1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thủ khoa hội họa đi bán cà phê mưu sinh

(Dân trí) - Thủ khoa đầu vào trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, tốt nghiệp đầu ra loại xuất sắc với 9,7 điểm. Chưa có việc làm đúng chuyên môn, cử nhân này đang đi bán cà phê với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng tại Hà Nội.

Thủ khoa đi bán cà phê

Nắng cũng như mưa, một ngày bình thường của bạn Nguyễn Hải Giang (Bắc Ninh) diễn ra như sau: Buổi sáng dậy, cho mèo ăn và đi làm ở quán cà phê cách nơi trọ khoảng 7km. Sau một ngày vừa làm công việc pha chế, phục vụ, vừa dọn dẹp, trông coi quán đến cuối buổi chiều thì Giang về nhà, cho mèo ăn, nghỉ ngơi và kết thúc một ngày.

Ít người biết rằng, cách đây gần 6 năm, Hải Giang là thủ khoa của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Năm 2015, Giang tốt nghiệp ra trường với số điểm 9,7 điểm, cũng là thuộc tốp đầu của những sinh viên cùng lứa.

Ngoài ra, khi còn là sinh viên trong trường, Giang có thành tích học tập xuất sắc và tham gia nhiều hoạt động sinh viên và được kết nạp vào Đảng. Giang cũng từng được vinh danh thủ khoa ở Phủ Chủ tịch và được giải thưởng Hoa Trạng nguyên.

Hải Giang khá may mắn khi tìm được công việc tại quán cà phê đúng gu của mình.
Hải Giang khá may mắn khi tìm được công việc tại quán cà phê đúng "gu" của mình.

Với hồ sơ “đẹp” như vậy, về lý thuyết Giang sẽ dễ tìm được việc.

Khi về quê ở Bắc Ninh, với chuyên ngành Hội họa, Giang nộp hồ sơ và được nhận vào một trường mầm non tư thục làm giáo viên bộ môn.

Giang tâm sự: “Thật ra, như công việc của em chỉ cần bằng cao đẳng là được. Nhưng em lại là bằng đại học, nên người ta phải trả lương đại học”. Và thế là, dù là cử nhân ngành hội họa, được nhận vào làm giáo viên bộ môn, nhưng Giang phải làm thêm nhiều công việc khác như: Chăm trẻ, vẽ tranh tường, trang trí lớp, viết bài đăng website của trường và đủ thứ việc không tên khác.

Ngoài ra, chỉ vì “làm được việc”, Hải Giang còn chịu đủ thứ ghen tị, nói xấu, và đủ thứ “chuyện đàn bà” đổ lên đầu. Sau ba tháng, Giang bỏ việc. Giang kể: “Hồi em mới bỏ việc, có người bảo xin cho em đi làm ở khu công nghiệp, nhưng phải giấu bằng đại học đi. Em cứ buồn cười. Mẹ em nghe người ta bảo chạy việc vào nhà nước hết 150 triệu đồng, nhưng em thương mẹ nên không chịu”.

Chưa hết hy vọng với nghề

“Ban đầu, mẹ em vẫn chưa biết em đi bán cà phê đâu. Vẫn nghĩ em ở Hà Nội đi học tiếng Anh đấy. Sau thì mẹ biết, vẫn thương con và thích em đi dạy học vì nghĩ thế thì ổn định. Nhưng em nghĩ 150 triệu đồng ấy thà để em kinh doanh còn hơn" - Giang kể.

Tiền thuê nhà hết 1,5 triệu đồng/tháng, bán cà phê không thì không đủ chi tiêu ở thành phố đắt đỏ như Hà Nội, phải làm thêm rất nhiều việc khác. Mỗi tuần Hải Giang dạy thêm mỹ thuật 3 buổi tối ở các trung tâm. Ngoài ra, cô còn viết thuê tiểu luận và khóa luận.

Công việc mới dù không hay ho, nhưng cũng giúp có thêm thu nhập. Giang kể: “Nhiều bạn lười nên em có việc làm. Họ thuê em viết tiểu luận, cứ 300.000 đồng/luận văn. Cái nào viết tay thì cứ 200.000 đồng/15 trang. Nói chung giá em làm rẻ nên cũng đắt hàng. Như khóa luận tốt nghiệp thì 3.000.000 đồng/bản. Khóa luận thạc sĩ thì cao hơn. Mình vừa đọc, vừa làm, kiến thức nó lại vào đầu mình, lại có thêm tiền”.

Tắm - Tranh sơn mài của Hải Giang.
"Tắm" - Tranh sơn mài của Hải Giang.

“Đi làm quán cà phê cũng vui và không quá vất vả, lại được gặp gỡ nhiều người thú vị. Bạn bè cùng học với em nhiều người vất vả lắm, nhiều bạn ra trường không làm đúng ngành học của mình mà đi làm nhiều nghề khác nhau như: Làm đồ gỗ, làm tượng, vẽ tranh tường…thậm chí có người chuyển hẳn sang làm dẫn chương trình truyền hình”.

Mưu sinh như vậy, nhưng Hải Giang vẫn còn thời gian dành cho cho nghề nghiệp của mình.

Cô tâm sự: “Bằng cấp, bằng khen giờ cất hết. Em không tiếc thời gian đi học mà cái chính là giờ học xong không biết dùng vào đâu. Em muốn đi học nữa, học cao lên, thậm chí ra nước ngoài học vì có môi trường học tập, làm việc tốt hơn, nhưng không phải cứ muốn là được”.

“Em đang tham gia vào một nhóm làm về các hoa văn trong vốn cổ Việt Nam. Dự án này mà xong thì có tính ứng dụng rất cao, có thể áp dụng vào rất nhiều ngành nghề khác nhau như may mặc, thời trang, làm trang sức hay gốm sứ…Còn nếu không em sẽ về quê, mở một quán cà phê và làm trung tâm cứu hộ chó mèo. Em còn trẻ và còn rất nhiều dự định”.

Hoàng Lan