửa lần 2, chưa xong thì lần 3. Có khi sửa riết thành ra luận văn của Hội đồng, của “thày”, vì thày viết nhiều hơn “trò” theo góp ý của Hội đồng.

Những tiến sỹ như vậy chắc là chất lượng có vấn đề rồi. Nhưng bản thân họ thì không nhận thấy điều đó, vì chúng ta đang thiếu chuẩn mực và cách đánh giá theo chuẩn mực. Trong số tiến sỹ đào tạo trong nước khoảng gần 20 năm trở lại đây, không phủ nhận có những vị trở thành giáo sư, tiến sỹ rất giỏi, được bạn bè thế giởi nể phục, những người như vậy không nhiều. Chất lượng chung của tiến sỹ gần đây đúng là có giảm, tuy vậy không phải lỗi tại thí sinh,không phải lỗi tại thày hướng dẫn, lỗi tại quan niệm của chúng ta, lỗi do quản lí của hệ thống đào tạo; lỗi còn do tổ chức thích cất nhắc, đề bạt những người có bằng cấp “cao” !  

2/ Ai muốn tôn vinh tiến sỹ kiểu này?

Trí thức Việt Nam từ xưa đến nay nhiều người không có bằng cấp, học vị cao nhưng cống hiến của họ cho xã hội, cho nền văn hiến nước nhà vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta. Những người thực sự là “hiền tài” của đất nước, từ trước đến nay, dù không được khắc lên bia đá, nhưng họ được khắc vào trái tim, tình cảm của các thế hệ người Việt Nam.

Ai có “sáng kiến” đề xuất dự án “Bảo tồn tiến sỹ thời hiện đại”, nghĩ thấy rợn rợn thế nào ấy. Những tiến sỹ đúng nghĩa, những tiến sỹ có lòng tự trọng hẳn không ai muốn mình được tôn vinh theo kiểu như vậy. Họ chỉ mong được sống yên ổn một cách khiêm nhường. Gần đây người ta nói nhiều đến chuyện Phó tiến sỹ sau khi ngủ một đêm bỗng hoá thành tiến sỹ, tiến sỹ hữu nghị, tiến sỹ giấy, tiến sỹ mua, tiến sỹ coppy (luận án người khác)… những “danh hiệu” ấy quá đủ cho những ai có lòng tự trọng. Họ đâu cần ai phải tôn vinh họ dưới kiểu này, kiểu khác. Người không phải tiến sỹ chắc là không có “sáng kiến” này rồi! Người đề xuất dự án này họ có đại diện cho nguyện vọng của các tiến sỹ chân chính không?

Tôi biết một số nhà khoa học là Giáo sư, tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài về, nhưng không muốn nhắc đến danh hiệu hoặc học vị, học hàm này nọ. Có vị được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ mà cũng không muốn treo lên chỗ trang trọng cho người khác nhìn thấy; chỉ treo nơi phòng ngủ để mình nhìn ngắm ôn lại những kỷ niệm trong đời làm khoa học. Muốn biết họ là ai, mời mọi người lên mạng đọc những công trình khoa học của họ, những quan điểm và đóng góp của họ vào việc giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội đã được trích dẫn trên các mặt báo. Họ có đáng được tôn vinh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhân cách và tài năng của họ dựa trên những cống hiến của họ cho sự phát triển đất nước chúng ta. Chắc hẳn họ không muốn ai lợi dụng họ để trục lợi ăn theo.  

Lạc Sơn
TPHCM, Ngày 1-11-2008  

LTS Dân trí - Chớ nên vội suy diễn có những người muốn “trục lợi ăn theo” dự án này, mà nên nghĩ đó là thiện chí muốn đóng góp vào việc tôn vinh những người đạt được học vị tiến sĩ một cách xứng đáng và bắt chước theo kiểu ông cha xưa kia đã từng làm.

Nhưng tiếc rằng mỗi thời mỗi khác, danh vị tiến sĩ khi xưa rất khác với học vị tiễn sĩ thời nay. Ngay tiến sĩ thời nay với nhau cũng rất khác nhau, cho nên tác giả bài viết trên đây đã phải làm công việc “nhận diện” tiến sĩ (-Anh là ai?) và có những phân tích dí dỏm, phản ảnh đúng tình hình thực tế.

Làm một công việc mà người ngoài cuộc thì chê bai, đàm tiếu; người trong cuộc cũng không thích thú gì, họa chăng chỉ có những kẻ cơ hội thuộc loại Tiến sĩ mua, mưu cầu chức vụ và danh lợi mới thấy thích thú và tán thưởng.

Thử hỏi một công việc như vậy thỉ có đáng đầu tư sức lực và tiền của vào công việc đó không?!