1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tết của những người mưu sinh xa quê

Đang mùa rét vậy mà mới 5 giờ sáng, khi đèn đường còn chưa tắt, chị Hà đã lao ra đường. Tiếng xe cút kít, tiếng rao bán bánh mì, bánh bao len lỏi mọi ngõ ngách của thành phố vẫn đang còn chìm trong giấc ngủ...

Gia đình ở đâu, quê hương ở đó

Bán ngô đêm. Ảnh: H. Nghị
Bán ngô đêm. Ảnh: H. Nghị

Chị Hà 39 tuổi, quê ở vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh ra Hà Nội kiếm sống từ hồi cuối tháng 10 vừa rồi. Chia sẻ về lý do, chị Hà cho biết: “Con học đại học ngoài ni. Cơn lũ vừa rồi cuốn hết tài sản, ở nhà không làm gì ra tiền, tui ra với con cho mẹ con có nhau”.

Chị Hà với con gái trọ gần “xóm ngô khoai” Đồng Bát, Mai Dịch. Trước đây, xóm trọ Đồng Bát rộng lắm nhưng bây giờ những chung cư cao tầng “o ép” nên nó thu hẹp dần. Xóm trọ giờ là nơi trú chân của hàng chục con người lao động ngoại tỉnh, song những người mới đến như chị Hà không còn chỗ. Thế nên, chị phải thuê phòng trọ với giá 1,5 triệu/tháng, đắt hơn nhiều những người khác.

“Tôi đi bán ngô đêm chỉ đủ tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt của hai mẹ con và trả học phí cho con. Muốn mua cho con cái áo mặc mùa đông thì phải cóp nhặt số dư tiết kiệm của 2-3 tháng mới đủ”, chị Hà nói. Hai mẹ con chưa quyết định sẽ đón Tết Nguyên đán ở đâu bởi chồng chị hiện cũng đang làm bảo vệ cho một nhà máy ở phố Nối, Hưng Yên. “Nếu chồng phải trực, mẹ con ở lại với bố luôn. Gia đình ở đâu, quê hương ở đó”, chị cười buồn.

Khi hỏi về việc chuẩn bị Tết nhất đến đâu, chị Hà cho hay: “Tết cũng như người ta thôi, mâm xôi con gà cúng gia tiên. Không có nhiều tiền để chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, kế hoạch đi chơi như người ta”. Điều chị đau đáu khi nghĩ về quê nhà là không biết từ khi chị đi mọi người đã gượng dậy được sau lũ chưa. Quê nghèo càng phải chịu khó, không còn cách nào khác phải bòn kiếm từng đồng, với suy nghĩ như vậy nên Hà Nội dù mưa hay nắng chị vẫn đẩy xe bánh bao, bánh mì đầy ắp, qua từng con phố, từng ngõ vắng để tìm khách.

Chị Hà cho biết, nhiều đồng hương của chị cũng tạm rời quê hương, rời mảnh ruộng quen thuộc đến các thành phố kiếm sống. Quê chị nhiều phụ nữ cũng phải lăn lộn mưu sinh, đa số đến thành phố Vinh, thành phố Hà Tĩnh kiếm việc làm. “Số ít ra Hà Nội thì làm giúp việc cho người gốc ở quê. Mình tui không thạo chăm trẻ nên đi bán ngô”, chị cho hay.

9 năm, vài lần về Tết

Hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa) nhiều năm nay được coi là ô nhiễm nặng nhất trong các hồ tại Hà Nội hiện nay. Thế nhưng đó lại là nơi trú ngụ của một cộng đồng ngụ cư khá đông. Đôi vợ chồng Thành - Mai đã gắn cuộc đời vợ chồng với hồ Linh Quang nhiều năm qua. Người chồng 49 tuổi, làm bốc vác, người vợ 43 tuổi nhặt rác tại các hầm rác của những khu chung cư.

Không nghề nghiệp, con cái hay người thân nương tựa, vợ chồng anh Thành kéo nhau từ Hưng Yên lên Hà Nội mưu sinh đến nay đã hơn 9 năm. Hàng ngày, anh dậy từ sáng sớm, ai thuê gì làm nấy, hết bốc vác lại quay về giúp vợ phân loại rác. Người vợ tối tối lại đến các khu nhà rác chung cư, chờ xe rác đến để bới tìm cái gì đó đem về nhập cho cửa hàng đồng nát. Vợ chồng anh Thành chỉ đủ ăn qua ngày. Sức khỏe yếu nên hôm nay trở trời anh Thành lại đau nhức trong người nên phải ở nhà cơm nước đợi vợ đưa “rác” về nhặt rồi cùng ăn cơm.

Bình thường, lúc khỏe mạnh, ngày làm việc của anh Thành bắt đầu từ 5h30 sáng. Anh ra chợ Long Biên nhận việc rồi đội trên đầu bao tải chất đầy thùng xốp bên trong. Anh bảo: “Sáng sớm cứ phải làm mấy chuyến “khởi động” mới có ít tiền tạt vào quán mua gói xôi. Trưa đến, ít việc về nhà ăn cơm vợ nấu, nếu nhiều việc thì ăn qua loa cái bánh mì, hoặc xông xênh thì làm bát bún. Buổi chiều thường ít việc nên tôi thường cùng vợ phân loại đống phế liệu, túi bóng thu gom được mang đi bán. Trung bình mỗi ngày, ít nhất cũng kiếm được 50.000 đồng từ đồng nát”.

Nói đến Tết, đôi vợ chồng không nhà cửa này chia sẻ, họ hy vọng đủ tiền mua vài kg gạo, ít thịt, nước, mấy hòn than thổi lò. “Tết nhất có năm về, năm thì ở lại, tùy điều kiện. Vợ chồng mình không có con, nên khá thoải mái đi về hay ở. Giá như có mụn con thì Tết nào cũng phải cố về cho con biết quê hương họ hàng”, giọng người đàn ông trung niên buồn buồn.

Nghe chuyện, chị Mai động viên chồng: "Vợ chồng có nhau là vui rồi. Cái Thơm ở Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), cũng quê Hưng Yên, ra Hà Nội làm thêm quen một anh rồi ở chung, có con. Nhưng khổ, con bị dị tật, anh kia trốn biệt tích. Thơm một tay bán hàng dạo, một tay bế con. Mình còn sướng chán”. Chị Mai nhắc đi nhắc lại câu cuối như để động viên chồng, động viên mình.

Công việc của những người lao động chân tay khắp Thủ đô, không ai đong đếm tháng ngày, không đong đếm mệt nhọc mà chỉ đong đếm số tiền kiếm được mỗi ngày. Tuy nghèo, nhưng tình cảm gia đình dành cho những người cùng cảnh ngộ thật đáng quý.

“Tết cũng như người ta thôi, mâm xôi con gà cúng gia tiên. Không có nhiều tiền để chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, kế hoạch đi chơi như người ta”.

Theo Báo Gia đình xã hội