1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tranh luận nghỉ Tết cổ truyền 5 ngày, 7 ngày hay 9 ngày?

(Dân trí) - Liên quan tới ý kiến về thời gian nghỉ Tết cổ truyền vừa qua dài hay ngắn, nhiều bạn đọc đã chia sẻ quan điểm khác nhau. Bên cạnh quan điểm chủ đạo là nên duy trì thời gian nghỉ dài như hiện nay với nhiều lý do truyền thống, không ít bạn đọc có quan điểm riêng.

Tranh luận nghỉ Tết cổ truyền 5 ngày, 7 ngày hay 9 ngày? - 1

Ủng hộ thời gian nghỉ hiện nay!

Bạn đọc Lê Trung Hiếu giải thích việc duy trì thời gian nghỉ Tết dài vừa qua: “Các bác thử tính xem, người công nhân lao động ở TP.HCM nhưng có quê Hà Nội. Một năm về nhà một lần để đoàn tụ, nhưng không có điều kiện đi máy bay. Nếu đi xe khách thì mất gần 3 ngày rồi, vậy còn nghỉ Tết sao đây? Các bác giàu, các bác nghiên cứu dùm dân nghèo như chúng tôi”.

Nhắc nhở về quy định vừa qua, bạn đọc Trần Quang Hạnh: “Có phải Nhà nước cho nghỉ Tết 9 ngày đâu! Vẫn 5 ngày đấy chứ. 9 ngày là do trùng vào 4 ngày nghỉ thường là thứ Bảy và Chủ Nhật theo luật định”.

Từ góc độ kinh doanh, bạn đọc Thanh Đặng nói: Tôi nghĩ dịp tết Nguyên đán có nhiều ý nghĩa với dân tộc ta, cũng là dịp người dân tăng mua sắm, tăng du lịch. Kích cầu như vậy cũng là điều cần thiết cho nền kinh tế. Còn các chuyên gia muốn nền kinh tế tăng trưởng thì tốt nhất nên hiến kế cải cách hành chính kiềm chế tham nhũng... Khi nào làm tốt mấy cái đó mà kinh tế vẫn dậm chân tại chỗ thì hãy quay lại bàn vấn đề này.

“Sau Tết người lao động có tính ì ạch, uống nhiều rượu bia rồi sinh ra nhiều tai nạn giao thông là do từng cá nhân chứ không phải là tất cả nguyên nhân từ nghỉ dài ngày. Tết cổ truyền của VN đã có từ bao nhiêu năm nay. Chưa kể liên quan tới ngày giỗ bố, mẹ, tổ tiên, lịch nông nghiệp. Nên nghĩ đến người lao động trong TP HCM có nhiều người ngoài miền Trung và miền Bắc” - bạn đọc Nguyễn Văn Đa.

Bạn đọc Nguyễn Đức Long cho rằng: Tôi hoàn toàn không đồng ý với những ý kiến cho rằng nghỉ Tết âm lịch vừa qua là dài. Tết âm lịch là 1 nét văn hóa đặc trưng từ thời xa xưa, có ý nghĩa hoàn toàn thiêng liêng của dân tộc và nên tận hưởng. Tại sao phải bỏ những thứ truyền thống?. Nên sắp xếp thời gian nghỉ ít hơn phù hợp với nhu cầu công việc là được.

Bạn đọc Thế Hùng ở Tây Nguyên đưa ra quan điểm riêng: Em là nông dân ở Tây Nguyên với một thực tế là Tết âm lịch không chỉ là truyền thống mà còn phù hợp với đặc điểm kinh tế VN. Tết dương lịch bọn em vẫn phải đang hái cà phê, tâm trạng đâu mà nghỉ tết, mà không hái thì nó rụng hết thì gay!

Nên phân biệt rõ nguyên nhân của sự chậm phát triển kinh tế, bạn đọc Tạ Ngọc Tiến cho biết: “Kinh tế không phát triển đổ lỗi cho tết cổ truyền ? Tại sao nước Nhật Bản họ nghỉ 10 ngày tết dương, có kì nghỉ xuân hạ thu đông mà kinh tế họ vẫn phát triển. Tết cổ truyền Việt Nam dù có 10 năm nữa hay 100 năm nữa hay 1000 năm không bao giờ thay đổi.

Có lẽ là một người đi làm nơi phương xa, bạn đọc Nguyễn Khanh tâm sự: “Các bạn phải đặt mình vào những người đi làm ở xa thì các bạn mới hiểu. Người ở miền bắc vào miền nam làm việc cả năm chỉ có mấy ngày tết về với gia đình. Vậy nghỉ 3 ngày tết liệu người ta có về được không? Người ta đi máy bay còn được 1 -2 ngày, còn người về tầu thì về đã mất 3 ngày rồi. Tết nguyên đán là ngày sum họp gia đình, gắn kết tình cảm…”.

Có nên giảm số ngày nghỉ?

