Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam

Ảnh, video: Quân Đỗ Nội dung: Hải An

(Dân trí) - “Với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, các hội viên của Ban Liên lạc đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện trong thời bình”.

Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đào Trọng Hùng - Phó Trưởng Ban Liên lạc công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (Ban liên lạc) - phát biểu tại buổi kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2020, do Ban Liên lạc vừa tổ chức ngày 24/7 vừa qua.

Nghĩa tình đồng đội

Theo Thiếu tướng Đào Trọng Hùng, nhiều cán bộ công an thuộc Ban Liên lạc công an chi viện chiến trường miền Nam đã có nhiều đóng góp, thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam - 1

Ban Liên lạc hiện có 306 hội viên, gồm: 45 người là thương binh, 12 người vừa là thương binh vừa bị nhiễm chất độc da cam, 17 người bị nhiễm chất độc da cam, 3 người bị địch bắt, tù đầy, 16 người thân nhân liệt sĩ và con mẹ Việt Nam anh hùng.

Những năm qua, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trong lực lượng công an nhân dân nói chung, trong Ban Liên lạc nói riêng đã được quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả. “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào sâu rộng trong các cấp, các đơn vị công an nhân dân.

“Ban Liên lạc luôn coi công tác thương binh, liệt sĩ, người có công là việc làm đại nghĩa đối với đồng đội”, Thiếu tướng Đào Trọng Hùng cho biết.

Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam - 2

Dịp kỷ niệm ngày 27/7 hàng năm, Ban Liên lạc đều tổ chức gặp mặt các hội viên là đối tượng chính sách. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được quan tâm, tổ chức thường xuyên.

Tiếp lửa truyền thống

Ôn lại lịch sử đấu tranh anh dũng của cán bộ công an chi viện, Thiếu tướng Đào Trọng Hùng cho biết: “trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo tiếng gọi “vì miền Nam ruột thịt”, “vì thống nhất đất nước”, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã chi viện vào chiến trường miền Nam 11.204 cán bộ công an ưu tú”.

Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam - 3

Trong số cán bộ chi viện vào miền Nam có 1 thứ trưởng, 3 cục trưởng, 9 phó cục trưởng, 25 trưởng - phó trưởng ty, 870 trưởng và phó trưởng phòng, huyện, thị… Tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Quang Việt, Bùi Thiện Ngộ, Trần Quốc Hương, Nguyễn Tài, Huỳnh Anh, Thái Doãn Mẫn, Lê Thanh Vân, Nguyễn Sanh Châu, Lê Văn Đại, Nguyễn Đình Bẩy …

Theo Thiếu tướng Đào Trọng Hùng, Bộ Công an cũng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho “Lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam”.

Vào chiến trường, cán bộ công an chi viện đã nhanh chóng hòa nhập với cán bộ an ninh tại chỗ, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, lập nhiều chiến công.

Thống kê của Ban Liên lạc, trong cuộc chiến đấu với quân thù, 909 cán bộ công an chi viện đã anh dũng hy sinh, 46 người bị địch bắt tù đầy. Hàng trăm người bị thương tật, bị nhiễm chất độc da cam. Nhiều người còn để lại hệ lụy đến đời con, đời cháu.

Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam - 4

Phát huy truyền thống “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, nhiều cán bộ công an chi viện dù đã được nghỉ hưu vẫn tích cực tham gia vào các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc nơi cư trú và được tín nhiệm giữ các vai trò chủ chốt trong cấp ủy đảng.

“Đó là những tấm gương kiên định về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện trong thời bình”, Thiếu tướng Đào Trọng Hùng khẳng định.

Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam - 5

Trước những hy sinh cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam, Ban Liên lạc đã đề xuất xây dựng “Đài kỷ niệm cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975”.

Đồng thời, Ban Liên lạc cũng đề xuất phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho “Lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.    

Được biết, Đảng ủy công an Trung ương, Lãnh đạo và các cơ quan chức năng ở Bộ Công an ủng hộ đề xuất của Ban Liên lạc. Đài kỷ niệm đã được xây dựng tại quảng trường học viện An ninh nhân dân.

Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam - 6

Thiếu tướng Đào Trọng Hùng chia sẻ, Đài kỷ niệm là biểu tượng sáng chói về truyền thống anh hùng của các thế hệ cha ông trước đây. Khi Tổ quốc lâm nguy, họ sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình để vào Nam đánh giặc, cứu nước.

Tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công an chi viện miền nam - 7

Biểu tượng ấy đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, chính trị - tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và sinh viên trong Học viện An ninh nhân dân nói riêng, các lực lượng công an nhân dân trong cả nước nói chung.

Thiếu tướng Đào Trọng Hùng cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới, cán bộ công an chi viện phát huy truyền thống cách mạng, tình nghĩa yêu thương của người cán bộ công an đã từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, tiếp tục làm nhiều việc tốt cho tập thể và đồng đội, lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc của mình.

Chia sẻ sâu nặng nghĩa tình

Thiếu tướng Đào Trọng Hùng cho biết, việc thăm nom, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng bà Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng đã trở thành việc làm thường xuyên của công an các đơn vị, địa phương.

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức đã để lại trong lòng thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân sự chia sẻ sâu nặng nghĩa tình và sự động viên chan chứa tình người.