Thụ lý khởi kiện 3.000 doanh nghiệp nợ BHXH, vì sao còn bế tắc?

(Dân trí) - “Tới thời điểm hiện nay, công đoàn đã chuyển hơn 3.000 hồ sơ nợ BHXH của doanh nghiệp sang Toà án để thụ lý theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên, việc xử lý còn vướng mắc bởi sự khác biệt trong nhận thức từ các quy định pháp luật liên quan”.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trao đổi với báo giới tại Hội nghị tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức sáng 12/4 tại Đà Nẵng.

Trước đó, Điều 14 Luật BHXH 2014 - có hiệu lực từ 1/1/2016 - đã quy định: Tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nói về tình hình khỏi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Trên cơ sở đó, trong 3 năm qua, tổ chức công đoàn đã triển khai việc đề nghị ngành toà án thụ lý hồ sơ về nợ BHXH do các cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành chuyển sang.

“Trong số khoảng 3.000 hồ sơ của ngành công đoàn gửi sang toà án đề nghị khởi kiện, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể. Phần còn lại chưa thực hiện bởi những vướng mắc về mặt pháp lý” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ luật hiện hành, gồm: Luật tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên Toà án các cấp vẫn từ chối thụ lý.

“Đơn cử như tư cách khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ do tổ chức công đoàn cơ sở hay tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp? Có nơi vẫn cho rằng, trình tự xử lý nợ BHXH cần theo thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể về quyền. Do đó cần được cấp chủ tịch UBND huyện giải quyết. Nếu không giải quyết được thì toà án mới vào cuộc..."

Thụ lý khởi kiện 3.000 doanh nghiệp nợ BHXH, vì sao còn bế tắc? - 1

Về quy định đại diện khởi kiện, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Hiến Pháp đã quy định rõ vai trò đại diện của người lao động của tổ chức công đoàn.

“Theo đó, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Trên cơ sở đó, đại diện Tổng LĐLĐ VN tại Hội nghị cho rằng, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH không cần thiết phải lấy đầy đủ chữ ký của người lao động khi uỷ quyền cho tổ chức công đoàn. Điều này có ý nghĩa khi doanh nghiệp có tới hàng ngàn lao động có tranh chấp về BHXH với chủ sử dụng lao động, tổ chức công đoàn tránh được việc phải đi lấy chữ ký của từng người khi đứng ra đại diện khởi kiện.

“Mặt khác, tư cácg đại diện khởi kiện có thể giao cho tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm BHXH. Điều này nhằm giúp tránh “thế bí” cán bộ công đoàn cơ sở khi đang trực tiếp nhận lương và chịu sự phân công công việc của chủ doanh nghiệp” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Theo Tổng LĐLĐ VN, những vướng mắc trong công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng bàn thảo và sớm tháo gỡ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Cần nâng cao nhận thức của người lao động về BHXH

Theo ông Ngọ Duy Hiểu: “Vẫn còn tình trạng chủ doanh nghiệp và người lao động thoả thuận với nhau việc không đóng BHXH trong hợp đồng lao động. Điều này xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của người lao động về quyền lợi lâu dài của mình khi nghỉ hưu. Mặt khác, một nhóm người lao động lại chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt và muốn nhận BHXH một lần. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động”.

Hoàng Mạnh