Trường hợp phải giao kết hợp đồng lao động

Bà Phạm Mai Hoa đang làm việc thường xuyên tại 1 doanh nghiệp từ năm 2010, theo chế độ Hợp đồng cộng tác viên, ký 1 năm/lần và không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), không áp dụng các chế độ theo Bộ Luật lao động. Bà Hoa hỏi, doanh nghiệp thực hiện như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời về vấn đề này như sau:

Khái niệm cộng tác được hiểu là quá trình trao đổi, trợ giúp, phối hợp, cùng làm chung giữa một nhóm người nhằm đạt được một mục tiêu chung. Cộng tác viên là cá nhân làm việc theo chế độ cộng tác với một tổ chức và không thuộc biên chế của tổ chức đó.

Văn bản thỏa thuận hay hợp đồng với cộng tác viên thường được áp dụng đối với cá nhân thuộc một tổ chức này cộng tác làm một công việc cụ thể ở một tổ chức khác; hoặc cá nhân có chuyên môn khoa học công nghệ cộng tác với một tổ chức để nghiên cứu một đề tài khoa học công nghệ; hoặc cá nhân có chuyên môn nghiệp vụ ở một lĩnh vực cụ thể cộng tác với cơ quan báo chí để viết, cung cấp tin, bài, ảnh liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ đó…

Cộng tác viên được trả thù lao theo từng công việc hoàn thành, hoặc theo tiến độ thực hiện công việc.

Trên thực tế, có một số tổ chức, doanh nghiệp sử dụng văn bản có tên gọi là hợp đồng cộng tác viên để áp dụng cho quan hệ lao động (là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động), không thực hiện đúng quy định về hợp đồng lao động (HĐLĐ) của Bộ Luật lao động (BLLĐ), trốn tránh nghĩa vụ đóng nộp BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc, không đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia quan hệ lao động.

Điều 15 BLLĐ năm 2012 quy định: HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Khoản 1, Điều 18 và Điều 22 BLLĐ quy định, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết HĐLĐ.

HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

- HĐLĐ không xác định thời hạn (là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng).

- HĐLĐ xác định thời hạn (là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng).

- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi HĐLĐ xác định thời hạn và HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ xác định thời hạn đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đã giao kết trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn.

Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Phải tham gia BHXH bắt buộc

Điểm d, khoản 2, Điều 6 BLLĐ quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về BHXH và pháp luật về BHYT.

Theo điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2006 (có hiệu lực đến ngày 31/12/2015), đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên.

- Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Sắp tới, Luật BHXH năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo điểm a, điểm b, khoản 1 và khoản 3, Điều 2 Luật này, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

- Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;

- Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.

Nếu sự việc đúng như bà Hoa phản ánh, bà đã làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp từ năm 2010 đến nay, thì việc doanh nghiệp này chỉ ký văn bản gọi là hợp đồng cộng tác viên 1 năm/lần trong 5 năm liên tiếp, không giao kết HĐLĐ, không lập hồ sơ tham gia, đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc cho bà là vi phạm quy định của BLLĐ, Luật BHXH; Luật BHYT và Luật Việc làm.

Theo Chinhphu.vn