1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thuyền trưởng “tàu không số” thời bình

Thuyền trưởng Nguyễn Đức Trí đã làm tôi... giật bắn người khi biết con tàu khách mà anh gắn bó 20 năm nay với với lộ trình Phú Quốc – Thổ Châu chính là con tàu thuộc “Đoàn tàu không số” huyền thoại trong chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển.

“Con tàu giờ đã được hoán cải nhiều để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, nhưng hồn phách oai linh xưa vẫn còn phảng phất đâu đây, nên mỗi khi bước lên buồng lái, cầm vô - lăng là từ đáy lòng tôi lại rung lên cảm xúc của sự hãnh diện trước chiến công của “đoàn tàu không số”.

Thuyền trưởng “tàu không số” thời bình - 1

Như duyên tiền định

Tôi biết thuyền trưởng Đức Trí lần đầu trong dịp tháp tùng đoàn cán bộ huyện Phú Quốc ra Thổ Châu tổ chức lễ giỗ tập thể lần thứ 39, tưởng nhớ hàng trăm người dân xã đảo bị mất tích vào tháng 5.1975. Khác với nhiều thuyền trưởng tàu biển có thói quen “ăn to, nói lớn” tôi có dịp tiếp xúc trước đó, anh Trí có giọng nói nhỏ nhẹ, chân thành, nhưng gãy gọn và dứt khoát nên dễ thu hút người đối diện.

Nhưng điều khiến tôi bất ngờ hơn ở anh là đàng sau giọng nói nhẹ nhàng, tác phong điềm đạm ấy là cả bầu nhiệt huyết về biển đảo và đời sống người dân vùng biển Tây tổ quốc. “Hình như tôi gắn bó với biển Tây như định mệnh. Sinh ra ở miền Trung (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), vào quân chủng Hải quân ở miền Bắc, nhưng tính đến tháng 10.2017 chính thức nghỉ hưu thì tôi có gần 40 năm gắn bó với biển đảo Tây Nam”, anh Trí chia sẻ.

Năm 1979 sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ thuyền trưởng Hải quân, được điều vào Phú Quốc công tác trong ngành Hải quân, rồi như duyên tiền định, đến năm 1993 đại úy Nguyễn Đức Trí được chuyển ngành sang Cty Vận tải Sông biển Kiên Giang và gắn liền cuộc đời thuyền trưởng với Thổ Châu (xã Thổ Châu- Phú Quốc- Kiên Giang), quần đảo xa đất liền nhất trong vùng biển Tây (cách Rạch Giá 220km). Sau đó dù nhiều lần được hoán đổi sang nhiều vị trí công tác, điều hành nhiều tàu khác nhau, như: KG 95, KG57, hay KG 63..., nhưng tàu nào khi về tay anh cũng chạy tuyến Thổ Châu.

Đặc biệt hơn là chiếc Thổ Châu 09. Do điều kiện lịch sử, chiếc tàu trải qua nhiều đơn vị trong và ngoài quốc doanh quản lý, điều hành tham gia nhiều hải trình khác nhau, nhưng đến năm 1996, lại quay về Cty Vận tải Sông biển Kiên Giang. Lúc này anh Trí đang điều hành tàu KG57, nhưng một sáng đầu tuần, thủ trưởng đơn vị kêu anh thu xếp hành trang phụ trách đưa tàu Thổ Châu 09 về Bến Tre cải hoán, đại tu... theo thiết kế đã định sẵn. Thủ trưởng đặc biệt lưu ý phải tu sửa chỗ này như thế này, hoán cải chỗ kia như thế kia....


Thuyền trưởng Trí đang truyền đạt kinh nghiệm lại cho con trai Nguyễn Xuân Thanh, hiện đang là thuyền phó tàu Thổ Châu 09.

Thuyền trưởng Trí đang truyền đạt kinh nghiệm lại cho con trai Nguyễn Xuân Thanh, hiện đang là thuyền phó tàu Thổ Châu 09.

Đến lúc đó anh Trí mới biết Thổ Châu 09 chính là con tàu trong “Đoàn tàu không số” huyền thoại. Rồi như duyên định trước, sau khi sửa xong, anh được phân công phụ trách Thổ Châu 09. Một quyết định bất ngờ và cũng là hạnh phúc lớn nhất đời hàng hải của anh. Bởi từ đó đến nay, anh là thuyền trưởng đầu tiên và duy nhất của “con tàu không số” độc đáo này.

Một danh dự mà mãi đến nay anh vẫn như còn lâng lâng cái cảm giác tự hào vì được tổ chức trân trọng “chọn mặt gởi vàng”. Còn tôi, sau khi biết được mình đang ngồi trên một trong những “con tàu không số” huyền thoại từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển, cũng hết sức nôn nao, rạo rực trong lòng, một cảm giác mà nhiều lần lênh đênh trên biển với đủ các loại tàu quân sự, dân sự... không sao có được.

Nổi máu nghề nghiệp, tôi "truy" anh Trí từng chi tiết một trên con tàu để tìm “dấu xưa”, nhưng anh Trí khoát tay như một cách từ chối dứt khoát. “Tàu đã qua nhiều lần hoán cải để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách”, rồi bỗng giọng anh trở nên hùng hồn: “Dù hình hài không còn như xưa và dù nhiều hạng mục chưa thể sánh được với những chiếc tàu hiện đại ngày nay, nhưng với tôi, đây là con tàu thiêng liêng. Mỗi lần bước lên con tàu huyền thoại này, tự đáy lòng tôi cuộn lên niềm tự hào, một sức mạnh tinh thần to lớn...”.

