Thị trường việc làm châu Á trước nguy cơ “đổ vỡ” vì Covid-19

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại các nước châu Á không có dấu hiệu báo động. Tuy nhiên, phía sau đó là những nguy cơ “đổ vỡ”.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Hong Kong mới chỉ dừng ở mức 5,9% trong tháng 5, so với mức 2,8% của 1 năm trước đó, bất chấp nền kinh tế đang lâm vào cảnh suy thoái kể cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Trong khi đó, ở Philippines, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp 3 lần từ tháng 1 đến tháng 4, lên tới mức 17,7%.

Theo Nikkei, tỷ lệ thất nghiệp theo công bố của các nền kinh tế châu Á vẫn thể hiện sự ổn định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, dưới tảng băng đó là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động khu vực đang “nghìn cân treo sợi tóc”.

Có một đội ngũ ngày càng tăng của những người lao động có nguy cơ thất nghiệp nếu một làn sóng mới của Covid-19 xuất hiện hoặc khi xuất khẩu sụt giảm, vì sự đóng cửa của các nền kinh tế phương Tây sẽ ảnh hưởng đến khu vực. Chính phủ châu Á phải chuẩn bị hành động.

Thị trường việc làm châu Á trước nguy cơ “đổ vỡ” vì Covid-19 - 1

Một công nhân ngành may mặc nằm bên ngoài nhà máy ở Ấn Độ khi nhà máy buộc phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Á không phản ánh đúng bức tranh thực tế. Những người mất việc làm nhưng lựa chọn không tìm việc mới ở thời điểm này vì lo ngại sự lây nhiễm Covid-19 lại không được tính vào. Những người nhiều tuổi quyết định nghỉ hưu cũng không được tính vào số liệu người không có việc làm - là 1 kịch bản chung ở các nước Đông Nam Á. Bản chất không chính thức ở thị trường việc làm các nước thu nhập thấp ở châu Á có thể che giấu thực tế của tình trạng thất nghiệp.

Những người châu Á đang có việc làm hiện đang làm việc ít thời gian hơn và nhận lương thấp hơn trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Điều này có thể là do luật bảo vệ việc làm nghiêm khắc hơn và các yếu tố văn hoá chặt chẽ hơn nên thị trường lao động của châu Á thường không linh hoạt như ở Hoa Kỳ khi nói đến việc sa thải công nhân.

Tại Hông Kông, số lượng lao động thiếu việc làm đã tăng lên 135.100 người trong tháng 5, tăng 185% so với tháng 12 và là mức tăng mạnh nhất trong lịch sử.

Số người Nhật Bản được phân loại là nhân viên "không làm việc" đã tăng trong tháng 4 lên mức kỷ lục 6 triệu, tương đương 8,8% lực lượng lao động, từ 2,5 triệu người trong tháng 3.

Ở các nước có nguồn thu nhập thấp ở châu Á, là nơi hầu hết người lao động làm việc ở ngành nghề phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp tiềm ẩn thận chí còn tăng mạnh hơn, và không được đưa vào số liệu chính thức.

Ví dụ, những người di cư trở về làng quê vì cơ hội việc làm ở thành phố không còn nữa khi chính phủ đóng toàn bộ nhà xưởng, cửa hàng. Số lượng người này vẫn được tính là đang có việc làm dù thực tế họ có thể không có gì để làm.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,9% trong tháng 5, nhưng con số này lại không tính số lao động nhập cư. Mặc dù Trung Quốc ước tính, đến ngày 30/4, 90% lao động nhập cư đã trở lại làm việc, nhưng nước này vẫn có tới 30 triệu người mất việc.

Thực tế, theo Nikkei, các chuyên gia ước tính, gần 48 triệu lao động có nguy cơ mất việc ở Trung Quốc làm ở trong các lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu.

Bức tranh này cũng tương tự ở Ấn Độ. Khảo sát ở khu vực tư nhân cho thấy tỷ lệ thất nghiệp lên tới 8,5% trong tuần thứ 3 của tháng 6. Tuy nhiên, số liệu này không tính hàng triệu lao động nhập cư đã trở về làng quê của họ.

Nikkei đánh giá, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với thị trường việc làm đầy mong manh của châu Á, khi mà tình hình xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng trong thời gian tới.

Thị trường việc làm châu Á trước nguy cơ “đổ vỡ” vì Covid-19 - 2

Gần 48 triệu người lao động Trung Quốc có nguy cơ bị mất việc.

Cú sốc Covid-19 đã tàn phá nặng nề nhất đối với các dịch vụ tùy ý, từ nhà hàng và khách sạn đến du lịch và giải trí. Tất cả đều đang phục hồi chậm nhưng đây là những ngành chiếm tỷ lệ việc làm cao.

Chỉ là vấn đề thời gian trước khi nhiều doanh nghiệp dịch vụ này phải lựa chọn giữa cắt giảm nhân công hoặc đối mặt với phá sản.

Từ góc độ quản lý rủi ro, các nhà hoạch định chính sách châu Á nên hỗ trợ trực tiếp hơn cho các công ty dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp hoặc trợ cấp có điều kiện để giữ công nhân trong biên chế. Một số chính phủ trong khu vực, bao gồm Singapore và Hong Kong đã bắt đầu làm điều này.

Đối với các quốc gia có khu vực phi chính thức lớn và các vấn đề thất nghiệp tiềm ẩn, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines, chính quyền nên hỗ trợ trực tiếp hơn cho các hộ gia đình.

Các ngân hàng trung ương châu Á cũng có thể đóng một vai trò lớn hơn, bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp và khuyến khích các ngân hàng thương mại duy trì cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ bằng cách cung cấp cho họ nguồn vay không tính lãi.

Tiến sâu hơn vào lĩnh vực chính sách tiền tệ không bình thường có thể dẫn đến các loại tiền tệ yếu hơn nhưng đó sẽ là một cái giá nhỏ phải trả để giảm nguy cơ sóng thần thất nghiệp, giảm cải thiện năng suất và giảm tốc độ tăng trưởng dài hạn.

Một số quốc gia ở châu Á đang bắt đầu đánh giá cao sự cấp bách. Trong những tuần gần đây, chính phủ Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đã công bố các gói kích thích tài chính bổ sung lớn hơn dự kiến, tập trung vào việc duy trì công ăn việc làm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố một phương tiện đặc biệt để cung cấp vốn không có lãi cho các ngân hàng nhỏ hơn để cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ. Hy vọng, những nước khác trong khu vực sẽ lưu ý và nhanh chóng làm theo để tránh làm cho thị trường lao động “sụp đổ”.

Minh Anh

Theo Nikkei Asia