Tiền lương có còn là động lực của người lao động?

“Tiền lương đã không còn là động lực của người lao động tại Việt Nam, thậm chí xúc phạm người lao động”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền đã dẫn lại nhận xét này khi nói về mức lương tối thiểu của người lao động - vấn đề “nóng” tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) tổ chức sáng nay, 21/4 tại TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Vấn đề tiền lương luôn là vấn đề cơ bản, có tính chất quyết định trong các quy định về tiêu chuẩn lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động cùng gia đình. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình tranh chấp lao động, đình công đang diễn ra phức tạp ở nước ta hiện nay.

Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lập pháp trong và ngoài nước.
Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lập pháp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, tiền lương, cụ thể là mức lương tối thiểu hiện có chưa tương xứng và chưa đảm bảo mức sống cho người lao động. “Tiền lương đã không còn là động lực của người lao động tại Việt Nam, thậm chí xúc phạm người lao động”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền dẫn lại lời của Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

Do đó, trong dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) lần này, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu là vô cùng cần thiết: "Kinh tế xã hội tăng thì tiền lương phải tăng, nhưng đồng thời năng suất lao động cũng phải tăng theo. Thứ hai là phải bù đắp giá cả sinh hoạt tăng lên. Thứ ba là phải cân đối với cung cầu lao động trên thị trường. Hiện nay, nguồn cung lao động của chúng ta đang cao hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng. Người lao động đang nằm trong thế yếu, Luật lao động phải bảo vệ người yếu thế".

Từ đó, ông Lợi đề xuất thay “nhu cầu sống tối thiểu” bằng “mức sống tối thiểu”, xác định đúng bản chất của tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Hàng năm, Nhà nước công bố tiền lương tối thiểu dựa theo nghiên cứu tình hình thực tế.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính lại cho rằng, việc xác định mức sống tối thiểu của người lao động là rất khó khăn do không có một cơ quan nhà nước nào đứng ra thực hiện. Ông Mai Đức Chính đề nghị Chính phủ phải giao cho một cơ quan trực thuộc xác định mức sống tối thiểu và tiêu chí để xác định mức sống tối thiểu cùng thời gian công bố.

Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tâm huyết.
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tâm huyết.

Thêm vào đó, TS Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng Nhà nước phải điều hành thống nhất, bao quát những vấn đề cơ bản để không mâu thuẫn.

Ngoài vấn đề tiền lương, các đại biểu cũng đưa ra nhiều tranh luận xoay quanh việc hoàn thiện quy định pháp luật về Hợp đồng lao động, nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động. Trong đó tập trung vào vấn đề có cho phép người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn mà chỉ cần báo trước không. Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF đóng góp ý kiến về nâng cao chế độ cho lao động nữ, thai sản nhận được nhiều sự đồng tình.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh xã hội, Vụ trưởng Vụ Pháp chế ông Hà Đình Bốn khẳng định, Bộ sẽ dành thời gian để đánh giá các tác động, đồng thời tiếp thu, điều chỉnh dự thảo bộ Luật để trình trong thời gian sớm nhất.

Theo VOV.VN