“Số má” với “tàu không số”

Tính đến nay anh Trí có đúng 20 năm gắn bó với con “tàu không số” giữa thời bình và cũng từng ấy năm chính “con tàu không số” này đã nâng tên tuổi anh lên hàng “số má” trong giới thuyền trưởng vùng biển Tây Nam cả “chất” lẫn “tâm” nghề. Thậm chí, ngay trong chuyến đi biển đầu tiên, “con tàu không số” đã đưa anh trở thành “người hùng” khi gần như đưa hơn 50 cán bộ, chiến sĩ và người dân từ cõi chết trở về.

Ngay cả khi tàu Thổ Châu 09 duy tu, phải nhờ tàu Vùng 5 Hải quân thay thế, thuyền trưởng Nguyễn Đức Trí vẫn tả xung, hữu đột với công việc giúp người đi tàu sớm ổn định ...
Ngay cả khi tàu Thổ Châu 09 duy tu, phải nhờ tàu Vùng 5 Hải quân thay thế, thuyền trưởng Nguyễn Đức Trí vẫn tả xung, hữu đột với công việc giúp người đi tàu sớm ổn định ...

Số là đang mùa giông bão, lại gặp lúc thời tiết xấu, nhưng do cần phải ra Thổ Châu chỉ đạo Đại hội Phụ nữ xã, nên lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện Phú Quốc đề nghị tàu vẫn chạy đúng lịch trình. Lúc đi, trời đầy sóng, nhiều người trong đoàn ói xanh mặt. Nhưng khó khăn nhất là chuyến về. Thường, tàu xuất bến vào lúc 5 giờ sáng để cặp bến trước lúc trời tối. Nhưng do phải chờ đại hội nên mãi đến trưa đứng bóng mới nhổ neo.

Chạy được khoảng 2 giờ đồng hồ thì trời nổi giông bão. Sóng to, gió lớn trùng trùng. Không thể quay tàu trở lại vì điều này đồng nghĩa với tiến ra biển sâu. Còn đi tiếp thì xung quanh là cả biển sóng lưỡi búa. Con tàu chồng chềnh, nghiêng ngả, mọi người nháo nhào, mặt tái xanh. Với quyết tâm không để xảy ra bất trắc với hành khách và với con tàu huyền thoại, anh Trí bình tỉnh hướng mũi tàu chạy theo hướng “phân ba”, tức hướng vào 1/3 đoạn sóng rồi tận dụng trí nhớ về địa hình vùng biển mà anh đã thuộc như lòng bàn tay để đưa tàu tiến từng bước một...

Sau hơn hơn 1 giờ đồng hồ vật lộn với vô lăng, mồ hôi ướt đầm, anh đã đưa con tàu ra khỏi “tâm bão” cặp bến an toàn. Dù muộn hơn lịch trình bình thường hơn hơn 2 giờ đồng hồ, nhưng không ai trách móc. “Thậm chí mấy chị ở Hội Phụ nữ huyện Phú Quốc còn đến cám ơn, có chị còn chấp tay xá như để thưởng công..”, anh Trí tự hào nhớ lại.

Điều khiến cho nhiều người nhớ đến anh với tất cả sự nể phục là anh sẵn sàng đã từ chối chỗ làm tốt hơn, mức thu nhập cao hơn để gắn bó với “tàu không số”. Thời điểm này nhiều doanh nghiệp đầu tư tàu cao tốc cho các tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du... rất cần thuyền trưởng có nhiều kinh nghiệm và anh là một trong những lựa chọn tốt nhất. Thế là họ mời chào với nhiều cam kết về mức đãi ngộ...., nhưng lần nào anh cũng khước từ. “Lý do thì có nhiều, nhưng cái chính là chất lính bên trong huyết quản mình đã thôi thúc, nhắc nhớ phải gắn bó với “tàu không số”, anh Trí chia sẻ.

Không tàu vẫn ra đảo

Những ngày cận Tết 2017, do tàu Thổ Châu 09 sửa chữa định kỳ, Vùng 5 Hải quân điều động tàu HQ 637 sang tạm thời làm thay nhiệm vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa tuyến Phú Quốc- Thổ Châu. Nghe tin, tôi theo chân HQ637 để ghi lại cái “tình quân dân cá nước” thời bình. Biển An Thới những ngày cuối năm cực đẹp: Nắng rực, gió hây hẩy. Đứng trên tầng 1 con tàu nhìn xuống mà tôi cứ ngỡ như đang trên cao lộng gió. Đang loay hoay ngắm, bất giác nhận ra hình ảnh người đậm dáng với chiếc áo trắng hải quân quen quen...

Giữa lồng lộng gió biển, anh hết lao sang bên này giúp chuyển ống nhựa, rồi lao sang bên kia mạn tàu xách hộ túi chè tươi cho vị khách cao niên... nhiệt tình như người phụ việc cần mẫn luôn mong mang niềm vui cho mọi hành khách. Mãi đến khi anh ngẩng lên, tôi ngạc nhiên đến sửng sờ: anh Trí. Anh cũng ngạc nhiên khi thấy tôi.

Trong tiếng gió biển réo rắt lên thân tàu, anh Trí tâm tình: "Lần nào cũng vậy, mỗi khi tàu Thổ Châu 09 sửa chữa, mình cũng tháp tùng tàu hải quân đi như vầy. Một phần vì trách nhiệm, một phần vì nhớ biển”. Nhắc đến “biển”, anh Trí lại ngước gương mặt cương nghị của mình ra xa xăm như cố dấu đi cảm xúc vừa trào dâng. Hình như sau bao năm gắn bó, tàu và biển đã chiếm trọn đam mê trong anh, đến mức anh không thể sống thiếu nó dù chỉ một ngày.

Hình như điều này chỉ duy có ở thuyền trưởng “tàu không số” giữa thời bình?

Theo Lục Tùng/Báo Lao động