1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trong khó khăn, lao động hiểu thêm về chiếc "phao" bảo hiểm thất nghiệp

Hải An

(Dân trí) - Trong cảnh thất nghiệp, nhiều lao động chợt nhận ra chiếc "phao" bảo hiểm thất nghiệp là một lựa chọn tạm thời để duy trì cuộc sống, vượt qua thời gian khó khăn.

Chỗ dựa lúc khó khăn

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) từ sáng, anh Nguyễn Thành Đạt (SN 2001, ở Vĩnh Phúc) cho biết: Hôm nay anh đến hỏi thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người chị họ là Nguyễn Thị Hà Lan lúc này đang sinh con ở viện.

Trao đổi với PV Dân trí, chị Lan cho biết công việc phiên dịch cho một công ty khuôn đúc và sản xuất nhựa với mức lương 13 triệu/ tháng. Tháng 2/2020, vừa lúc hết hạn hợp đồng. Chị có mong muốn tìm vị trí việc làm tốt hơn nên đã xin nghỉ việc.

Sau khi nghỉ việc, chị Lan mới biết mình đã mang thai. Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm, chị Lan nhanh chóng tìm được công việc mới. Nhưng vì đang mang thai nên hết 3 tháng thử việc chị không được ký hợp đồng chính thức.

Vì sắp đến ngày sinh, chị Lan nhờ người em họ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để tìm hiểu thông tin.

Trong khó khăn, lao động hiểu thêm về chiếc phao bảo hiểm thất nghiệp - 1
Người lao động đến làm việc tại Trung tâm DVVL Hà Nội tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch

“Số tiền trợ cấp thất nghiệp ít nhiều cũng giúp em bớt đi phần nào khó khăn, nhất là có thêm chi phí lo cho đứa con vừa chào đời” - chị Lan vui vẻ nói.

Với cô Nguyễn Thị Thanh (SN 1970, ở Tây Hồ, Hà Nội), tháng 8/2020 đã là tháng thứ 9 cô được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trước đây cô Thanh làm công việc thủ kho ở Bắc Ninh. Tuổi cao, nhà xa đi lại vất vả. Cuối năm 2019, cô Thanh xin nghỉ tìm việc làm gần nhà.

“Dịch Covid-19 bùng phát, việc mới không dễ tìm nhưng may mắn tôi còn khoản trợ cấp thất nghiệp để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian khó khăn” - cô Thanh chia sẻ.

Sớm quay lại thị trường lao động

Nhiều lao động khi mất việc như cô Thanh, chị Lan đều tìm đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp như một chiếc "phao" cứu sinh để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, mục tiêu lớn nhất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng đến giúp cho người lao động thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.  

Chính vì vậy, ngoài việc nhận khoản trợ cấp thất nghiệp, người lao động mất việc làm còn được hưởng thêm nhiều chế độ hỗ trợ khác, trong đó có học nghề miễn phí.

Trong khó khăn, lao động hiểu thêm về chiếc phao bảo hiểm thất nghiệp - 2
Học viên học thực hành tại lớp học may công nghiệp tại Trung tâm DVVL Hà Nội

Cụ thể, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động nếu có nhu cầu học nghề chỉ cần làm đơn đăng ký là sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền trong suốt khóa học.

Mỗi tháng được hỗ trợ 1 triệu đồng, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng. Sau khi tốt nghiệp nghề, lao động sẽ được giới thiệu đến các doanh nghiệp làm việc hoặc tự tìm việc làm.

Hiện Trung tâm DVVL Hà Nội tổ chức đa dạng các khóa học nghề như: Kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, may công nghiệp.

Những nghề này có thời gian đào tạo 3 tháng. Học viên sau khi kết thúc khoá học sẽ được cấp chứng chỉ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành và được giới thiệu việc làm miễn phí.

“Trong các buổi bế giảng, Trung tâm mời cả đại diện doanh nghiệp đến dự để trực tiếp tuyển dụng. Với các khóa kỹ thuật nấu ăn, gần như học viên nào muốn đi làm sẽ được tuyển dụng ngay”- ông Thảo thông tin.

Theo ông Tạ Văn Thảo, thị trường lao động Hà Nội tương đối phong phú, người lao động sẽ không quá khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Quan trọng là sự sẵn sàng của người lao động.

Người lao động cần nắm bắt các nguồn tin chính thống, nhất là thông tin từ hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước. Tìm hiểu kỹ thực tiễn, hiểu và đánh giá đúng ý nghĩa của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đặc biệt, tận dụng thời điểm chờ việc, người lao động nên tham gia các khóa học nghề để nâng cao trình độ, tay nghề, thích ứng với những yêu cầu công việc mới để sẵn sàng khi quay trở lại thị trường lao động.

“Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì người lao động cũng cần phải thận trọng, làm tốt công tác phòng chống dịch, không được lơ là chủ quan” - ông Thảo nói.

Chủ động phòng dịch cho người lao động

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trung tâm đã chủ động các giải pháp phòng dịch cho người lao động đến giao dịch.

Người lao động đến liên hệ làm việc được yêu cầu rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ và đeo khẩu trang. Trường hợp người lao động không chuẩn bị khẩu trang mang theo sẽ được trung tâm phát. Các chỗ ngồi cũng được hướng dẫn đảm bảo khoảng cách giãn cách cần thiết.

Ngoài việc chủ động phòng dịch tại các quầy giao dịch, Trung tâm cũng chủ động việc phòng, chống dịch trong các lớp đào tạo nghề. 100% học viên phải thực hiện việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang, ngồi giãn cách khi tham gia lớp học.