1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Từ 1/6: Cơ quan BHXH được thanh tra 3 nội dung trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội. Quy định trên nhằm giảm tình trạng nhức nhối về trốn đóng, nợ đóng BHXH thời gian qua.


Cuối năm 2015, số nợ BHXH của khối doanh nghiệp là 5.300 tỉ đồng.

Cuối năm 2015, số nợ BHXH của khối doanh nghiệp là 5.300 tỉ đồng.

Nghị định 21/2016/NĐ-CP nêu rõ, chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội tập trung vào 3 nội dung: Đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng.

Về đối tượng, Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định công tác thanh tra hướng tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng tại VN có liên quan tới hoạt động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN).

Về thẩm quyền, Nghị định quy định có 2 cấp được thực hiện thanh tra chuyên ngành, gồm: BHXH VN và cơ quan BHXH cấp tỉnh.

Ở phạm vi BHXH VN, Tổng giám đốc BHXH VN có quyền thành lập đoàn thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN hoặc được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN giao.

Điểm đáng lưu ý là Nghị định 21/2016/NĐ-CP không bao gồm các đối tượng liên quan tới hoạt động đóng BHXH, BHYT, BHTN thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng.

Tổng giám đốc BHXH VN có quyền đình chỉ hoặc hủy bỏ các quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Trong phạm vi cơ quan BHXH cấp tỉnh, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có quyền thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN hoặc được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN giao.

Cơ quan BHXH cấp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kết luật hoặc xử lý sau thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BHTN trong phạm vi của cơ quan BHXH tỉnh.

Nghị định 21/2016/NĐ-CP cũng quy định tiêu chuẩn của người thanh tra bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN).

Cụ thể: Tốt nghiệp đại học thuộc ngành phù hợp với nhiệm vụ thanh tra được giao; am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; nắm vững quy định chuyên môn và có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có ít nhất 1 năm chuyên môn liên quan tới hoạt động đóng BHXH, BHYT, BHTN (không kể thời gian tập sự).

Theo cơ quan BHXH VN, số nợ BHXH tới cuối năm 2015 là 7.567 tỉ đồng, trong đó 103.000 doanh nghiệp nợ 5.300 tỉ đồng. Các doanh nghiệp nợ BHXH đang sử dụng khoảng 2,7 triệu lao động. Trong 7.567 tỉ đồng nợ trên, tính riêng số nợ BHXH là 5.692 tỉ đồng, BHYT là 1.560 tỉ đồng, BHTN là 315 tỉ đồng.

Việc bổ sung chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH là bước tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách BHXH. Trước đó, lĩnh vực thanh tra BHXH, BHYT, BHTN thuộc về ngành LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, đội ngũ thanh tra của ngành LĐ-TB&XH rất mỏng với hơn 500 người, thực hiện nhiều nhiệm vụ thanh tra khác của ngành.

Hoàng Mạnh