1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Tăng lương không quy đồng với ngừng dạy thêm"

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TP.HCM chia sẻ về việc lãnh đạo TP.HCM cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc

Đa số giáo viên TP.HCM đều phản đối việc thành phố cấm dạy thêm trong trường. Ngược lại, phụ huynh bày tỏ sự đồng tình. Theo cô có phải suy nghĩ của giáo viên và phụ huynh chưa gặp nhau?

- Tôi khẳng định chúng tôi không phản đối chỉ thị của lãnh đạo.

Nhưng khi được hỏi về tâm tình của một người trong cuộc, chúng tôi đã rất chân thành khi bộc bạch suy nghĩ của mình. Chúng tôi tổn thương khi bị quy chụp bằng cái nhìn chủ quan, bị gọi là tệ nạn.

Chúng tôi dạy thêm là điều có thực, song xuất phát điểm là từ nhu cầu học thêm của học sinh mà gốc rễ là từ chương trình, thi cử… Chúng tôi không thẹn với lương tâm khi việc làm của mình đều hướng đến lợi ích của học sinh và lòng tin mà phụ huynh đã dành cho chúng tôi.

Trên thực tế, những năm qua, các trường trong TP.HCM chúng tôi, dù mỗi trường có những nét đặc thù riêng, có những thuận lợi và khó khăn riêng nhưng tất cả đều cố gắng hết sức mình để có được những thành quả và uy tín trong giảng dạy, đã đào tạo được bao thế hệ học sinh trưởng thành. Điều đó không thể phủ nhận có sự góp sức một phần của việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường.

Còn về phía phụ huynh phản ứng với việc dạy thêm học thêm cũng là điều có thực, nhưng xuất phát còn từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ quy kết do thầy cô o ép, vô lương tâm, không đạo đức…

Tôi không cho là suy nghĩ của giáo viên và phụ huynh chưa gặp nhau, tôi tin phụ huynh cũng yêu kính thầy cô của con mình.

Nhưng điều phụ huynh cần là làm sao để không còn những tiêu cực, cách học nào ưu việt nhất cho các con, làm thế nào giúp các con học tập nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt kết quả cao ở các cấp học. Đây cũng là điều mà tất cả chúng tôi, những nhà giáo chân chính cũng trăn trở, cũng mong mỏi và cũng đang cố gắng thực hiện hết sức mình.

Tôi tin rằng giải quyết được những điều ấy thì phụ huynh và giáo viên nhất định sẽ có tiếng nói chung.

Rất nhiều giáo viên cho rằng nếu đủ sống họ sẽ không dạy thêm. Theo cô, nếu giáo viên được tăng một khoản thu nhập có thể từ 3 đến 4 triệu/ tháng thì có chấm dứt được dạy thêm không?

- Trước hết, chúng tôi xin khẳng định lại, việc tăng lương không quy đồng với việc không dạy thêm. Chúng tôi không nghĩ như vậy.

Chúng tôi thừa nhận, đồng lương giáo viên quá thấp, có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và công việc. Nếu được tăng lương, chúng tôi xem đó là sự quan tâm, sự động viên và tác động như một sự hỗ trợ về tinh thần cho giáo viên.

Song chúng ta cần hiểu, mấu chốt của vấn đề không phải là đồng lương giáo viên, mà vấn đề là làm sao chuyển tải mọi kiến thức để học sinh tự tin vượt qua các kì thi, đến được môi trường học tập cao hơn mà các em mong ước.

Tôi cho một giả thiết thế này, nếu như không có kì thi tuyển sinh 10 của thành phố ta, học sinh sau khi hoàn tất chương trình lớp 9 sẽ được xếp đúng tuyến theo hộ khẩu vào các trường THPT. Tương tự vậy ở bậc trung học, Bộ GD-ĐT bỏ đi kỳ thi tuyển đại học, các học sinh sau khi hoàn tất chương trình trung học chỉ xét học bạ để vào đại học, tăng cường kiểm tra một số kỹ năng mềm, năng lực phù hợp ngành học… Nếu như vậy, học sinh không việc gì phải đi học thêm.

Từ nay học sinh TP.HCM không học thêm trong trường
Từ nay học sinh TP.HCM không học thêm trong trường

Hãy nhìn lại thực tế hiện nay, chúng ta vẫn còn nặng nề về thi cử. Vì vậy, các học sinh lớp 9 chủ yếu chỉ luyện thêm 3 môn: Toán – Văn – Ngoại ngữ, còn học sinh cấp 3 đa số chỉ học thêm những môn theo khối thi đại học mà các em đã chọn.

Vì vậy, nếu không có sự thay đổi gốc rễ từ chương trình, dung lượng kiến thức đến cách ra đề thi và các kì thi tuyển thì nhu cầu học thêm vẫn còn và việc dạy thêm – học thêm vẫn sẽ tồn tại.

Theo cô, quyền lợi của học sinh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu chấm dứt hoàn toàn việc dạy thêm trong nhà trường?

- Nếu chấm dứt hoàn toàn dạy thêm học thêm mà cách tổ chức thi cử vẫn không thay đổi và chúng ta không đề ra được một biện pháp khả thi nào cho phù hợp với sự thay đổi này thì chắc chắn chất lượng giáo dục TP.HCM sẽ đi xuống.

Những năm qua, việc học thêm, dạy thêm trong nhà trường được lãnh đạo thành phố chấp nhận và quy định với một mức học phí vừa phải. Các em học sinh được chọn học những môn học theo nhu cầu của mình. Chính cách làm này mà việc tăng cường rèn luyện trở nên đồng đều trong học sinh.

Bên cạnh đó, chính sách miễn – giảm cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà các trường đang thực hiện cũng nhằm hướng đến quyền lợi được nâng cao kiến thức của tất cả các học sinh.

Vì nhu cầu, học sinh phải kiếm thầy để học nên việc cấm dạy trong nhà trường thì tất yếu các em phải chạy ra các trung tâm bên ngoài, việc quá tải chắc chắn sẽ xảy ra.

Bên cạnh đó, còn một thực tế nữa là không phải trung tâm nào cũng thuận tiện cho việc đi lại cũng như đáp ứng được nhu cầu của các em kể cả chất lượng và học phí. Và sẽ khó khăn hơn nữa với những học sinh nghèo vì trung tâm bên ngoài khó thực hiện việc thẩm định và giải quyết miễn học phí cho các em.

Ngoài ra, nếu việc cấm dạy thêm học thêm chỉ thực hiện ở TP.HCM thì thật thiệt thòi cho học sinh thành phố, khi mà học sinh các tỉnh vẫn tham gia kỳ thi đại học chung và học sinh tỉnh còn được điểm cộng ưu tiên vùng miền nữa.

Vậy chúng ta cần phải giải quyết gốc rễ của vấn đề, còn khi chỉ chấm dứt việc dạy thêm học thêm, mà điều này chỉ thực hiện ở thành phố mình, thì có lẽ với những điều tôi đã trao đổi ở trên, mọi người sẽ nhận thấy được những quyền lợi hay thiệt thòi mà học sinh TP.HCM sẽ nhận.

Xin cảm ơn cô.

Theo Vietnamnet.vn