1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thợ mộc, thợ nề vẫn có “đất sống” trong cách mạng 4.0

(Dân trí) - “Robot có thể thay thế con người trong các công việc có tính chu kỳ, tuy nhiên con người khó có thể bị thay thế ở những công việc đòi hỏi tính sáng tạo và học hỏi”.

Thợ mộc, thợ nề vẫn có “đất sống” trong cách mạng 4.0 - 1

Phát biểu tại Hội thảo về nhân lực Kỷ nguyên số sáng 14/11 tại Hà Nội (chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Manpower Group tổ chức), ông Simon Matthew - Tổng Giám đốc ManpowerGroup VN, Thái Lan và Trung Đông nhấn mạnh tới sự thay đổi về cơ cấu việc làm trong thời gian tới.

Theo đó, tương lai của việc làm chắc chắn sẽ bị tác động bởi cách mạng 4.0. Tuy nhiên, dự báo của ManpowerGroup cho thấy, tương lai không hề "u tối" như nhiều ý kiến cho rằng tự động hóa sẽ thay thế hoàn toàn con người.

Khảo sát của ManpowerGroup tại 42.000 doanh nghiệp trên toàn cầu cho thấy, các loại công việc đòi hỏi tay nghề vẫn được xếp vào loại công việc khó tìm được nhân lực nhất trong những năm đầu của kỷ nguyên số.

Những công việc này đòi hỏi tính sáng tạo, sự học hỏi không ngừng như thợ điện, thợ mộc, thợ nề…

“Dù có đem lại nhiều thách thức mới nhưng cách mạng 4.0 không hề xem là mối đe doạ. Bởi sự sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và linh hoạt trong nhận thức là những kỹ năng nêu bật tiềm năng của con người và giúp họ vẫn là lực lượng lao động quan trọng, không bị robot thay thế hoàn toàn” - ông Simon nói.

Bên cạnh đó, ông Simon cũng chỉ ra những nguy cơ đối với các ngành nghề khác trước tác động của kỷ nguyên số, cuộc cách mạng 4.0.

Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.

Trong danh sách những ngành nghề khó tuyển dụng nhân sự nhất có thể kể đến các CNTT với 26 %, nhân sự 20 %, dịch vụ khách hàng 15 %, quản trị văn phòng 5 %, sản xuất và chế tạo 4 %...Ông Simon nhận định: “Tại Việt Nam, tình hình thiếu hụt nhân tài cũng như thế giới. Chỉ có 18,6 % lực lượng lao động được đào tạo. Lực lượng lao động còn thiếu kỹ năng mềm, đạo đức trong kinh doanh và tinh thần trách nhiệm và khả năng thích nghi trong môi trường làm việc mới”.

Cách mạng 4.0 đặt ra những thách thức mới mà lao động phải đối mặt, đó là: Tự động hoá, Robots, trí thông minh nhân tạo và số hoá. Cũng theo khảo sát toàn cầu của ManpowerGroup, hơn 90 % giới chủ dự đoán tổ chức của họ sẽ bị tác động bởi số hoá trong hai năm tới.

Trong điều kiện đó, ManpowerGroup nhận định: Nhu cầu về kỹ năng của lao động trong Kỷ nguyên 4.0 sẽ được nâng cao, đơn cử như kỹ năng của CEO sẽ thành kỹ năng của quản lý cấp trung và kỹ năng của quản lý cấp trung sẽ thành kỹ năng của nhân viên.

Đồng thời, máy móc sẽ thay thế các kỹ năng đơn giản và có tính lặp đi lặp lại. Để tồn tại, lực lượng lao động trong nước cần tự trao dồi và nâng cao các kỹ năng.

“Sự thay đổi không chờ chúng ta, tất cả các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà giáo dục và chính phủ phải chủ động nâng cao kỹ năng và đào tạo lại nhân sự để mọi người đều được hưởng lợi từ cuộc cách mạng 4.0” - ông Simon nói.

Hệ thống dịch vụ việc làm trước tác động cách mạng 4.0 sẽ ra sao?

