Tình trạng mua bán người có dấu hiệu giảm

(Dân trí) - “Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện xảy ra gần 1.100 vụ, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. So với giai đoạn trước, tình trạng mua bán người đã giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân…”

Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tại Hội thảo “Công tác thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. 

Chương trình do Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức hôm 30/8, tại Hà Nội.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Tham luận của Cục Cảnh sát hình sự tại Hội thảo cho thấy, mặc dù tình hình chung về mua bán người có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Tình trạng mua bán người có dấu hiệu giảm - 1

CA Nghệ An tiếp xúc với nạn nhân của 1 vụ mua bán người. Ảnh: Internet

Cũng theo phân tích của Cục Cảnh sát hình sự, các vụ mua bán người chủ yếu được tội phạm thực hiện thông qua thủ đoạn, như lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ của nạn nhân.

Ở các vùng sâu, vùng xa, tội phạm lợi dụng sự mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thậm chí, tội phạm còn lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam.

Nhận định của Cục Cảnh sát hình sự, nguyên nhân chính của tình trạng mua bán người hiện nay là do tình hình mua bán người trên thế giới, khu vực tác động, do siêu lợi nhuận, do mất cân bằng về giới, công nghệ thông tin phát triển; tình trạng thiếu việc làm, cùng với sự thiếu hiểu biết, chủ quan, nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác của người dân nên bị lừa bán, nhất là phụ nữ, trẻ em…

Bên cạnh đó, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp.

Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp.

Thậm chí, các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động, khi đến nước sở tại, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.

Qua đấu tranh, lực lượng công an đã phát hiện một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) “đẻ thuê” với giá từ 120.000 - 140.000 NDT/trường hợp (khoảng 400- 500 triệu VNĐ), các đường dây này lo “trọn gói” các thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc, chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho những đứa trẻ được sinh ra.

Tăng cường giải pháp

Cũng tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được Cục Cảnh sát hình sự đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Tình trạng mua bán người có dấu hiệu giảm - 2

Theo đó, cần tăng cường công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành có liên quan đến vấn đề phòng, chống mua bán người, nhất là Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 và các đề án thuộc Chương trình; tổ chức tổng kết giai đoạn 2016 - 2020 và nghiên cứu, xây dựng Chương trình 130/CP giai đoạn 2021- 2025.

Đồng thời cần đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người-30/7” (theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Cục Cảnh sát hình sự, việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, lễ phát động, các chiến dịch truyền thông, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước trong khu vực; tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tại địa phương là rất cần thiết.

Về công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người, việc tổ chức điều tra cơ bản nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người.

Hàng năm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm trên các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc.

Cục Cảnh sát hình sự cũng nhấn mạnh tới công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cần tập trung thực hiện các hoạt động: Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin; hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật; sơ kết, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân bị mua bán cũng như về chế độ, chính sách hỗ trợ; quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội…

Hoàng Mạnh