Ứng biến với lương tăng

DN đứng trước áp lực kinh doanh ngày càng khó khăn thì đội ngũ quản lý phải tính đến bài toán an toàn và hiệu quả thu về. Như hiện nay, nếu duy trì đội ngũ lao động cả nghìn công nhân, DN sẽ rất khó khăn do phải cõng trên lưng hơn tỷ đồng tiền bảo hiểm, chế độ, phụ cấp…

Lo nhất vẫn là DN dệt may với số lượng lao động luôn đông đảo
Lo nhất vẫn là DN dệt may với số lượng lao động luôn đông đảo

Nguy cơ sa thải hàng loạt lao động

Tuần rồi, HĐQT Công ty Sản xuất Thương mại Tân Quang Minh (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh) phải nhóm họp khẩn cấp để bàn chuyện tinh giản bộ máy nhân sự. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc công ty cho hay, cuộc họp nhằm tìm giải pháp ứng phó với khả năng chính sách tăng lương tối thiểu sẽ được áp dụng trong năm tới.

Thông tin trong những ngày trước đó cho biết, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất chọn phương án cuối cùng về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 từ 300.000 - 400.000 đồng (tương đương tăng khoảng 15% so với năm 2014) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện tại, Tân Quang Minh đang có hơn 230 lao động hưởng thu nhập dựa trên mức lương tối thiểu vùng mà Nhà nước quy định. Trên thực tế, mức lương trung bình mà DN trả cho người lao động là trên 4 triệu đồng/người/tháng nên việc tăng mức lương tối thiểu như trên chưa đến mức làm thay đổi nhiều về chi phí tiền lương.

Nhưng điều khiến DN đau đầu hơn cả chính là những chi phí tăng theo mức lương cơ bản nếu được điều chỉnh tăng lên, như tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tiền làm ngoài giờ… Các chi phí này có thể đội lên rất nhiều. Tính toán sơ bộ, Tân Quang Minh có thể sẽ phải chi thêm vài trăm triệu đồng/tháng cho các chi phí nói trên, cộng dồn vào là hàng tỷ đồng/năm.

Đây là khoản chi phí rất đáng kể trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế giảm, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, thị phần của DN bị thu hẹp và lợi nhuận không còn nhiều như trước.

Tương tự, CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn - DN chuyên về lĩnh vực chế biến thủy hải sản xuất khẩu - cũng đang tính đến kế hoạch có thể sẽ phải cắt giảm khoảng 200 - 300 công nhân, nếu mức lương được “chốt” tăng như đề xuất của Hội đồng tiền lương.

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc công ty cho rằng, là một DN đứng trước áp lực kinh doanh ngày càng khó khăn thì đội ngũ quản lý phải tính đến bài toán an toàn và hiệu quả thu về. Như hiện nay, nếu duy trì đội ngũ lao động cả nghìn công nhân, DN sẽ rất khó khăn do phải cõng trên lưng hơn tỷ đồng tiền bảo hiểm, chế độ, phụ cấp…

Song đó mới chỉ là cái khó trước mắt, còn về lâu dài thì thị phần, lợi nhuận hàng hóa của DN xuất khẩu sang Nhật Bản còn có nguy cơ cũng bị sụt giảm theo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh do không đảm bảo được số lượng và chất lượng đơn hàng. Chính vì vậy, HĐQT công ty đang suy tính “nát nước” để làm sao vừa có thể duy trì được đội ngũ nhân sự, nhưng vừa không quá áp lực với chỉ tiêu kinh doanh đặt ra.

Việc nhanh chóng tìm ra giải pháp duy trì ổn định bộ máy hoạt động của DN, ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn không chỉ là gánh nặng riêng đối với một vài công ty kể trên. Rất nhiều DN hoạt động sản xuất tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói chung và DN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp nói chung, đặc biệt là những DN có đặc thù phải sử dụng nhiều nhân công như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản… đều cho biết sẽ rất áp lực nếu việc tăng lương được thông qua.

Lợi ích chưa rõ ràng

Việc tăng mức lương tối thiểu vùng nằm trong lộ trình dự kiến và được Hội đồng tiền lương tính toán, cân đối. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mức đề xuất tăng lương tối thiểu được tính toán kỹ lưỡng và hài hòa trong bối cảnh hiện tại.

Việc tăng các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động vì thực tế có nhiều DN thường ký tiền lương trong hợp đồng lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu không đáng kể và trích đóng các khoản trên ít hơn nhiều so với phần phải đóng theo thực tế thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên, đề cập đến chuyện tăng lương trong bối cảnh hiện nay không chỉ khiến các DN phải chịu sức ép mà ngay bản thân người lao động cũng tỏ ra hết sức băn khoăn. Chị Nguyễn Thị Hà - công nhân may tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 - cho biết, khi nghe nói chuẩn bị được tăng lương, người lao động mừng thì ít mà lo thì nhiều. Bởi sợ nhất là lương chưa tăng mà giá cả đã tăng chóng mặt.

Hơn nữa, bản chất tiền BHXH, BHYT… hàng tháng mà DN đóng vào ngân sách cũng được trích một phần từ chính tiền lương của người lao động mà ra. Nhiều DN do áp lực không chi trả được lại sa thải nhân công khiến người lao động mất việc làm. Thậm chí, một số DN còn dùng đến chiêu “lách luật” ký hợp đồng thời vụ, vài tháng lại cho công nhân nghỉ một lần, thậm chí trốn đóng BHXH, cắt giảm bớt các khoản ăn theo lương… Suy cho cùng vẫn là người lao động “lãnh đủ”.

Số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn là trên 5,2 triệu người, với số thu lũy kế từ đầu năm gần 15.000 tỷ đồng, song số nợ đọng cũng lên đến gần 2.258 tỷ đồng. Một số ý kiến cho rằng, kể cả việc tăng lương chưa thể kéo theo hệ lụy sa thải công nhân hàng loạt, tuy nhiên tăng vào thời điểm nào cũng nên được cân nhắc, tính toán đến.

Bởi trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN đang ở trong giai đoạn khó khăn, phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí, xoay xở để tìm cách tồn tại. Vì vậy, việc trốn đóng bảo hiểm luôn là vấn đề được “lựa chọn”, nhất là do chế tài xử phạt các DN nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động chưa đủ sức răn đe. Phần lớn DN lại không thể nhận phần thua thiệt về mình và như vậy, suy cho cùng khi DN không hoàn thành đúng nghĩa vụ thì người lao động đương nhiên sẽ là đối tượng phải gánh chịu thua thiệt nhiều hơn cả.

Thanh Tuyết/báo Thời báo Ngân hàng