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Kỷ nguyên số hay còn gọi là cách mạnh 4.0 tác động đang to lớn tới thị trường lao động, làm thay đổi số lượng công việc, cấu trúc việc làm, phương thức cơ bản trong phát triển cung cầu lao động, phương thức đào tạo truyền thống trong nhà trường…

Vấn đề thích ứng kỷ nguyên số thu hút sự quan tâm của các quốc gia, vấn đề đào tạo nhân lực phù hợp với kỷ nguyên số là điều quan trọng.

Trong bối cảnh đó, dịch vụ việc làm đóng vai trò quan trọng trong thị trường lao động, kết nối doanh nghiệp và người lao động. Dù thị trường có phát triển thế nào, thì dịch vụ việc làm vẫn phát triển để phục vụ các phân khúc thị trường khác nhau.

Cuộc cách mạng 4.0 không làm mất đi cơ hội của các trung tâm dịch vụ việc làm. Ngược lại, hệ thống này có thể tận dụng sự phát triển của CNTT để tăng cường các dịch vụ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp”.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Việt Nam có 8,2 triệu lao động ở khu vực phi chính thức

Đây là thông tin tại buổi công bố kết quả khảo sát về Việc làm phi chính thức tại Việt Nam do Dự án Hỗ trợ chuyển hóa sang chính thức tại Việt Nam, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức, trong tháng 10/2017.

Thợ mộc, thợ nề vẫn có “đất sống” trong cách mạng 4.0 - 2

Theo đó, việc làm chính thức có xu hướng giảm dần trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016 (từ 58,8% xuống 57,2%). Thông tin cụ thể cho thấy, cả nước hiện có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể, đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 8,2 triệu lao động. Các hộ kinh doanh này rất hạn chế về mặt quy mô lao động với khoảng 1,7 lao động/cơ sở. Lý giải về thực trạng việc làm phi chính thức ngày càng giảm đi, nhóm nghiên cứu cho rằng, kinh tế không sáng sủa, người lao động rất khó tìm được việc làm hoặc duy trì việc làm chính thức. Kết quả khiến đa số lao động có việc làm phi chính thức chỉ chiếm khoảng 57,2%. Đại diện ILO cũng cho rằng đánh giá tác động của khu vực phi chính thức đối với nền kinh tế là rất khó đo lường, cần nhìn nhận người lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, để "chính thức hóa" được khu vực này cần có những chính sách đặc thù hiệu quả hơn đối với từng nhóm đối tượng.

H.A

Phiên GDVL ngành du lịch: Nhiều vị trí tuyển dụng hấp dẫn

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Phiên Giao dịch việc làm lĩnh vực khách sạn - nhà hàng sẽ được tổ chức sáng 16/11 với sự tham gia của 57 doanh nghiệp và hơn 850 chỉ tiêu tuyển dụng.

Thợ mộc, thợ nề vẫn có “đất sống” trong cách mạng 4.0 - 3

Cụ thể trong số 57 doanh nghiệp tham gia sẽ có 36 doanh nghiệp tuyển lao động trong lĩnh vực khách sạn - nhà hàng, với nhiều vị trí hấp dẫn như: Quản lý nhà hàng, giám sát nhà hàng, bếp trưởng, lễ tân, nhân viên pha chế, nhân viên buồng, phục vụ, tạp vụ,… Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội, nhu cầu tuyển lao động là nam chỉ cao hơn 4,5% so với nhu cầu tuyển lao động là nữ. Điều này cho thấy yêu cầu về giới tính không quá quan trọng đối với nhu cầu của các doanh nghiệp. Yêu cầu của các doanh nghiệp đối với ứng viên chủ yếu là sự nhiệt tình, đam mê công việc, khả năng sáng tạo, xử lý tình huống và khả năng chịu được áp lực công việc…Về mức thu nhập của các vị trí, ông Vũ Quang Thanh cho biết, mức lương từ 5 - 7 triệu/tháng chiếm tỷ lệ cao nhất, với 338/855 chỉ tiêu. Đây là mức thu nhập dành cho các vị trí như: Nhân viên bếp, nhân viên lễ tân, nhân viên buồng, nhân viên pha chế…Mức thu nhập từ 3,75 - 5 triệu có tới 266/855 chỉ tiêu. Mức thu nhập này dành cho lao động phổ thông như: Nhân viên phục vụ bàn, nhân viên phụ bếp.

N.L