Thu nhập bình quân của công nhân viên chức lao động tăng 10%

Thu nhập bình quân của công nhân, viên chức, lao động tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở.

Thu nhập bình quân của công nhân, viên chức, lao động tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 5 (khóa XII) diễn ra sáng 10.1, đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động công đoàn năm 2019; nhiệm vụ trọng tâm công tác công đoàn năm 2020.

Thu nhập bình quân của công nhân viên chức lao động tăng 10% - 1

Theo báo cáo, trong năm 2019, việc làm, thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện. Hơn 138 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hơn 39,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, ước tạo thêm hơn 1,2 triệu việc làm.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, giải thể vẫn ở mức cao, có doanh nghiệp cùng lúc cắt giảm số lượng lao động lớn; tình trạng doanh nghiệp có chủ bỏ trốn vẫn diễn ra ở một số địa phương, cùng với quy trình giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp khi chủ bỏ trốn, phá sản, giải thể vẫn còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc đối với người lao động.

Thu nhập bình quân của công nhân, viên chức, lao động tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở.

Tình trạng nợ lương, trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 10, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải thu là khoảng hơn 14,8 nghìn tỉ đồng; trong đó có 276.275 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 7.978,5 tỉ đồng. 

Thu nhập bình quân của công nhân viên chức lao động tăng 10% - 2
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động công đoàn năm 2019; nhiệm vụ trọng tâm công tác công đoàn năm 2020. Ảnh: Sơn Tùng.

Bên cạnh đó, hoạt động vay nợ, vay nóng từ các tổ chức tín dụng tư nhân với lãi suất cao có xu hướng giảm nhưng lại xuất hiện những hình thức mới, tinh vi hơn, gần đây hiện tượng cho vay, cầm cố, mua lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động có chiều hướng gia tăng dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong năm 2019 ghi nhận tâm trạng phấn khởi của đoàn viên, người lao động phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn.

Người lao động đặc biệt quan tâm tới những nội dung mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ tám.

Bên cạnh đa số ý kiến đồng tình, vẫn còn một bộ phận người lao động băn khoăn về quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Một bộ phận công chức, viên chức hợp đồng có băn khoăn trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, sáp nhập các huyện, xã ở một số địa phương…

Trong buổi sáng, các đại biểu còn nghe về các nội dung: Tờ trình Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn”; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn các cấp năm 2019, chương trình công tác năm 2020; Thông tin, quán triệt Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng (khóa XII) về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”; Báo cáo những điểm mới của Bộ luật Lao động; thông tin, quán triệt về những vấn đề đặt ra đối với tổ chức Công đoàn khi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập; Tờ trình về Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về các vấn đề trên trong chiều 10.1.

Theo Quế Chi - Sơn Tùng/Báo Lao động