1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vào CPTTP: Việc làm tăng, nguy cơ đào thải nhiều

(Dân trí) - Nhận định của các chuyên gia từ Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ VN, người lao động có nhiều cơ hội việc làm cũng như nguy cơ bị đào thải không nhỏ khi Việt Nam tham gia đầy đủ vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Chình vì vậy, việc điều chỉnh để phù hợp với những thách thức mới là điều rất cần quan tâm.

Trao đổi với báo giới hôm 26/11, tại Hà Nội, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), người lao động VN sẽ có nhiều lợi thế khi Việt nam tham gia đầy đủ vào CPTTP.

Nguồn việc làm gia tăng

Ông Lê Đình Quảng phân tích thêm:“Hàng hoá nhiều hơn, VN tham gia chuỗi cung ứng thế giới nên nguồn việc làm cũng nhiều hơn. Chất lượng việc làm cũng tăng lên do người lao động làm việc ở doanh nghiệp có tiêu chuẩn lao động quốc tế”.

Ngoài ra, người lao động có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ, kỹ năng và phương thức quản lý, ý thức làm việc công nghiệp. Đây là cơ hội tốt giúp người lao động có cơ hội phát triển và trở thành người công nhân trong môi trường làm việc hiện đại.

Ông Lê Đình Quảng nhận định, điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động có thu nhập cao hơn: “Việc tham gia CPTPP đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn lao động, trong đó có các quy định về điều kiện làm việc, sự minh bạch về tiền lương. Như vậy người lao động sẽ có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn”.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) nói về những thách thức và cơ hội việc làm của người lao động khi tham gia CPTTP.

Tuy nhiên, vị chuyên gia của Tổng LĐLĐ VN cũng thẳng thắn đánh giá nhiều thách thức đối với người lao động.

“Việt Nam có thế cạnh tranh chưa cao so với 10 thành viên của CPTTP. Khả năng cạnh tranh về vốn và công nghệ còn nhỏ bé và lạc hậu. Do đó, khả năng người lao động mất việc làm do tình trạng doanh nghiệp còn khó khăn rất dễ xảy ra" - ông Lê Đình Quảng nói.

Ngoài ra, chưa kể tới kỹ năng và ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động chưa phải đã đáp ứng với hội nhập quốc tế.

“Do đó, nếu chúng ta không chủ động nâng cao thì khó tránh khỏi nguy cơ bị đào thải trong cuộc chơi toàn cầu hoá hiện nay. Đây là thách thức đối với người lao động và cơ quan chức năng, trong đó có Tổng LĐLĐ VN” - ông Lê Đình Quảng nói.

Thách thức không nhỏ

Trước đó, trao đổi với báo giới tại Hà Nội, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, người lao động sẽ có nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia đầy đủ vào Hiệp định CPTTP.

Ông Đào Quang Vinh cho biết thêm: “Những thách thức lớn đặt ra khi gia nhập các hiệp định quốc tế chủ yếu xuất phát từ doanh nghiệp và người lao động”.

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định về thách thức của người lao động khi tham gia CPTTP.

Viện trưởng Viện KHLĐXH phân tích: “Doanh nghiệp và người lao động có sẵn sàng tâm thế hội nhập hay không? Người lao động và doanh nghiệp cũng đang chịu tác động của cuộc cách mạng lần thứ 4. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh, tăng năng suất lao động…”

Theo ông Đào Quang Vinh, một nghịch lý là những doanh nghiệp có lợi thế khi tham gia Hiệp CPTTP lại đang sử dụng nhiều lao động với giá rẻ, trình độ thấp, cụ thể: Thuỷ hải sản, thực phẩm, lắp ráp điện tử…Trong khi đó, các doanh nghiệp này đang có xu hướng áp dụng công nghệ để cắt giảm lao động.

Điều này Việt Nam phải có chiến lược đào tạo cho lao động trong thời gian tới đây.

Ngoài ra, ông Đào Quang Vinh lưu ý, các doanh nghiệp cần phải tăng cường việc tuân thủ pháp luật lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hoà: “Bởi hiện nay, các tranh chấp về lao động trong doanh nghiệp dễ tạo nên các cuộc đình công và ngừng việc tập thể vì liên quan tới tiền lương, đóng BHXH, cam kết trong Luật Lao động, làm thêm giờ…”.

Điều chỉnh thích hợp khi tham gia CPTTP

Theo ông Đào Quang Vinh: Chính phủ và các cơ quan chức năng về lao động đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm đón chờ việc hội nhập này, thông qua những nghiên cứu gần đây.

“Đầu tiên là công tác giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến nhất định, như: Tăng tính tự chủ, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động và doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp…” - ông Đào Quang Vinh nhận xét.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng có những chính sách thay đổi tích cực như xây dựng chính sách giữ chân người lao động, đào tạo lại người lao động tại doanh nghiệp, hệ thống thông tin việc làm và gắn kế hoạch sử dụng lao động với đào tạo, tuyển dụng và sử dụng công nghệ…Tất cả những điều này làm giảm sức ép và xáo trộn trong sử dụng lao động.

Hoàng Mạnh