1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tuyển dụng thủ khoa: “Thảm đỏ” không còn hấp dẫn

Mỗi năm, Hà Nội có hàng trăm thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện, và như thông lệ, thành phố sẽ tổ chức lễ tuyên dương các thủ khoa này. Nhưng thực tế, rất ít thủ khoa sau khi tốt nghiệp có nguyện vọng làm việc với Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Phong - Phó ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội - thừa nhận, trong 10 thủ khoa thì chỉ có chưa đến 1 em có nguyện vọng đi làm ngay.

Những gương mặt “thủ khoa kép” xuất sắc được tuyên dương vào ngày 23.8 tới đây. Ảnh: B.T
Những gương mặt “thủ khoa kép” xuất sắc được tuyên dương vào ngày 23.8 tới đây. Ảnh: B.T

Nhiều chính sách ưu đãi

Vào ngày 23.8 tới, lễ tuyên dương 98 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là năm thứ 13 liên tiếp, TP.Hà Nội tổ chức tuyên dương và đã có 1.335 thủ khoa được vinh danh.

“Thủ khoa đầu vào đã khó, nhưng để được thủ khoa tốt nghiệp thì đòi hỏi cả quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của các em. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao và thành phố sẵn sàng đón nhận” - ông Phong khẳng định.

Cũng theo ông Phong, để thu hút nguồn nhân lực này, thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi như: Các thủ khoa được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau 2 năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được thành phố hỗ trợ kinh phí.

Mặc dù vậy, việc sắp xếp công việc phù hợp với chuyên ngành của các thủ khoa cũng là vấn đề cần được cân nhắc. “Nhiều ý kiến cho rằng, thủ khoa cũng trượt trong các kỳ thi tuyển công chức của thành phố là một điều phi lý. Nhưng chúng ta cần phải hiểu, đó là những trường hợp có nhiều thủ khoa cùng đăng ký vào một vị trí, nên phải có người bị loại.

Đây là thủ khoa đấu với thủ khoa, chứ không phải đấu với người thường” - ông Phong giải thích cho những lùm xùm xung quanh vấn đề tuyển dụng công chức trong thời gian qua.

Khó giữ chân

“Trong những năm qua, cứ 10 em thủ khoa thì có đến 7 em giành được học bổng để du học, còn lại 3 em thì chỉ có chưa đến 1 em có nguyện vọng đi làm ngay” - ông Phong nêu lên thực tế.

Mặc thù thành phố đã đưa các thủ khoa xuất sắc vào đối tượng được ưu tiên tuyển dụng, nhưng số tuyển được không nhiều. Qua một số khảo sát, chỉ có khoảng 10% số thủ khoa tốt nghiệp có nguyện vọng đi làm ngay, trong số này, chỉ có một vài trường hợp muốn làm việc với Hà Nội, còn lại muốn vào các cơ quan trung ương.

Đồng tình với thực tế này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội - cho rằng: “Chúng tôi vừa có một khảo sát nhanh, năm nay, với 98 thủ khoa thì có đến ½ có nguyện vọng tiếp tục học tập, trong số này có đến 2/3 sẽ đi du học nước ngoài.

Thành phố cũng như cơ quan Thành đoàn rất muốn tuyển dụng nhưng thực sự rất khó, vì phần lớn những em không đi du học thì cũng được trường giữ lại làm giảng viên”.

Tuy vậy, không phải thủ khoa nào khi ra trường cũng đáp ứng được công việc. Sau nhiều năm được tuyển dụng, có một số sinh viên làm việc rất tốt, phát triển được năng lực và được cân nhắc vào các vị trí quan trọng khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng cũng không ít trường hợp không đáp ứng được yêu cầu công việc và tự tìm một hướng đi khác ở các công ty tư nhân”.

Mặc dù, số thủ khoa ở lại với Hà Nội rất ít so với con số tốt nghiệp hằng năm, nhưng “việc các em ra nước ngoài học tập hoặc ở lại làm giảng viên cũng là một cách cống hiến cho đất nước, khi các em tiếp cận các tinh hoa của nhân loại và truyền đạt lại cho các thế hệ tương lai” - ông Phong chia sẻ.

Theo Báo Lao động