1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thưởng Tết ở Việt Nam như là một văn hoá và nên bằng tiền

(Dân trí) - “Khối doanh nghiệp Nhà nước trong ngành dệt may, dầu khí, than, viễn thông có “truyền thống” thưởng Tết ổn định và cao. Chưa kể tình hình sản xuất của năm 2016 tốt hơn, dự báo mức thưởng Tết năm 2017 có thể tăng từ 5-7%...”

Thưởng Tết ở Việt Nam như là một văn hoá và nên bằng tiền - 1

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Dân trí về câu chuyện liên quan tới thưởng Tết - vấn đề thu hút sự quan tâm của người lao động và doanh nghiệp mỗi dịp giáp Tết.

Mức thưởng có thể tăng 5-7 %

Thưa ông, chỉ còn hơn 60 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán 2017. Vậy, ông có dự gì về mức thưởng Tết của doanh nghiệp tới người lao động trong năm nay?

Năm 2017 tình hình thưởng tết có thể khá hơn năm 2016. Do mức thưởng Tết của năm 2016 phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2015. Theo đó, sản xuất còn khó khăn ở đầu năm. Phải tới cuối năm 2015, tình hình mới có dấu hiệu khôi phục nhưng chưa thể hiện ngay hiệu quả trong năm đó.

Năm 2016, dấu hiệu hồi phục kinh tế bắt đầu ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp khôi phục, thể hiện rõ ở quan hệ xuất nhập khẩu, hàng hóa ổn định và tiêu thụ tốt và không bị lạm phát.

Tôi dự đoán, tình hình thưởng Tết 2017 có thể khá hơn năm ngoái dù mức chưa phải cao so với đỉnh điểm của một số năm trước đây. Tổng quan đánh giá, tôi dự đoán mức thưởng Tết 2017 sẽ tăng từ 5-7% so với năm 2016.


Thưởng Tết ở Việt Nam như là một văn hoá và nên bằng tiền - 2

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng

Theo đó, mức thưởng Tết có thể chia theo 3 loại hình doanh nghiệp. Loại doanh nghiệp luôn giữ được tốc độ sản xuất kinh doanh, mức thưởng vẫn cao. Loại doanh nghiệp bắt đầu hồi phục sẽ có mức thưởng bình thường. Còn một loại doanh nghiệp tình hình khó khăn, chưa chắc đã có thưởng Tết.

Nhiều năm qua, khảo sát thưởng Tết của Bộ LĐ-TB&XH trong 4 loại hình doanh nghiệp cho thấy: Thưởng Tết trong doanh nghiệp nhà nước luôn có sự ổn định. Trong khi đó, khối doanh nghiệp FDI luôn có mức thưởng cao nhất. Điều này được lý giải ra sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, khối doanh nghiệp nhà nước đa số là mô hình tổng công ty hoặc tập đoàn lớn, có nguồn việc làm cố định, ít chịu tác động của thị trường vì "đầu ra" ổn định, nhất là xuất khẩu.

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may, dầu khí, than, viễn thông, đồ uống có “truyền thống” thưởng Tết cao từ trước tới nay. Chưa kể năm 2016, tình hình sản xuất tốt hơn, chắc chắn mức thưởng Tết 2017 sẽ cao…

Trong khi đó, khối doanh nghiệp FDI luôn có lợi thế so sánh so với doanh nghiệp trong nước. Đơn hàng luôn ổn định giúp doanh nghiệp trong khối FDI có thưởng cao.

Tuy nhiên, lao động trong khối doanh nghiệp FDI chủ yếu xuất phát từ nông thôn và có sự di chuyển giữa các vùng miền. Vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng giữ lao động sau Tết bằng cách thưởng trước Tết.

Việc thưởng Tết với người lao động về quê cũng là một cách để họ quay lại doanh nghiệp. Đây có thể là một giải pháp về quản trị, tuy nhiên cũng còn phải phụ thuộc vào điều kiện doanh nghiệp có năng lực về tài chính.

Thưởng Tết như là một văn hoá

Bên cạnh đó vẫn có một số doanh nghiệp cho rằng tập trung nhiều vào chuyện thưởng tết sẽ làm cho tâm lý người lao động bất ổn. Họ cho rằng không nên dồn hết vào thưởng Tết mà dàn đều trong cả năm. Điều này làm người lao động gắn kết lâu dài với doanh nghiệp hơn. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Thưởng tết ở Việt Nam có nét đặc thù riêng so với các nước khác. Nó gần như là nét văn hóa. Yếu tố này có những nét tích cực nhất định.

