Tính thời gian đi hợp tác lao động trước năm 1995

Bố đẻ của ông Trần Văn Bình (Hà Nội) làm việc tại Nhà máy của Bộ Quốc phòng được 16 năm, năm 1989 được phân công đi lao động hợp tác tại Liên Xô 6 năm, tuy nhiên đến năm 2017 bố ông mới trở về Việt Nam. Ông Bình hỏi, bố của ông có được hưởng chế độ BHXH không và cần những giấy tờ gì?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội trả lời như sau:

Vì ông không nói rõ bố của ông làm việc với chức vụ, chức danh cụ thể nên: Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP về tính thời gian công tác đối với người lao động trước ngày 1/1/1995 để hưởng BHXH: Đối với người lao động thuộc biên chế của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được cơ quan, đơn vị cử đi công tác, học tập, làm việc có thời hạn đã xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài, đã về nước nhưng không đúng hạn hoặc về nước đúng thời hạn nhưng đơn vị cũ không bố trí, sắp xếp được việc làm và đối tượng lao động xã hội được cử đi hợp tác lao động sau khi về nước tiếp tục tham gia đóng BHXH bắt buộc thì được xem xét, giải quyết như sau:

Thời gian làm việc trong nước trước khi đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài và thời gian ở nước ngoài trong thời hạn cho phép trước ngày 1/1/1995 nếu chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp phục viên, xuất ngũ hoặc BHXH một lần thì thời gian đó được tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Việc tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng BHXH thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; Thời gian làm việc từ ngày 1/1/1995 trở đi, nếu đã đóng BHXH theo quy định của pháp luật BHXH mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần hoặc trợ cấp phục viên, xuất ngũ thì được tính hưởng BHXH. Đối tượng là lao động xã hội được cử đi hợp tác lao động sau khi về nước tiếp tục tham gia đóng BHXH bắt buộc thì thời gian công tác tính hưởng BHXH được thực hiện theo quy định đã nêu trên. Trường hợp học sinh học nghề chuyển sang hợp tác lao động theo Hiệp định Chính phủ thì thời gian học nghề không được tính là thời gian công tác hưởng BHXH.

Theo quy định tại Điều 35 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về tính thời gian công tác đối với người lao động đi hợp tác lao động trước ngày 1/1/1995, tính thời gian công tác đối với người lao động đi hợp tác lao động trước ngày 1/1/1995 để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 23 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:

Thời gian công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài trong thời hạn cho phép bao gồm:

- Thời gian công tác, học tập, làm việc thực tế trong thời hạn được ghi trong quyết định của đơn vị cử đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài, kể cả thời gian được gia hạn do đơn vị cử đi cho phép;

- Trường hợp một người có nhiều lần đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài thì được cộng thời gian của các lần ở nước ngoài trong thời hạn cho phép thành thời gian công tác để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất;

- Người lao động đang làm việc ở trong nước, được đơn vị cử đi nâng cao tay nghề ở nước ngoài, sau đó chuyển sang hợp tác lao động theo Hiệp định của Chính phủ thì thời gian nâng cao tay nghề được tính để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Về thủ tục hồ sơ, ông có thể tham khảo theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 35 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên.

Theo Chinhphu.vn