Có lẽ là một công chức, bạn đọc Nguyễn Chí tâm sự: Tôi làm việc tại Hà Nội. Cứ sau Tết Dương lịch là các cơ quan, công sở ỳ ạch. Từ Tết dương lịch đến âm lịch là công việc cực kỳ kém năng suất, toàn tổng kết, liên hoan, muốn dừng không được vì nơi đâu cũng thế. Từ ngày ông Táo 23 âm lịch coi như nghỉ Tết trước 6 ngày, tiếp theo 8-9 ngày. Rồi cho đến Rằm đi đâu cũng lễ chùa, đền, rượu chè, chúc tụng, ăn chơi hết tháng Giêng. Sau đó lại lác đác khai hội đình đền. Sớm nhất là cuối tháng 2 mới nghiêm túc làm việc.

Đưa ra quan điểm nghỉ Tết 5 ngày, bạn đọc Nguyễn Hùng chia sẻ: Thay đổi hẳn một phong tục thật không hề đơn giản tí nào bởi vì nó ăn sâu vào tâm tư tình cảm của mọi người. Tuy nhiên việc kéo dài ngày nghỉ Tết như hiện nay xem ra không ổn và sẽ tạo tiền lệ xấu trong sinh hoạt cộng đồng.

“Nên chỉ có 3 ngày nghỉ Tết theo luật lao động là đúng, không nên kéo dài quá. Tới 9 ngày nghỉ rồi, trước đó hàng tuần tâm lí của mọi người là đã không muốn làm. Sau Tết cả nửa tháng vẫn chưa muốn làm. Bảo sao kinh tế đất nước không tăng tốc. Các bạn cứ nghĩ nghỉ dài để còn về quê nội ngoại. Vậy các bạn có nghĩ ở các nước khác như Mỹ, Nga, Pháp - đất nước họ còn rộng lớn hơn chúng ta chẳng lẽ họ đi làm xa mãi không về quê sao...” - bạn đọc Hoàng Anh nói.

“Cuộc vui nào cũng tàn, mọi người phải quay về cuộc sống đời thường luôn ở phía trước chứ không thể chìm đắm trong ngày nghỉ để rồi uể oải sau đó. Trước mắt nhà Nước nên có quy định thời gian cụ thể bắt buộc cho dịp Tết là 5 ngày, gồm cả ngày Chủ nhật” - bạn Nguyễn Hùng nói.

Bạn đọc Thành Công có cách nhìn khác: Nói là tăng quyền lợi cho người lao động và kích cầu. Nhưng thực tế chỉ để các DN kinh doanh dịch vụ, sản xuất bia rượu, tiệm ăn, khu vui chơi hốt bạc. Không ít người sức khỏe suy giảm và nguy cơ lười biếng gia tăng. Phải giảm bớt ngày nghỉ như 15 năm về trước. Mặt khác, người lao động đã có ngày nghỉ phép do đó việc tăng số ngày được nghĩ như vài năm gần đây cộng dồn và ngày nghỉ phép thì mỗi người đươc nghỉ đến hơn 1 tháng chưa kể thứ 7 và chủ nhật. Năng suất lao động thấp, chỉ là nền sản xuất gia công, lạc hậu mà nghỉ còn hơn cả các nước CN hiện đại vì lẽ gì hay chỉ để "lấy lòng, an ủi" người lao động?

Bạn đọc Hùng Trần bày tỏ: Tôi ủng hộ nghỉ Tết chỉ 3 ngày thôi, thậm chí bỏ nghỉ luôn. Ai muốn nghỉ thì cứ cắt phép mà nghỉ. Nói là nghỉ Tết chứ nghỉ được quái đâu, lo toan nhiều hơn, tốn kém nhiều hơn và hệ lụy nhiều hơn.

Bạn đọc Lê Văn Trường nói: 5 ngày là đủ rồi, nghỉ nhiều quá chỉ thêm mệt mỏi, ì ạch

Bạn đọc Nguyễn Thắng cũng đồng quan điểm: Tôi đồng tình phương án nghỉ tết âm lịch 3 ngày. Bây giờ tết âm lịch đã trở thành gánh nặng lo toan của mọi người: Từ lo sắm ăn uống mà lại rất lãng phí vì không dùng hết,lo quà cáp biếu xén, lo đi lại thăm hỏi nhau cho đầy đủ không thì bị trách. Sau tết thì uể oải không muốn làm việc

Bạn đọc Đỗ Đình Hòa: Quả đúng như thành ngữ VN có câu "Ba ngày tết".... Nay nghỉ nhiều gây ra nhiều hệ lụy như: Tắc đường, say rượu bia. Đặc biệt là tai nạn giao thông. Bộ luật LĐ đã quy định rõ chế độ nghỉ phép, nghỉ tết vv. Vì vậy để cho người lao động tự thu xếp những ngày nghỉ có ích cho bản thân của họ.

Phan Minh tổng hợp