1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Về Nam Ô xem nghề làm nước mắm truyền thống

(Dân trí) - Làng nghề nước mắm Nam Ô là một trong số ít những làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước. Nghề mắm nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mục sở thị nghề làm nước mắm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nằm dưới chân đèo Hải Vân, là một làng chài có nghề truyền thống làm nước mắm từ thế kỷ XIX.

Nước mắm ở đây được làm bằng phương pháp thủ công từ nguyên liệu cá cơm than, có độ đạm cao, mùi vị đặc trưng hấp dẫn, màu vàng sóng sánh.

Về Nam Ô xem nghề làm nước mắm truyền thống - 1

Điểm đặc trưng, tạo nên thương hiệu của nước mắm Nam Ô nằm ở công thức chế biến hoàn toàn bằng thủ công

Dẫn chúng tôi đến với làng nước mắm Nam Ô là ông Trần Ngọc Vinh (70 tuổi) – Chủ tịch Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô.

Về Nam Ô xem nghề làm nước mắm truyền thống - 2

Cá được ủ chín trong thời gian 12 tháng

Ông Vinh cho biết, làng nước mắm Nam Ô có từ hàng trăm năm trước, nhưng trước đây người dân chỉ muối mắm ăn trong nhà và trao đổi hàng hóa cho những người ở xa. Cứ chồng đi đánh cá về bán không hết thì vợ đem muối. Thời đấy, nhờ có mắm mà cuộc sống của người dân Nam Ô mới được no đủ.

Nhưng sau đó, người dân Nam Ô bị cuốn vào phong trào làm pháo cho thu nhập cao hơn, nước mắm Nam Ô dần dần bị quên lãng bởi không ai muốn sản xuất nữa.

Về Nam Ô xem nghề làm nước mắm truyền thống - 3

Nước mắm Nam Ô có màu vàng sóng sánh

Mãi đến khi nhà nước cấm sản xuất pháo, làng nước mắm Nam Ô mới rục rịch quay trở lại nhưng bị mai một đi ít nhiều.

Năm 2004, làng nghề nước mắm Nam Ô mới chính thức được khôi phục trở lại. Hiện nay sản phẩm của làng nước mắm Nam Ô được sự quản lý và hỗ trợ của UBND quận Liên Chiểu và phòng kinh tế quận.

Điểm đặc trưng, tạo nên thương hiệu của nước mắm Nam Ô nằm ở công thức chế biến hoàn toàn bằng thủ công, ủ đúng 365 ngày mới chắt lấy nước.

Nước mắm được làm từ cá cơm than đánh bắt vào hai vụ: luồng cá Nam (từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch) và luồng cá Bắc (từ tháng 6 – tháng 8 âm lịch).

Về Nam Ô xem nghề làm nước mắm truyền thống - 4

Mùi vị đặc trưng hấp dẫn

“Vụ cá Nam thời tiết không có mưa, nước biển mặn hơn nên bỏ ít muối. Vụ cá Bắc mưa nhiều nên nước biển nhạt hơn, bỏ nhiều muối”, ông Vinh giải thích.

Về Nam Ô xem nghề làm nước mắm truyền thống - 5

Nghề làm nước mắm Nam Ô vừa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo ông Vinh, làng nghề nước mắm Nam Ô hiện có 55 hộ gia đình gắn bó với nghề mắm, chưa kể có 4 hợp tác xã. Ước tính, nghề tạo việc làm bền vững cho khoảng vài trăm lao động địa phương.

Bình quân, mỗi tháng mỗi hộ gia đình cho thu nhập 3 - 5 triệu đồng từ nghề làm nước mắm. Công việc làm nghề nước mắm tập trung vào 2 vụ nhưng người dân nơi đây làm gối đầu nên nước mắm có bán quanh năm.

Những lúc rảnh rổi, bà con còn tranh thủ làm những công việc khác kiếm thêm thu nhập. Bởi vậy, nguồn thu của người dân cũng có phần ổn định vì không phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nước mắm.

Mỗi năm làng nghề muối khoảng 200 tấn cá cho ra thành phẩm 100.000 lít nước mắm phân phối các thị trường: siêu thị, chợ… trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Ngoài sản phẩm nước mắm, làng nghề Nam Ô còn sản xuất các loại mắm như: mắm ruốc, mắm cái nguyên con và mắm nêm bằng nguyên liệu ruốc, cá tươi từ biển Nam Ô. 

Làm nghề nước mắm ở đây phần lớn là những người lớn tuổi. Tuy nhiên, nhiều gia đình cũng đã truyền nghề qua cho con cháu để nghề không bị mai một. 

“Nghề làm nước mắm của làng ngày càng có nhiều người tham gia. Không chỉ những cụ già mà những người trẻ, những trí thức cũng tham gia làm nước mắm. Đó là điều rất đáng mừng để làng nghề nước nắm Nam Ô có thể phát triển bền vững và lâu dài”, ông Vinh phấn khởi.

Khánh Hồng