Tăng tuổi nghỉ hưu: Lãnh đạo có chịu rời ghế làm nhân viên?

Rất nhiều người về hưu suy sụp cả tinh thần và thể chất do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân phải từ bỏ vị trí công việc quen thuộc.

Lâu nay, người đến tuổi nghỉ hưu thường có tâm trạng rất buồn, thậm chí, có trường hợp cầm quyết định nghỉ hưu thì sốc nặng. Chuyện đó cũng dễ hiểu, vì cuộc đời từ khi trưởng thành, tính ra, thời gian sống ở nơi làm việc nhiều hơn thời gian sống với gia đình nếu không tính giờ ngủ.

Một số trường hợp khác thì bị sốc vì quyền lợi, nhưng số này ít hơn.

Rất nhiều người về hưu suy sụp cả tinh thần và thể chất do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân phải từ bỏ vị trí công việc quen thuộc.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Lãnh đạo có chịu rời ghế làm nhân viên? - 1

Những công việc đặc thù cần có tuổi nghỉ hưu phù hợp. Ảnh: Khánh Linh 

Ở các nước phát triển, đang có khuynh hướng ngày càng tăng tuổi nghỉ hưu.

Ở Mỹ, theo số liệu năm 2017, tuổi nghỉ hưu nam giới trung bình là 60, nữ dao động từ 50-80 tuổi, tuỳ theo ngành nghề, sức khỏe. Tuổi thọ trung bình chung của dân Mỹ là 79,2 tuổi (nam 76,9, nữ 81,6).

Ở Nhật, theo số liệu năm 2018, tuổi nghỉ hưu trung bình 62 tuổi và trong tương lai gần họ sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên 68. Tuổi thọ trung bình là 83,7 tuổi (nam 80,5, nữ 86,8).

Tại Pháp, năm 2018, tuổi nghỉ hưu cả hai giới tăng từ 60 - 62, lộ trình đến năm 2023 tuổi nghỉ hưu tăng từ 65 - 67. Tuổi thọ trung bình ở đất nước này là 82,4 tuổi (nam 79,4, nữ 85,4).

Đó là tuổi nghỉ hưu và tuổi thọ trung bình các nước phát triển. Họ càng giàu càng lao động chăm chỉ và họ lao động cho đến khi không còn khả năng thì thôi.

Ở nước ta, tuổi thọ trung bình 73,5 tuổi (nam 70,9, nữ 79,2). Dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu nam đến 62 và nữ 60 là phù hợp. Một phần do cơ cấu dân số ngày một già đi và nhu cầu lao động ngày một tăng cao.

Tuy nhiên, nên xét theo đặc thù nghề nghiệp để quy định tuổi cụ thể. Ở Nhật, do cơ cấu dân số đang bị già hoá, người già vẫn lao động để sinh sống nhưng được ưu tiên theo ngành nghề. Ví dụ, người trên 60 tuổi được ưu tiên làm các công việc nhẹ, người trẻ làm công việc nặng và tinh xảo...

Ở nước ta, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tính đến các yếu tố nghề nghiệp và tính kế thừa.

Ví dụ: Đối với nghề y, nữ điều dưỡng ở tuổi 60 rất khó thực hiện chính xác các thủ thuật trong y khoa, một cô giáo mầm non khó có thể múa dẻo, hát hay khi 60 tuổi, một người thợ khó leo cao, khó vào hầm lò khi đến tầm tuổi đó…

Với những công nhân lao động, có lẽ sẽ không mặn mà với chuyện kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Ở các vị trí lãnh đạo tầm trung, nếu tăng tuổi nghỉ hưu phải tính đến tính kế thừa của lớp trẻ. Một người ở tầm tuổi này lại đã làm quản lý ở vị trí đó lâu năm sẽ rất khó có sự sáng tạo, đột phá. Trong khi những người đã từng làm lãnh đạo thì rất khó rời “ghế” để làm chuyên viên.

Bài toán khó giải nhất để tăng tuổi nghỉ hưu chính là cơ hội của người trẻ.

Để thuyết phục được Quốc hội, Chính phủ nên có những phân tích cụ thể hơn tác động với bộ máy hành chính và khối sản xuất kinh doanh bên cạnh lợi ích mang lại là không vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Nếu không có giải pháp đi kèm, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến bộ máy bị “già hóa” và khó có sự đột phá.

Về “quyền được nghỉ hưu” cũng nên thông thoáng hơn. Ví dụ, người có nhu cầu nghỉ hưu sớm nên tính thêm các yếu tố khác như thuế thu nhập cá nhân của họ đã đạt đến ngưỡng nào chứ không nhất thiết phải phụ thuộc vào tuổi và năm làm việc.

Lao động là một nhu cầu nhưng nghỉ ngơi cũng là một nhu cầu, vì thế các quy định liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu phải thỏa mãn được cả hai yếu tố đó.

Theo Nguyễn Thế Thịnh/Báo Giao thông