Người lao động chủ yếu chờ đợt Tết để có dịp thăm hỏi người thân, mua sắm cho gia đình. Mức chi tiêu những ngày giáp Ngày Tết khác với ngày bình thường, nên đa số đều mong muốn tăng thêm thu nhập để bù đắp.

“Ngay từ đầu năm, nếu doanh nghiệp nắm được tâm lý và văn hóa thưởng tết thì cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể. Chính việc lên kế hoạch và thưởng Tết đúng lúc sẽ còn có tác động tích cực với người lao động” - ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

Hơn nữa, người lao động có nhu cầu về quê vì đa số có nguồn gốc nông thôn. Truyền thống khi về quê thì thường mua quà. Cho nên, nhu cầu thưởng Tết ở Việt Nam gần như có tính truyền thống và văn hóa. Đặc biệt phù hợp với lao động di chuyển nhiều.

Theo tôi, khi trình độ phát triển giữa nông thôn và thành thị không chênh lệch nhau nhiều, thị trường lao động ổn định dần thì vấn đề về thưởng Tết sẽ giảm dần. Tuy nhiên, điều này có lẽ còn rất lâu mới diễn ra.

Vài năm trước đây có tình trạng doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng sản phẩm hay hiện vật. Điều này liệu còn đảm bảo mục tiêu động viên, khuyến khích người lao động, thưa ông?

Thưởng tết bằng hiện vật chứng tỏ doanh nghiệp chưa phát triển, nên cực chẳng đã phải lấy sản phẩm ra để thưởng. Đây là việc làm không có nhiều ý nghĩa động viên với người lao động.

Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu tiêu dùng của mỗi người một khác. Người lao động có nhu cầu lấy tiền mua sản phẩm phù hợp cho mình.

Nếu doanh nghiệp thưởng sản phẩm, người lao động phải đem đi bán lại để lấy tiền mua sản phẩm hay dịch vụ khác. Đây là việc cực chẳng đã với doanh nghiệp.

Theo tôi cách tốt nhất là doanh nghiệp nên thưởng bằng tiền.

Luật lao động không quy định việc thưởng Tết là bắt buộc. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thưởng Tết có ý nghĩa quan trọng với người lao động. Vậy theo ông, một cơ chế nào được coi là hợp lý trong lúc này nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động?

Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH có công văn yêu cầu doanh nghiệp kết hợp với tổ chức công đoàn báo cáo kế hoạch thưởng Tết và thông báo với người lao động.

Theo quan điểm của tôi, việc thưởng Tết phải theo năng lực của doanh nghiệp và cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người lao động.

Trong điều kiện hiện nay, tổ chức công đoàn cơ sở cần chủ động thoả thuận với doanh nghiệp nhằm đưa nội dung thưởng Tết vào thoả ước tập thể ngay từ đầu.

Khi đó, dù cơ quan nhà nước không có quy định bắt buộc thưởng Tết. Nhưng với doanh nghiệp, việc thỏa thuận trong thoả ước lao động đã như là một cam kết, thậm chí có tính pháp lý bền vững. Như vậy, cơ quan nhà nước không cần đứng ra chỉ đạo việc này.

Muốn làm được như vậy, vai trò của công đoàn cơ sở cần phải mạnh và quyết liệt hơn nữa.

Tại sao người lao động hay đình công vào dịp cuối năm?

"Câu chuyện đình công cuối năm thường có nhiều lý do, trong đó liên quan đến tiền lương và thưởng tết là chủ yếu. Gần như đã thành quy luật, khi người lao động có nhu cầu chi tiêu thêm. Doanh nghiệp không đáp ứng thỏa mãn và có thể “cắt xén” chi phí. Việc này có thể gây bức xúc hơn khi cuối năm. Nếu doanh nghiệp không xử lý tốt dễ dẫn tới tranh chấp, đình công.

Giải pháp của tình trạng này đòi hỏi phải có sự thoả thuận từ đầu năm để có thể xây dựng quan hệ lao động hài hoà và tránh xung đột không đáng có vào dịp cuối năm" - ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện