Bạn đọc viết:

6 lý do bất cập khi quy định sở hữu chung cư có thời hạn

(Dân trí) - Nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn được ban hành thì người dân sẽ chuyển sang đầu tư đất nền làm cho giá đất nay đã cao sẽ càng cao hơn, quỹ đất sẽ ngày càng hiếm và càng khó thay đổi quy hoạch khi cần thiết.

6 lý do bất cập khi quy định sở hữu chung cư có thời hạn  - 1
Một góc khu đô thị Nam Trung Yên, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Trong những ngày trước và sau Tết nguyên đán 2011, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin nhiều về việc Bộ xây dựng đang dự thảo luật sở hữu chung cư có thời hạn. Qua xem xét các bài phân tích, bình luận của các tác giả tôi thấy có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, các ý kiến đó đều phân tích theo một số khía cạnh của vấn đề để đưa ra quan điểm riêng là nên hay không nên quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Không hiểu những khía cạnh mà các tác giả đưa ra đã phù hợp với cách nghĩa của các nhà hoạch định chính sách khi đề xuất chủ trương này hay chưa?

Tôi không phải là một chuyên gia về lĩnh vực này, với tư cách là một công dân, một người lao động, xin nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề có tính thời sự này.

Theo tôi, chủ trương quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn là không hợp lý vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, việc sử dụng nhà chung cư là xu thế của xã hội phát triển, thể hiện sự văn minh của xã hội. Chúng ta cần phải khuyến khích người dân sử dụng nhà chung cư, có như vậy mới có cơ hội để xây dựng các đô thị văn minh, hiện đại.

Thứ hai, hiện nay, các đô thị lớn của nước ta đang rất thiếu quỹ đất cho các công trình công cộng, hạ tầng giao thông. Nhiều con đường thường xuyên bị tắc nghẽn nhưng không thể giải phóng mặt bằng để mở rộng được. Nhiều khu vực dân cư, các công trình công cộng: Nhà văn hóa, trường học, bệnh viện… còn rất chật hẹp. Khi nhà nước muốn thu hồi đất để làm các công trình công cộng hoặc thay đổi quy hoạch thì giá đền bù là rất cao nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân nào dẫn đến điều đó, đó chính là do đất đã trở thành tài sản riêng của dân. Theo tôi được biết, ở nhiều nước, đất là tài sản Quốc gia, không bán cho dân mà chỉ cấp cho dân làm nhà, sử dụng sinh sống nên khi cần thu lại để làm công trình công cộng hoặc quy hoạch vào việc khác, nhà nước chỉ phải đền bù tài sản trên đất. Nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn được ban hành thì người dân sẽ chuyển sang đầu tư đất nền làm cho giá đất nay đã cao sẽ càng cao hơn, quỹ đất sẽ ngày càng hiếm và càng khó thay đổi quy hoạch khi cần thiết.

Thứ ba, một số ý kiến cho rằng, hiện nay giá chung cư quá cao, không đúng với giá trị thực. Vì vậy, việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn là để giảm giá chung cư. Tôi nghĩ rằng điều này không có lý và không cần thiết vì nếu so sánh giá 1 căn hộ chung cư 160m2 khoảng 5,6 tỷ (35triệu/m2) với một căn nhà đất có diện tích sử dụng 160m2 (tương đương 4 tầng, trên diện tích 60m2 đất) ở cùng khu đô thị có giá bình quân khoảng 7-10 tỷ thì giá nhà đất còn cao hơn nhiều, trong khi chất lượng xây dựng của nhà đất chưa hẳn đã tốt bằng chất lượng nhà chung cư. Tại sao không nghĩ đến việc giảm giá nhà đất trước?

Thứ tư, một số ý kiến khác lại cho rằng, chủ trương này là để chống đầu cơ chung cư. Thực tế cho thấy, hầu hết các căn hộ chung cư sau khi hoàn thành đều được đưa vào sử dụng. Ngược lại, rất nhiều nhà liền kề, biệt thự ở các khu đô thị đang ở tình trạng đã có chủ nhưng chưa hoàn thiện hoặc chưa sử dụng gây lảng phí rất lớn.

Điều này cho thấy, hầu như người mua chung cư là có nhu cầu sử dụng thật sự, còn nhà đất đang được những người có tiền đầu cơ rất lớn. Còn việc chuyển nhượng để lấy lãi là tất yếu, cũng như kinh doanh các mặt hàng khác vì họ phải bỏ vốn đầu tư.

Thứ năm, về các ý kiến cho rằng, việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn sẽ thuận lợi cho việc nâng cấp, sữa chữa sau này cũng không hợp lý. Khi tài sản đã là của riêng, người dân sẽ có ý thức gìn giữ hơn. Còn khi nó đã quá xuống cấp, cần xây lại, người dân sẽ tổ chức, tính toán, thuê xây dựng, chắc vẫn rẻ hơn mua chung cư khác vì lúc đó nó sẽ đúng giá trị thực. Tuy nhiên, việc đó còn quá xa vì chung cư có thể sử dụng hàng trăm năm.

Cuối cùng, điều bất cập nữa, nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn được ban hành, thử hỏi 1 người dân đã mua 1 căn hộ chung cư 160m2 với giá 5,6 tỷ đồng  như đã nói ở trên (chưa tính các khoản đầu tư khác) mà chỉ được sở hữu khoảng 50 năm thì mỗi năm mất 112 triệu đồng tiền “Thuê nhà” (chưa tính lãi suất gửi ngân hàng của số tiền đó là rất lớn) để sau đó “bơ vơ không nhà” liệu có hợp lý không.

Còn về ý kiến, chủ trương sở hữu chung cư có thời hạn là để đưa chung cư đến với người lao động, điều này đã nói lên rằng những người mua nhà chung cư hầu hết là những người lao động, có thu nhập trung bình hoặc thấp, họ cần phải được ổn định lâu dài. Như vậy, chủ trương sở hữu chung cư có thời hạn khác nào làm khó người lao động.

Tóm lại, theo tôi đất là tài sản Quốc gia, thứ nhà nước cần phải trực tiếp quản lý để chủ động sử dụng nó thì cho dân sở hữu vĩnh viễn, trong khi chung cư chủ yếu là tài sản trên đất, của dân bỏ tiền mua thì nhà nước lại quy định thời hạn được quyền sở hữu là không hợp lý. Nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn thì trước hết nên quy định đất ở là sở hữu Nhà nước, cho dân thuê làm nhà mới là hợp lý.

Hơn nữa, biết đâu, khi có chủ trương rà soát lại các biệt thự, nhà “bỏ hoang” thì đề xuất này là một cơ hội để các nhà đầu cơ nhà đất bán số hàng đó?

Hiện nay, chủ trương sở hữu chung cư có thời hạn chưa thành hiện thực nhưng giá nhà đất đã có dấu hiệu tăng. Vì vậy, theo tôi Bộ xây dựng nên có kết luận chính thức để tránh làm ảnh hưởng thị trường bất động sản, và hoang mang cho những người đang sở hữu chung cư.

Huyền Trinh