1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thái Lan sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam vào 2 ngành xây dựng và đánh cá

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH VN Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan Sirichai Distakul đã có buổi làm việc hôm 20/4 tại Hà Nội. Nội dung nhằm bàn bạc về thỏa thuận mở cửa thị trường cho lao động VN vào làm việc tại Thái Lan.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo nội dung này, Thái Lan sẽ tiếp nhận lao động VN vào làm việc tại 2 ngành xây dựng và đánh cá. Đây cũng chính là các ngành mà Việt Nam có thế mạnh. Việc thỏa thuận được thực hiện trên tinh thần đẩy mạnh hợp tác giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan trong lĩnh vực lao động và Bản ghi nhớ hợp tác về lao động và Thỏa thuận tuyển dụng lao động giữa hai nước được ký năm 2015.

Trước đó, hôm 19/4, ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã chủ trì làm việc với Đoàn cán bộ của Thái Lan. Nội dung cuộc trao đổi liên quan đến triển khai Thoả thuận phái cử và tiếp nhận lao động, thống nhất quy trình thủ tục đưa lao động VN sang làm việc tại Thái Lan, các chi phí dự kiến người lao động chi trả, danh sách các đơn vị phái cử lao động của VN.

Theo đó, các đơn vị được phép tham gia phái cử lao động Việt Nam sang Thái Lan được Bộ Lao động 2 nước đồng ý sẽ gồm 4 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Lao động ngoài nước - trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH; Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An - trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An; Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh - trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh; Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình - trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình).

Ngoài ra, 5 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được phép phái cử lao động sang Thái Lan. Danh sách bao gồm: Công ty Sona, TTLC, Thinh long CORP, Hoang Long HURESU, Vihatico.

Những đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trên được lựa chọn vì đáp ứng các điều kiện: Kinh nghiệm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong ngành đánh bắt cá và xây dựng, có đối tác Thái Lan để hợp tác cung ứng lao động trong 2 ngành nghề này, khai thác được nguồn người lao động ở những địa phương có thế mạnh về nghề đánh bắt cá và xây dựng…

Theo lộ trình tiến tới việc ký kết Thỏa thuận vào tháng 5, phía Thái Lan thống nhất sẽ thông báo cho phía Việt Nam các thủ tục vào cuối tháng 4/2016, như: Mẫu hợp đồng lao động, tài liệu để phục vụ hoạt động đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh, nội dung kiểm tra sức khỏe với người lao động.

Đồng thời, danh sách các cơ quan tiếp nhận phía Thái Lan cũng như các chi phí người lao động phải chi trả cũng sẽ được cung cấp.

Căn cứ vào kết quả thực hiện, nhu cầu thực tế của người sử dụng lao động Thái Lan và khả năng đáp ứng của người lao động VN, phía Thái Lan sẽ xem xét mở các ngành nghề mới để tiếp nhận thêm lao động từ VN.

Thỏa thuận này đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ lao động giữa hai nước, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc xuất khẩu lao động, tiến tới chấm dứt lao động không phép tại Thái Lan. Theo số liệu thống kê không chính thức, khoảng 50.000 lao động VN đang làm việc không giấy phép tại Thái Lan.

Hoàng Mạnh